| Hotline: 0983.970.780

Hai giống ngô lai mới năng suất, chất lượng cao của Viện Nghiên cứu ngô

Thứ Hai 03/04/2023 , 09:12 (GMT+7)

Giống ngô lai đơn ĐH17-5 và TC14-1 do các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu ngô chọn tạo, được Bộ NN-PTNT công nhận, cho phép lưu hành sản xuất tại các tỉnh phía Bắc.

Giống ngô lai đơn DDH17-5

Từ tổ hợp lai giữa 2 dòng tự phối (HL1611 x HL16) các nhà khoa học Viện Nghiên cứu ngô đã chọn tạo, phát triển thành công giống ngô lai đơn ĐH17-5 có thời gian sinh trưởng 110 - 118 ngày, thời gian thu hoạch làm thức ăn xanh từ 87 - 104 ngày (tùy mùa vụ và vùng sinh thái), giống có khả năng chống đổ, chịu hạn và chống chịu tốt với một số đối tượng sâu, bệnh hại chính.

1 (1)

Giống ngô lai ĐH17-5 cho năng suất, chất lượng sinh khối rất tốt để phục vụ chăn nuôi.

Giống ngô lai ĐH17-5 có đặc tính nông sinh học đáp ứng được yêu cầu sản xuất thức ăn thô xanh cho chăn nuôi gia súc như, dạng cây cao, to, tán gọn, bộ lá xanh bền, khả năng thích ứng rộng, trồng được ở nhiều vùng sinh thái khác nhau.

Thực tế khảo nghiệm sản xuất ở các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Hoà Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Sơn La...) cho thấy, giống ngô lai đơn ĐH17-5 đều đạt năng suất sinh khối từ 63,5 - 65,9 tấn/ha, năng suất thu hạt khô đạt 7,86 - 8,29 tấn/ha

Là giống có chất lượng thô xanh và dinh dưỡng cao, tỷ lệ chất xơ đạt 23,28%, hàm lượng lignin (ADL) 3,17% nên giống ĐH17-5 được Bộ NN-PTNT công nhận, cho phép lưu hành phục vụ sản xuất các vụ, vùng trồng ngô phía Bắc từ tháng 11/2022. Giống được Công ty Cổ phần Doanh Nông hợp tác với Viện Nghiên cứu ngô để phát triển phục vụ sản xuất. 

Giống ngô lai đơn TC14-1 

Tương tự giống ĐH17-5, giống ngô lai TC14-1 cũng được Bộ NN-PTNT công nhận, đồng ý cho lưu hành phục vụ sản xuất các vụ, vùng trồng ngô phía Bắc từ tháng 3/2022 vì có tiềm năng năng suất cao, khả năng thích ứng rộng, chịu thâm canh, sinh trưởng phát triển khoẻ, chịu hạn, chịu rét và chống chịu tốt sâu bệnh tốt.

2 (1)

Giống ngô lai đơn TC14-1 cho năng suất hạt tiềm năng có thể đạt tới 10 - 12 tấn/ha.

Kết quả khảo nghiệm sản xuất tại các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An cho thấy, giống ngô lai đơn TC14-1 có bộ lá xanh bền, thân lá sau thu hoạch có thể sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi; hạt màu vàng cam, bắp hình trụ, kết hạt rất tốt, tiềm năng năng suất hạt đạt tới 10 - 12 tấn/ha. Giống ngô này đã được Công ty Cổ phần Doanh Nông hợp tác phát triển để phục vụ sản xuất. 

Yêu cầu kỹ thuật sản xuất cơ bản

Thời vụ trồng: Vụ xuân từ 20/1 - 20/2; vụ hè thu từ 15/5 - 15/6; vụ đông từ 5/9 - 30/9. Nên căn cứ vào nông lịch tốt nhất của địa phương để xuống giống, tránh cây ngô trỗ cờ gặp thời tiết khắc nghiệt, khô hạn hoặc nắng nóng gay ngắt.

Mật độ: Tùy mục đích trồng lấy hạt hay lấy sinh khối để lựa chọn mật độ gieo trồng phù hợp. Trồng lấy hạt, gieo từ 60.000 - 65.000 cây/ha (2.300 - 2.500 cây/sào 360m2), khoảng cách gieo 65 x 25cm/cây. Trồng lấy sinh khối, gieo 70.000 - 80.000 cây/ha (65 x 20cm/cây), tương đương 2.600 - 2.900 cây/sào 360m2.

4 (1)

Bao bì giống ngô lai ĐH17-5 do Viện Nghiên cứu ngô nghiên cứu lai tạo.

Phân bón cho 1ha: Phân hữu cơ vi sinh 2.500 - 3.000kg, đạm ure 300 - 350kg, lân supe 600 - 700kg, kali clorua 150 - 200kg.

Cách bón: Bón lót toàn bộ khối lượng phân hữu cơ vi sinh và lân supe trước khi gieo hạt. Thời kỳ ngô 3 - 4 lá bón 1/3 lượng đạm + 1/2 lượng kali kết hợp xới phá váng. Khi ngô 9 - 10 lá, bón 1/3 lượng đạm + 1/2 lượng kali và vun cao, phòng đổ ngã. Trước khi ngô trỗ cờ 7 - 10 ngày, bón hết lượng đạm còn lại.

Chú ý: Nhà nông căn cứ vào khối lượng các loại phân bón nêu trên để quy đổi ra liều lượng bón cho sào Bắc bộ 360 m2 hoặc diện tích gieo trồng cụ thể. Có thể tính đổi liều lượng các loại phân đơn (hướng dẫn ở trên) ra khối lượng phân NPK, DAP… cần bón, theo tỷ lệ tương ứng.

Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh: Tập trung chăm sóc tốt ở thời kỳ cây con và tỉa hoặc dặm cây cho đủ mật độ. Tưới đủ nước khi cần thiết, đặc biệt phải đảm bảo đủ độ ẩm cho ruộng ngô ở thời kỳ trước và sau khi trỗ cờ. Phòng trừ sâu, bệnh hại theo hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật địa phương.

Thu cây làm thức ăn chăn nuôi khi bắp ngô chín sáp (25 - 30 ngày sau thụ phấn). Thu hoạch bắp lấy hạt khi lá bi khô vàng và chân hạt xuất hiện chấm đen.

5 (1)

Bao bì giống ngô lai TC14-1.

Hạch toán của một số nông hộ ở Mộc Châu (Sơn La), 1ha ngô sinh khối cho năng suất 50 tấn/vụ, với giá bán 1 triệu đồng/tấn, sau gieo trồng 80 - 85 ngày, giá trị thu hoạch đạt 50 triệu đồng, trừ mọi chi phí, người dân còn lãi 30 - 35 triệu đồng/ha/vụ. Đây được coi là thu nhập khá cho các khu vực nông thôn kinh tế còn khó khăn, bởi kỹ thuật canh tác giản đơn, ít dùng hoá chất bảo vệ thực vật, coi như sản xuất thân thiện với môi trường.

Việc nghiên cứu, lai tạo thành công giống ngô ĐH17-5 và TC14-1 có năng suất hạt và năng suất sinh khối cao không chỉ có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa lớn về xã hội và môi trường. Đồng thời góp phần cùng nhà nước giảm nhập siêu nguyên liệu cho chế biến cám công nghiệp chăn nuôi nói chung, đáp ứng kịp thời nhu cầu thức ăn thô xanh ủ chua cho phát triển nuôi bò sữa, bò thịt.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm