| Hotline: 0983.970.780

Rốt ráo phòng chống cúm gia cầm

Thứ Năm 20/02/2020 , 09:46 (GMT+7)

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định không phát hiện ổ dịch cúm gia cầm nào. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của tỉnh này không lơ là, chủ quan.

Vãi vôi bột xung quanh trang trại chăn nuôi gia cầm

Vãi vôi bột xung quanh trang trại chăn nuôi gia cầm

Rốt ráo phòng ngừa

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định, năm 2019, chăn nuôi gia cầm của tỉnh tiếp tục phát triển khá. Tổng đàn gia cầm khoảng 8,5 triệu con; tăng 7,3%. Trong đó, gà hơn 6.100 con, ngan 500 con, còn lại là vịt. Sản lượng thịt gia cầm đạt gần 30.000 tấn; tăng 14,2% so với năm 2018.

Mặc dù, đàn gia cầm lớn nhưng ngành chăn nuôi tỉnh Nam Định không lơ là, chủ quan, toàn ngành đã chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm. Nhất là ở những vùng có nguy cơ xảy ra dịch.

Theo kế hoạch, năm 2019, ngân sách tỉnh hỗ trợ cấp cho các địa phương thực hiện phòng chống dịch bệnh trên động vật là 5,4 tỉ đồng. Cùng với đó người chăn nuôi chủ động kinh phí mua gần 1,8 triệu liều vắc xin cúm để tiêm phòng cho đàn gia cầm tại những cùng có nguy cơ cao.

Nhờ đó, mà năm 2019, toàn tỉnh không xảy ra dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, thực hiện giám sát chủ động vi rút cúm gia cầm, ngành chăn nuôi đã lấy 282 mẫu dịch hầu họng, phân gia cầm. Kết quả, có 27 mẫu dương tính với cúm A (9,6%), đặc biệt đợt lấy mẫu tháng 12/2019 đã phát hiện 2 mẫu dướng tính với vi rút cúm A/H5N6 tại chợ Cổ Lễ (huyện Trực Ninh) và chợ Nặng Tĩnh (TP Nam Định).

“Sau khi có kết quả, Sở NN-PTNT đã thông báo kết quả xét nghiệm và hướng dẫn các biện pháp xử lý cho các địa phương. Kết quả năm 2019 trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch cúm gia cầm”, ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định cho hay.

Ông Nguyễn Văn Đăng, cán bộ phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trực Ninh cho biết, lưu hành vi rút cúm A/H5N6 phát hiện tại chợ Cổ Lễ ở mức độ thấp, chưa đủ động lực để gây bệnh.

Song, huyện Trực Ninh không lơ là, chủ quan, tích cực phun thuốc tiêu độc khử trùng trong và ngoài chợ Cổ Lễ. Tuyên truyền các tiểu thương giữ gìn vệ sinh chung; nhất là các hộ giết mổ, buôn bán gia cầm cần thực hiện tốt việc buôn bán gia cầm rõ nguồn gốc, giết mổ ở nơi sạch sẽ…

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trực Ninh, hiện đàn gia cầm của huyện đang ở mức 260.000 con, cao hơn so với cùng kì năm ngoái. Với thời tiết diễn biến phức tạp, mưa, nồm ẩm kéo dài như hiện nay là điều kiện thuận lợi để dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan rộng.

Để chủ động phòng chống dịch dịch cúm gia cầm (A/H5N1 và A/H5N6), lực lượng thú y trong toàn huyện đã tổ chức phun thuốc khử trùng tại các chợ buôn bán gia cầm trên địa bàn huyện…

Phó Chủ tịch UBND xã Trực Hùng Hoàng Văn Đan cho hay, trước diễn biễn phức tạp của dịch cúm gia cầm, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Đồng thời, tuyên truyền các chủ hộ nâng cao ý thức trong quá trình chăn nuôi, tập trung phun thuốc khử trùng, vãi vôi bột xung quanh chuồng trại. “Do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm phần lớn, nên việc kiểm soát dịch bệnh, thống kê tổng đàn trên địa bàn xã rất khó khăn”, ông Đan nói.

Với quy mô gần 12.000 con gà Ai Cập siêu đẻ, anh Nguyễn Văn Phúc (xóm 15, xã Trực Hùng, Trực Ninh) đã tổ chức rất bài bản việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm tại trang trại.

Để vào được trang trại gà của anh Phúc, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu như mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, gang tay, sát khuẩn ủng bảo hộ…

Anh Phúc chia sẻ, thông qua đài báo, anh cũng đã nắm bắt được thông tin cúm gia cầm đang xuất hiện ở 5 tỉnh.

Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, trang trại đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; cấm trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng trong và ngoài trang trại.

“Xử” người đứng đầu nếu để xảy ra cúm gia cầm

Đến nay, ở Việt Nam đã có 5 tỉnh, thành gồm Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An có xuất hiện cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra.

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, với điều kiện thời tiết lạnh, ẩm kéo dài làm giảm sức đề kháng của vật nuôi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thực phẩm phục vụ vào thời điểm đầu năm tăng cao… là nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch cúm gia cầm phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh rất cao.

Trước khi vào trong khu vực chăn nuôi, chủ trang trại sát khuẩn ủng bảo hộ.

Trước khi vào trong khu vực chăn nuôi, chủ trang trại sát khuẩn ủng bảo hộ.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 bùng phát và nguy cơ lây sang người; không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên người đang xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, các đơn vị liên quan:

Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nội dụng tại Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY ngày 3/2/2020 của Bộ NN-PTNT về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm; Công văn số 167/TTg-NN ngày 5/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống dịch Cúm gia cầm A/H5N1 trên gia cầm và ở người.

Địa phương nào chủ quan, lơ là trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng thì người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên theo lĩnh vực và theo địa bàn phụ trách… Tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật…  

Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn. Ký cam kết với các hộ giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật không được giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết làm thực phẩm, thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca giết mổ…

Tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường; đặc biệt chú ý các vùng trọng điểm chăn nuôi, vùng có ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao trên địa bàn để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.