| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên:

Mã số vùng trồng đưa nông sản chủ lực địa phương bay xa

Thứ Năm 07/12/2023 , 09:47 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương.

Xây dựng mã số vùng trồng giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Xây dựng mã số vùng trồng giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phát triển vùng sản xuất tập trung cho nông sản chủ lực

Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân và các HTX nông nghiệp xây dựng mã số vùng trồng. Giải pháp này không chỉ giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương.

Theo đó, UBND huyện Phú Bình đã xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực để quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, qua đó, hình thành một số vùng sản xuất tập trung, nổi bật như vùng sản xuất lúa nếp Thầu Dầu tại các xã Úc Kỳ, Xuân Phương, Bảo Lý, Nhã Lộng, Nga My; vùng sản xuất lúa J02 tại xã Tân Đức, Lương Phú, Dương Thành, Thanh Ninh; vùng sản xuất rau màu tại xã Nhã Lộng, Lương Phú, Tân Đức, Dương Thành, Thanh Ninh...

Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện Phú Bình đã phân bổ trên 700 triệu đồng để thực hiện các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tại nhiều HTX ở các xã: Tân Khánh, Dương Thành, Thanh Ninh, Thượng Đình, Hà Châu, Tân Đức, Lương Phú, Úc Kỳ, Xuân Phương.

Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tại xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tại xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bao bì, nhãn mác sản phẩm, lắp biển vùng sản xuất trên cánh đồng tập trung. Bên cạnh hỗ trợ vật tư sản xuất, cơ quan chuyên môn đặc biệt chú trọng mở các lớp tập huấn để tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân về quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến cáo bà con sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, đảm bảo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Từ những giải pháp nêu trên, đến nay toàn huyện đã được cấp 9 mã số vùng trồng tại các xã: Tân Đức, Thanh Ninh, Dương Thành, Lương Phú, Hà Châu, Thượng Đình, Tân Khánh, Úc Kỳ, Xuân Phương, với tổng diện tích lúa tại các vùng trồng là hơn 44 ha. Việc được cấp mã số vùng trồng đã giúp bà con nông dân chuẩn hóa quy trình chăm sóc và quản lý cây trồng, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Từ khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm của các HTX đã được nâng cao chất lượng, tạo dựng uy tín trên thị trường.

Từ khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm của các HTX đã được nâng cao chất lượng, tạo dựng uy tín trên thị trường.

Được sự hỗ trợ trong xây dựng mã số vùng trồng, HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ (xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã liên kết và vận động được 91 hộ dân tham gia quy trình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP. Cuối năm 2022, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm lúa của HTX với diện tích hơn 9,8 ha.

Theo ông Dương Văn Duy, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, trước kia, sản phẩm gạo nếp Thầu Dầu và tương nếp của HTX rất khó cạnh tranh trên thị trường, chủ yếu chỉ bán lẻ và kết nối tiêu thụ với một số cửa hàng nông sản sạch trong tỉnh.

“Nhưng kể từ khi được cấp mã số vùng trồng, chất lượng sản phẩm của chúng tôi đã được chứng minh, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Nhờ vậy, đến nay HTX đã kết nối cung ứng sản phẩm cho nhiều siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh”, ông Duy chia sẻ.

Nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín

HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng mã số vùng trồng ở tỉnh Thái Nguyên. Hiện đơn vị này có 2 ha chè đã được cấp chứng nhận mã số vùng trồng.

Theo bà Phạm Thị Yên, đại diện HTX, lợi ích lớn nhất đối với nông sản được cấp mã số vùng trồng là nâng cao uy tín với khách hàng, từ đó tăng cơ hội đưa sản phẩm ra nước ngoài đến với những thị trường khó tính.

HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên có 2 ha chè đã được cấp chứng nhận mã số vùng trồng.

HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên có 2 ha chè đã được cấp chứng nhận mã số vùng trồng.

Còn đối với HTX Tâm Trà Thái (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên), từ khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm chè của HTX đã thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng hơn. Bà Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái cho hay: "Có mã số vùng trồng rồi, việc quảng bá sản phẩm trở nên dễ dàng hơn do chất lượng của sản phẩm được đảm bảo. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở bất kì nơi đâu, bất kì lúc nào.”

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 29 vùng trồng chè được gắn mã số vùng trồng đạt yêu cầu theo TCCS 774:2020/BVTV, với tổng diện tích hơn 230 ha. Theo đó, TP. Thái Nguyên có 10 HTX và doanh nghiệp, huyện Đồng Hỷ có 8 đơn vị, Đại Từ có 7 đơn vị và Phú Lương có 4 đơn vị được cấp mã vùng trồng.

Bà Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, trên nương chè được cấp chứng nhận mã số vùng trồng.

Bà Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, trên nương chè được cấp chứng nhận mã số vùng trồng.

Một số đơn vị được cấp mã vùng trồng với diện tích khá lớn, như: Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thái Nguyên được cấp mã vùng trồng cho 11,4 ha chè ở xã Hoàng Nông (Đại Từ) và 3,5 ha chè ở xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); HTX chè Sáo Thịnh (Đồng Hỷ) trên 9 ha; HTX chè Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) 40 ha; các HTX Tâm Trà Thái và HTX chè Thủy Thuật (TP. Thái Nguyên) mỗi đơn vị được cấp trên 8 ha…

Các vùng chè đã được gắn mã số vùng trồng và định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi, truy xuất nguồn gốc. Qua đó, giúp nâng cao ý thức người sản xuất, chế biến chè trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là điều kiện cần thiết để sản phẩm chè của Thái Nguyên đến được với thị trường khó tính trên toàn thế giới.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Mục tiêu quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo

BÌNH DƯƠNG Bình Dương đặt mục tiêu quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và xây dựng được thêm ít nhất 2 vùng an toàn bệnh dại cấp huyện.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.