| Hotline: 0983.970.780

Hai dự án thủy điện 'chẹn cổ' sông Hồng: Bài 2 - Đánh úp lập dự án thủy điện

Thứ Năm 30/05/2019 , 13:10 (GMT+7)

Trong khi Sở Công thương và UBND tỉnh Lào Cai rùng rùng cho một đơn vị khảo sát, lập hồ sơ xây dựng 2 thủy điện chặn ngang sông Hồng, thì cả chính quyền và người dân nơi sẽ xây dựng dự án vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra.

Không hiểu dựa vào đâu, Sở Công thương Lào Cai báo cáo “đều cơ bản nhất trí, ủng hộ dự án”!?
 

Dự án từ trên trời

Trong khi Sở Công thương báo cáo UBND tỉnh Lào Cai chi tiết tới từng hộ dân, từng ha đất bị ảnh hưởng, nhưng chính quyền và người dân vùng dự án lại tỏ ra ngỡ ngàng, chưa hiểu chuyện gì xảy ra.

Theo Sở Công thương Lào Cai, trong 4 xã vùng bị ảnh hưởng, duy nhất có xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên cho ý kiến tham vấn.

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Bảo Hà chìa ra văn bản cho ý kiến gửi Sở Công thương, gửi đi ngày 8/10/2018. Theo ông Chung, qua đối chiếu tọa độ địa lý Sở Công thương gửi và tọa độ địa chính cho thấy, thủy điện Bảo Hà… không nằm trên đất của xã.

Khi phát hiện ra sự việc, xã Bảo Hà đã gửi văn bản đề nghị Sở Công thương tổ chức đi kiểm tra thực tế vị trí xây dựng và trực tiếp lấy ý kiến tham vấn của người dân. Tuy nhiên, theo ông Chung, từ khi văn bản gửi đi, Sở Công thương không một lần phản hồi, chưa nói đến chuyện khảo sát thực tế hay lấy ý kiến người dân.

Lý giải vì sao không gửi ý kiến, ông Trần Anh Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Thượng (huyện Văn Bàn) cho rằng “Sở gửi văn bản khơi khơi thế, biết gì đâu mà ý kiến”. Theo ông Việt, từ khi nhận chức Chủ tịch xã (tháng 12/2016), chưa làm việc hay nhận được thông tin khảo sát nào về xây dựng thủy điện Bảo Hà.

Ông Trần Anh Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Thượng (huyện Văn Bàn) cho rằng “Sở gửi văn bản khơi khơi thế, biết gì đâu mà ý kiến”.

“Tôi chưa tiếp hay làm việc với một đơn vị tư vấn, khảo sát thủy điện nào cả. Kể cả có xây dựng, tôi thấy vị trí rất không phù hợp. Xây thủy điện trên sông Hồng tại đây sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sản xuất, đất đai, nhà cửa của các hộ dân vùng hạ du”, ông Việt nói.

Nói về việc Sở Công thương báo cáo các địa phương “đều cơ bản nhất trí, ủng hộ dự án”, ông Trần Anh Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Thượng thở dài: Hay là họ thấy các địa phương không biết gì, không gửi văn bản mà nghĩ rằng, im lặng là đồng ý chăng?

Theo ông Việt, nếu theo thiết kế, mực nước dâng bình thường tại đập thủy điện là 54 mét thì có khi ngập cả đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chứ đừng nói nhà dân ven sông. Vị này cho rằng, với thông tin dự án như vậy hoàn toàn không khả thi.

“Nếu đúng theo dự án, toàn bộ vùng bãi bồi và khoảng 5km ven sông sẽ bị ngập trắng. Nhẩm tính có khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng và di dời chứ không phải là 12 hộ như Sở Công thương tính toán.

Chúng tôi chưa nắm được gì nên cũng chưa xin ý kiến người dân nên không gửi văn bản tham vấn về sở”, ông Việt nói.

