Có tổng đàn lợn lớn (trên 2 triệu con); có lò mổ Thanh Trì hàng ngày giết mổ từ 1.700 - 2.000 con lợn); số lợn trên có nhiều lợn nhập từ nơi khác về trong đó có các tỉnh biên giới; Tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ còn cao (trên 60%); Thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp; Dịp cuối năm lưu lượng gia súc, gia cầm ra, vào thành phố rất lớn.
Dịch tả lợn Châu Phi nếu không phòng chống tốt sẽ có sức tàn phá rất lớn |
Ngay sau khi có công điện của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 30/8/2018, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện thực hiện các giải pháp. Tuyên truyền mạnh để người dân hiểu rõ về bệnh dịch tả lợn Châu Phi, chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh; Chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động kiểm dịch vận chuyển lưu thông, tập trung ở các chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ; nhất là việc nhập lợn từ các tỉnh biên giới (như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng …) về Hà Nội; Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận thôn xóm; Ngành Thú y lấy mẫu kiểm tra tại các khu vực lây nhiễm cao để dự báo tình hình; Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nhập lậu, nhập lợn không rõ nguồn gốc; Tập trung ở các chợ đầu mối, các điểm cơ sở giết mổ lợn lớn (Thanh Trì, Chương Mỹ ...).
Tiếp tục phát động tổng tẩy uế môi trường, vệ sinh tiêu độc trên địa bàn toàn thành phố. Tổ chức tiêm phòng các loại vacxin phòng, chống dịch bệnh (dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, tai xanh) nhằm chống nguy cơ kế phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra việc triển khai tại các quận huyện, thị xã; Tăng cường đầu tư công tác phòng chống dịch bệnh; Sẵn sàng tổ chức diễn tập công tác phòng chống dịch bệnh dịch tả Châu Phi để chủ động đối phó khi có dịch xảy ra.
Thành phố cũng đang đề xuất kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành liên quan tập trung quản lý chặt chẽ việc nhập lợn từ các nước (đặc biệt từ Trung Quốc) vào Việt Nam; Tăng cường quản lý xuất, nhập động vật và sản phẩm động vật; Tiếp tục phát động “Tháng vệ sinh tiêu độc” toàn khu vực các tỉnh phía Bắc để hạn chế, ngăn chặn dịch tạo sự đồng bộ tại các tỉnh, thành phố; Sớm nghiên cứu sản xuất hoặc nhập vác xin để chủ động phòng bệnh.
Tăng cường kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở để thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh; đầu tư trang thiết bị dụng cụ chuyên ngành để chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và bệnh dịch tả lợn Châu Phi.