| Hotline: 0983.970.780

Hai anh em ông Sùng, ông Sính đi đầu trồng ba kích ở Bắc Kạn

Thứ Bảy 22/06/2019 , 08:34 (GMT+7)

Từ chỗ thường xuyên vào rừng khai thác dược liệu, hai anh em người Mông ở xã Bình Trung (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đã mạnh dạn đưa cây ba kích rừng về trồng trong vườn nhà.

Dù đã ở tuổi lục tuần, nhưng ông Giàng Seo Sùng vẫn thoăn thoắt đôi chân hơn nửa giờ leo dốc lên vườn rừng. Đây là khu đất sản xuất, thành quả lao động mà gia đình ông Sùng tạo dựng sau hơn 20 năm định cư ở Khuổi Đẩy, xã Bình Trung.

Ông Giàng Seo Sùng giâm hom cây ba kích.

Những nếp nhăn trên khuôn mặt hằn sâu xuống khi ông Sùng kể về thời gian khó khăn đã đi qua. Sinh sống ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) nhưng do thiếu nước sinh hoạt nên năm 1990 gia đình ông di cư về xã Bình Trung.

Lúc đó, để có lương thực, hằng ngày ông Sùng và những người Mông trong thôn vào rừng làm nương, tìm kiếm dược liệu. Nhưng nguồn dược liệu cũng dần dần cạn kiệt và khan hiếm.

Đến năm 2010, sau nhiều suy nghĩ, ông Sùng tiến hành đào cây dược liệu từ rừng về trồng. Mảnh nương lúa hơn 1.000m2 trước đây đã thay thế bằng ba kích.

Ông Sùng cho biết: “Trồng lúa tính ra mỗi năm cho thu khoảng 3 triệu đồng, nhưng với cây ba kích, riêng năm ngoái, tôi thu tới 30 triệu đồng. Ba kích có công dụng bồi bổ thần kinh, gân cốt và chữa thấp khớp rất tốt.

Cây trồng sau 4 năm thì cho thu hoạch, mỗi khóm cho từ 1 - 2kg củ tươi. Ba kích càng trồng lâu năm thì càng có giá cao. Một cân củ ba kích tươi dao động từ 100 - 150 nghìn đồng. Nhiều cây phát triển rất tốt nhưng chỉ toàn rễ, không có củ, do vậy phải thường xuyên kiểm tra để loại bỏ”.

Hiện ông Sùng có 3.000 cây ba kích. Ông chọn những cây cho củ tốt để nhân giống bằng cách giâm hom. Thân bánh tẻ của khóm ba kích trên 4 năm tuổi được chọn làm hom cắm bầu.

Để có nước phục vụ cho việc giâm hom cây giống, ông Sùng đào hố, lót bạt hứng nước mưa. Ông cũng căng bạt che nắng, giữ ẩm bầu đất, làm cho hom ba kích nhanh nảy chồi, tạo rễ. Khi hom ba kích ra chồi, có 3 lá trở lên thì ông mang đi trồng.

Ba kích trồng trên đồi nên ít bị sâu bệnh. Khi thấy cây bị héo ngọn thì lấy tro bếp rắc vào gốc, phòng trừ rệp gây hại.

Hiện ông Sùng đang trồng ba kích ở vạt đồi ngay đối diện nhà ở để thuận tiện hơn cho việc đi lại chăm sóc, bảo vệ, tránh bị đào trộm củ.

Thấy hiệu quả từ những cây ba kích rừng đưa về trồng tại vườn nhà, năm 2013, em ruột ông Sùng là ông Giàng Seo Sính ở thôn Vằng Doọc, xã Bình Trung đã đi Vĩnh Phúc mua hơn 1.000 hom cây giống và học hỏi kinh nghiệm nhân giống ba kích.

Vườn ba kích đến tuổi thu hoạch của ông Giàng Seo Sính.

Thuận lợi hơn, năm 2015, ông Sính được tham gia thực hiện mô hình trồng ba kích do Hội Làm vườn huyện Chợ Đồn và Hội Nông dân xã Bình Trung phối hợp triển khai.

Với kinh nghiệm sẵn có, lại được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, nên ông Sính đã nhân giống thành công hàng chục nghìn hom ba kích, vừa bán, vừa phục vụ cho việc mở rộng thêm diện tích trồng của gia đình.

Theo ông Sính, cây ba kích dễ trồng và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Trung. Ông Sính trồng ba kích ngay quanh nhà, trên đất cát, lại được phủ bạt dưới gốc nên hạn chế cỏ mọc, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Vườn ba kích của ông Sính bắt đầu cho thu hoạch củ, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các cây trồng khác.

Ông Bàn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trung cho biết, hai anh em ông Sùng đều là những hội viên nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Thu nhập từ việc trồng ba kích và các cây dược liệu khác đã giúp ông Sính xây được nhà kiên cố, ông Sùng còn hỗ trợ được con trai mua xe tắc-tơ làm phương tiện phục vụ sản xuất.

Nhằm khuyến khích phong trào trồng cây dược liệu, Hội Nông dân xã Bình Trung sưu tầm, cung cấp tài liệu, hướng dẫn bà con mở rộng diện tích. Năm 2018, Hội Nông dân đã tổ chức cho 29 hội viên đi tham quan học tập mô hình trồng ba kích trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Một số hộ đã lựa chọn ba kích làm cây trồng để phát triển kinh tế, nâng tổng diện tích trồng ba kích của xã lên hơn 2 ha. Hội đang vận động, hướng dẫn ông Giàng Seo Sính thành lập Tổ hợp tác trồng dược liệu, trong đó có cây ba kích.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỉnh tiên phong ban hành năm cao điểm phòng, chống bệnh dại

Thanh Hóa là một trong những tỉnh tiên phong trên cả nước ban hành tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại.

Gượng dậy từ gian khó

GIA LAI Trong giai đoạn ngành mía đường lao đao, giá mía giảm mạnh, nông dân quay lưng với cây mía, số nhà máy đường và diện tích mía nguyên liệu cả nước giảm đến một nửa…