| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương tăng cường giám sát đàn gia cầm

Thứ Năm 27/02/2020 , 08:18 (GMT+7)

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm H5N1 và H5N6, Hải Dương đã sớm triển khai các biện pháp phòng chống...

Tăng cường vệ sinh chuồng trại và phun thuốc tiêu độc khử trùng. Ảnh: HƯNG GIANG

Tăng cường vệ sinh chuồng trại và phun thuốc tiêu độc khử trùng. Ảnh: HƯNG GIANG

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm H5N1 và H5N6 tại một số tỉnh, thành phố và nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng và ảnh hưởng trực tiếp tới đàn vật nuôi của địa phương, tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh các loại cúm gia cầm, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan diện rộng. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lưu thông trên thị trường các loại gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch.

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cho biết: Sau Tết, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã dần phát triển ổn định. Hiện tổng đàn gia cầm của Hải Dương dao động từ 11,5 triệu đến 13 triệu con, tăng xấp xỉ 8,33% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đàn gà ước đạt từ 8 triệu đến 8,5 triệu con.

Sở Công thương đã và đang tăng cường kiểm tra việc kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm, quản lý thị trường, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, xử nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là tại các chợ đầu mối. Công an tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị điều tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cùng đó, Sở Y tế đang chủ động và tăng cường giám sát các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1 và các loại cúm gia cầm khác trên người, tăng cường giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để, không để dịch lây lan; đồng thời khuyến cáo người dân các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.

Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường truyền thông để người dân nhận biết sự nguy hiểm của vi rút cúm gia cầm, các biện pháp phòng chống; sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch, không ăn thịt gia cầm ốm, không vứt xác gia cầm bừa bãi, bán chạy gia cầm bệnh; vận động người dân nuôi nhốt gia cầm tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại...

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, kiên quyết xử lý tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm không có giấy kiểm dịch. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn nếu để xảy ra dịch cúm sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố. Các huyện, thị xã, thành phố vận động các tổ chức, đoàn thể tại địa phương giám sát dịch bệnh; rà soát đàn gia cầm, khẩn trương triển khai tiêm phòng bổ sung cho số gia cầm chưa tiêm vắc xin; tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường thường xuyên tại các nơi có nguy cơ cao.

Tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường thường xuyên tại các nơi có nguy cơ cao. Ảnh: HƯNG GIANG

Tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường thường xuyên tại các nơi có nguy cơ cao. Ảnh: HƯNG GIANG

Người dân địa phương cũng đã có ý thức nuôi nhốt gia cầm, tiêm phòng đầy đủ và thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, cách ly, hạn chế cho gia cầm tiếp xúc với gia cầm khác đèn, hạn chế cho chim, người lạ vào chuồng… Các trại chăn nuôi lợn tập trung, công ty chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung chủ động lo vật tư hóa chất, kinh phí và triển khai dưới sự giám sát của chính quyền và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Kế hoạch “Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường để phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm” trên địa bàn tỉnh từ ngày 10/2 – 10/3. Ông Hoạt thông tin: Chi cục đã cấp phát 5.800 lít hóa chất khử trùng cho các địa phương. Chi cục cử cán bộ kỹ thuật giám sát, đôn đốc việc thực hiện Tháng tiêu độc khử trùng; cấp phát hóa chất cho các địa phương…

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.