Ông Trần Văn Sơn, thôn Ù Sóc, xã Tân Thượng cho biết, đã gặp một số công nhân mang phương tiện máy móc về đo đạc, thông tin với người dân về dự án. Nhà ông Sơn trồng hơn 1ha bồ đề và cây ăn quả ven sông Hồng.

“Tôi chả hiểu làm thủy điện kiểu gì, như thế nào. Với mực nước ngập như thế thì toàn bộ đất sản xuất của chúng tôi sẽ bị nhấn chìm. Rồi đây, nếu làm thủy điện thì không biết chúng tôi sống kiểu gì”, ông Sơn than thở.

Sông Hồng, nơi dự kiến sẽ xây dựng thủy điện Bảo Hà.
Ông Trần Văn Sơn, thôn Ù Sóc, xã Tân Thượng: “Nếu nước ngập hết chúng tôi sẽ sống kiểu gì?”.

Nhà ông Phạm Ngọc Hiển 15 năm trồng khoai sắn ven bãi sông Hồng, cũng thuộc thôn Ù Sóc. Nói về dự án thủy điện Bảo Hà, ông Hiển bảo, nếu mực nước ngập tới 54 mét, vùng đất bãi này sẽ không còn một thứ gì tồn tại.

“Nếu làm thủy điện ở đây, không thứ gì có thể tồn tại được” – ông Phạm Ngọc Hiển, thôn Ù Sóc, xã Tân Thượng.


Lập lờ vị trí dự án

Chúng tôi tiếp tục tìm về xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng) tìm hiểu về dự án thủy điện Thái Niên. Trả lời về dự án, ông Khổng Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà sửng sốt nói: “Làm gì có dự án thủy điện nào ở giữa xã Thái Niên và Sơn Hà. Chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy và hoàn toàn không biết gì về dự án. Xã cũng chưa bao giờ nhận được văn bản xin ý kiến của Sở Công thương”.

Lãnh đạo xã Sơn Hà cũng bàng hoàng, sao lại có dự án xây dựng thủy điện trên sông Hồng. Làm thủy điện chặn sông Hồng thì vùng hạ du thế nào, vùng lòng hồ khi nước ngập thì dân đi đâu mà sống?

Càng tìm hiểu về dự án, chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Lần ngược lại thông tin tọa độ địa lý, chúng tôi phát hiện, vị trí thủy điện Thái Niên không nằm ở xã Sơn Hà như văn bản Sở Công thương báo cáo tỉnh mà nằm trên sông Hồng, đoạn cuối xã Thái Niên, đầu xã Sơn Hải.

Vị trí dự kiến xây dựng thủy điện Thái Niên là một bãi cát lộ thiên giữa sông Hồng.

Khẳng định về điều này, ông Vũ Tuấn Khơi, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết, tháng 10/2018 có nhận được văn bản xin tham vấn ý kiến của Sở Công thương Lào Cai. Tuy nhiên, sau đó cân nhắc cũng không gửi ý kiến với lý do không nắm được dự án, không biết góp ý như thế nào.

Ông Khơi chia sẻ, lãnh đạo xã cũng chưa ai nắm được cụ thể thủy điện này sẽ triển khai ra sao, tầm ảnh hưởng thế nào. “Nếu theo thuyết minh của dự án, mực nước chết của lòng hồ sẽ cao tới 73 mét, vậy là ngập lưng chừng quả đồi ven sông. Xã vùng trũng như Gia Phú, thậm chí cầu mới Gia Phú cũng bị ngập. Riêng hệ thống đường sắt ven sông Hồng, có đoạn cách mực nước chừng 10 mét, không hiểu sẽ thế nào?”, ông Khơi lo lắng.

Xung quanh 2 dự án thủy điện trên sông Hồng, dư luận tại Lào Cai đang cho rằng, có thể doanh nghiệp nhắm tới mục đích khác ngoài điện năng. Không chỉ đơn thuần là xin lập dự án và khảo sát một cách bâng quơ bất khả thi.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.