Đi xa để trở về
Cuối năm, Bế Thị Thu Huyền và Lương Thị Duyên cấp tập cho ra "lò" các sản phẩm ca cao để kịp phục vụ thị trường Tết. 2 cô gái này đều sinh năm 1993 ở thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên, đây là vùng xa của tỉnh Lâm Đồng và cũng là nơi bao năm qua nông dân trăn trở về đầu ra cho sản phẩm ca cao của địa phương.
Bế Thị Thu Huyền và Lương Thị Duyên cùng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật năm 2016. Sau nhiều năm làm việc xa nhà, 2 cô gái quyết định trở về quê lập nghiệp với hy vọng đưa sản phẩm của địa phương ra với thị trường.
Huyền chia sẻ, khi còn làm việc tại TP.HCM, chị được thưởng thức chocolate (sô cô la) và chợt nhận ra quê mình là một trong những nơi làm ra nguyên liệu cho dòng sản phẩm cao cấp này. Vậy nhưng cứ đến mùa thu hoạch, bà con lại khó khăn trăm bề về đầu ra, cam phận chịu cảnh thương lái chèn ép.
Những lần về thăm nhà, thấy bà con trong vùng ngán ngẩm, bỏ mặc vườn tược, chặt bỏ ca cao thì những ý tưởng trong Huyền về một nhà máy chocolate ở xã nhà lại bùng lên như thiêu đốt. Thế rồi, năm 2020, khi dịch covid-19 có diễn biến phức tạp, Huyền chính thức khăn gói về quê và cùng Lương Thị Duyên bắt tay vào việc gây dựng cơ đồ, làm việc mà ở quê chưa ai từng làm.
Vừa kiểm tra mẻ bột ca cao thơm ngào ngạt, Duyên vừa tâm sự, những ngày đầu bắt tay vào chế biến ca cao, 2 đứa gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Có thời gian, tiền của và công sức của 2 đứa mất trắng vì sản phẩm làm ra không đạt, phải đổ bỏ.
"Cả 2 đứa đều không học qua trường lớp nào về chế biến ca cao nên phải mò mẫm, tìm hiểu quy trình ở khắp nơi. Có thời gian, 2 đứa đến tận các nhà máy sản xuất, chế biến ca cao ở Tiền Giang để tham quan, trực tiếp gặp các chuyên gia học hỏi về quy trình. Các tài liệu, sách vở liên quan đến sản xuất, chế biến ca cao cũng được 2 đứa lục tung để nắm bắt kiến thức. Huyền cũng vận dụng vốn kiến thức ngoại ngữ của mình để tham khảo các tài liệu nước ngoài, liên lạc với chuyên gia nước ngoài để nắm bắt quy trình…", Lương Thị Duyên thổ lộ.
Bản Ca cao ra với thị trường
Sau 1 năm kể từ lúc bắt tay vào khởi nghiệp, Duyên và Huyền mới thực sự nếm vị ngọt thành quả. Đó là thời khắc một số chủ cửa hàng tiện ích từ Mỹ đến tận nơi để tham quan, thưởng thức, tìm hiểu về sản phẩm, là thời khắc các đối tác ở các tỉnh tìm đến để đặt vấn đề tiêu thụ... Các sản phẩm với thương hiệu Bản Ca cao của Duyên và Huyền sau đó chiếm được niềm tin khách hàng, quy mô sản xuất, sản lượng ngày càng mở rộng, nâng cao.
Để nâng tầm giá trị cho sản phẩm, Huyền và Duyên đã nâng cấp khu chế biến và đăng ký thương hiệu với tên Bản Ca cao. Huyền chia sẻ, cha mẹ và những người hàng xóm của Huyền là người dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào thị trấn Phước Cát (huyện Cát Tiên) lập nghiệp.
Dù thời gian đã lâu và cách xa về địa lý nhưng cộng đồng Tày, Nùng tại đây vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa quê cũ và gọi các cụm dân cư là "bản". "Chúng mình đặt thương hiệu Bản Ca cao bởi vì toàn bộ sản phẩm đều được sản xuất tại bản làng. Ngoài ra từ 'bản' trong thương hiệu cũng mang nghĩa là bản vị, bản chất và chúng mình muốn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm ca cao thuần Việt, nguyên chất…", Bế Thị Thu Huyền thổ lộ.
Hiện nay, Bản Ca cao của Duyên và Huyền chế biến và cho ra thị trường với các dòng sản phẩm như bột nguyên chất, bột ca cao sữa, rượu ca cao, chocolate và các sản phẩm bơ, đậu phộng ca cao cùng hàng loạt các sản phẩm liên quan đến ca cao.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, Duyên và Huyền đã thành lập Tổ hợp tác Ca cao, liên kết với 20 hộ dân sản xuất ca cao để đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến.
Trung bình, mỗi tháng Bản Ca cao thu mua khoảng 15 tấn quả ca cao từ các hộ liên kết với mức giá từ 5.800 đồng đến 6.500 đồng/kg trong khi thị trường ngoài chỉ ở mức 3.000 – 4.000 đồng/kg.
Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cát Tiên cho biết, hiện nay, các sản phẩm từ cao cao của Bản Ca cao đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đặc biệt, khi Tổ hợp tác sản xuất Ca cao được thành lập, việc phát triển ca cao ở địa phương dần được ổn định, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích.
Nói về tương lai, Bế Thị Thu Huyền chia sẻ, Bản Ca cao đang tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ thị trường nội địa. Đặc biệt đẩy mạnh sản xuất chocolate để người Việt Nam được sử dụng sản phẩm chocolate Việt Nam.
Bản Ca cao là một trong 9 dự án xuất sắc lọt vào vòng Chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2022. Với phần trình bày tự tin cùng một kế hoạch kinh doanh được đầu tư bài bản, có định hướng rõ ràng, dự án sau đó giành giải nhất.