| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh điêu đứng vì dịch bệnh 'kép'

Thứ Sáu 22/11/2019 , 08:31 (GMT+7)

Đang căng mình chống dịch tả lợn châu phi (DTLCP) thì giữa tháng 10/2019, dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc phát sinh, lây lan khiến người chăn nuôi ở Hà Tĩnh điêu đứng.

Chính quyền cơ sở giấu dịch

Chiều 20/11, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, tính đến thời điểm này, DTLCP và LMLM gia súc đang hoành hành trên đàn vật nuôi của tỉnh. Mặc dù mức độ thiệt hại, phải tiêu hủy không cao bằng tháng trước, tuy nhiên, do thời tiết âm u, mưa lạnh; tỷ lệ tiêm phòng đợt 2/2019 đạt thấp nên nguy cơ dịch bệnh lây lan là rất cao.

17-48-33_1
Nguy cơ DTLCP và LMLM gia súc tại Hà Tĩnh lây lan diện rộng là rất cao.

Sau 6 tháng, số liệu lũy kế đến ngày 16/11, có 171 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thành phố, thị xã có lợn “dính” DTLCP; phải tiêu hủy 31.652 con với trọng lượng 1.696 tấn. Từ tháng 9/2019 đến nay diễn biến dịch có xu hướng phức tạp, lan rộng, xâm nhiễm vào một số cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn, gây chết, buộc phải tiêu hủy số lượng lớn. Đáng chú ý, dịch bệnh tập trung chủ yếu ở các huyện có mật độ chăn nuôi cao, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ lớn như các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ…

Đối với dịch LMLM, ngày 13/10 dịch phát sinh trên 9 con trâu, bò của 4 hộ thuộc xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, sau đó phát sinh thêm ở 15 xã khác của thị xã Hồng Lĩnh; huyện Hương Sơn (64 con); Kỳ Anh (210 con); Cẩm Xuyên (28 con); Hương Khê (27 con); Vũ Quang (17 con). Lũy kế đến ngày 19/11, tổng số gia súc mắc bệnh là 343 con, trong đó có 8 con bê nghé bị chết. Hiện còn gần 40 con trâu, bò chưa khỏi bệnh, đang tiếp tục điều trị.

“Trong những ngày gần đây dịch LMLM tại các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang đang tiếp tục phát sinh và có nguy cơ lây lan diện rộng. Các địa phương còn lại cơ bản đã khống chế được dịch”, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh nói.

Theo tìm hiểu của PV Báo NNVN, nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan thì có rất nhiều. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay ở Hà Tĩnh, biểu hiện giấu dịch; sự vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền cấp cơ sở; tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp và ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân hạn chế… là một trong những nguyên nhân chính, then chốt khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cụ thể, huyện Cẩm Xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình DTLCP thiếu tính kịp thời, không chính xác. Một số xã của huyện không báo cáo hàng ngày mà dồn số liệu lợn mắc bệnh, tiêu hủy 5 - 10 ngày mới báo; số liệu không trùng khớp giữa báo cáo của huyện và số liệu lưu tại xã…, gây khó khăn cho công tác tham mưu chỉ đạo phòng chống dịch.

Huyện Hương Sơn dịch xảy ra từ ngày 24/10 nhưng đến ngày 3/11 mới báo cáo dịch, tuy nhiên số liệu báo cáo 27 con thấp hơn con số Chi cục Chăn nuôi và Thú y đến kiểm tra là 63 con hay huyện Kỳ Anh dịch xảy ra từ ngày 11/10 nhưng đến 12/11 mới báo dịch…

Bên cạnh đó, dịch xảy ra chủ yếu trên đàn gia súc chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ chăn nuôi còn chủ quan, không khai báo mà tự mua thuốc về điều trị. Khi điều trị không khỏi, gia súc bị chết mới báo cáo cho chính quyền địa phương khiến dịch bệnh phát tán, lây lan ra diện rộng.
 

Chậm tổ chức tiêm phòng

Thời điểm này thời tiết đang chuyển mùa, khí hậu thay đổi, nhiệt độ hạ thấp làm giảm sức đề kháng của gia súc; lưu lượng mua bán vận chuyển tăng tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán. Vì vậy, một trong những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan là tổ chức tiêm phòng đợt 2/2019 triệt để. Tuy nhiên, thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy, tỷ lệ tiêm phòng bình quân toàn tỉnh đạt thấp, thậm chí nhiều xã chưa tổ chức tiêm phòng trong khi lịch chỉ đạo của tỉnh, huyện yêu cầu tiêm từ ngày 1/9/2019.

17-48-33_nh2
Tổng đàn lợn của tỉnh Hà Tĩnh đã giảm 11% do dịch bệnh “kép”.

Cụ thể, đến ngày 19/11, tỷ lệ tiêm vắc xin LMLM, tụ huyết trùng trâu, bò đạt 72,1% và 71%; dịch tả lợn 36%; tụ huyết trùng lợn 35,5%; vắc xin cúm gia cầm 17,2%. Cá biệt, các huyện Đức Thọ, TX Kỳ Anh, Nghi Xuân tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn mới chỉ đạt 5% kế hoạch…

Ông Trần Hùng gay gắt: “Đáng lẽ ra thời điểm này công tác tiêm phòng đã xong, nhưng hiện nay còn 10 xã không triển khai tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định; 19 xã chưa tiêm phòng cho đàn trâu bò; 101 xã chưa tiêm phòng cho đàn lợn; 133 xã chưa tiêm phòng cho đàn gia cầm. Đặc biệt, qua kiểm tra tại một số địa phương, còn có tình trạng gia súc tiêm phòng không đúng hướng dẫn, tiêm thiếu liều, không tiêm phòng nhưng vẫn ghi danh sách tiêm”.

Cũng theo ông Hùng, mặc dù tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt, đã có chế tài xử lý những đơn vị tiêm phòng không đạt theo kế hoạch như khiển trách, nhắc nhở, xử phạt hành chính đối với hộ chăn nuôi cố tình chống đối việc tiêm phòng…, thế nhưng thực tế, việc xử lý ở cơ sở gần như không thực hiện được.

Ảnh hưởng của DTLCP trong thời gian qua đã khiến tổng đàn lợn của tỉnh Hà Tĩnh giảm từ 426.000 con xuống còn hơn 379.000 con; tương đương giảm 11% tổng đàn.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.