Nói đến Hải Hậu, ai cũng biết đây là một huyện ven biển của tỉnh Nam Định, có tiềm năng phát triển lĩnh vực thủy sản. Nuôi trồng và khai thác thủy sản là được coi thế mạnh của huyện.
Trong tái cơ cấu nuôi trồng thủy sản, huyện Hải Hậu triển khai theo hướng chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, hình thành các vùng nuôi tập trung ở các xã ven biển.
Diện tích nuôi năm 2020 đạt 2.300ha (nước ngọt 1.800ha, nước lợ 500ha). Đối tượng nuôi được chuyển đổi nhanh sang các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và có thị trường ổn định. Quy trình nuôi được áp dụng theo hướng VietGAP.
Đối tượng nuôi mới được chuyển đổi ở vùng mặn lợ là tôm thẻ chân trắng, đạt bình quân giá trị 1,5 tỉ đồng/ha/năm; ở vùng nước ngọt là cá diêu hồng, đạt 600 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành được 3 trại gièo tôm thẻ chân trắng tại xã Hải Chính, quy mô sản lượng 150 triệu con tôm giống; kỹ thuật sản xuất con giống được chuyển giao cho các hộ nuôi cá diêu hồng tại Hải Châu.
Trong khai thác hải sản, huyện tập trung phát triển các đội tàu có công suất lớn (≥ 300CV), khai thác xa bờ gắn với việc phát triển mạng lưới thu gom, dịch vụ hậu cần thủy sản. Đã ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ.
Đến nay toàn huyện có 637 phương tiện khai thác với tổng công suất trên 110.000 CV (20 tàu từ 24 m trở lên và 178 tàu khai thác xa bờ từ 15m đến dưới 24m…
Ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hải Hậu cho biết: “Tốc độ phát triển lĩnh vực thủy sản của huyện Hải Hậu theo giá so sánh 2010 bình quân tăng 11,39% (2018, 2019, 2020). Năm 2020 tăng 2,17% so năm 2017 và giá trị sản xuất tăng 310 tỉ đồng so năm 2017”.
Anh Nguyễn Văn Cường (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu) chia sẻ, gia đình anh nuôi tôm thẻ chân trắng đã hơn 10 năm nay. Những năm đầu, chủ yếu là nuôi dưới ao; song hiệu quả kinh tế không cao, dịch bệnh trên tôm khó kiểm soát.
Tổng sản phẩm GRDP theo giá so sánh 2010, huyện Hải Hậu tăng bình quân 8,3%/năm; tăng 4,3- 4,8% so kế hoạch của Chính phủ.
Do đó, anh chuyển sang nuôi tôm trong bể xi măng. Trong quá trình nuôi, anh theo dõi sự sinh trưởng của con tôm rất kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Sau một thời gian, anh Cường nhận thấy nuôi tôm trong bể xi măng, tuy con tôm chậm lớn hơn nuôi ngoài ao nhưng chúng lại có sức đề kháng cao, không có dịch bệnh.
Và, từ đó anh chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng. Từ 6 bể xi măng ban đầu, anh đã nhân rộng mô hình, xây dựng thêm hàng chục bể khác. Hiện tại, anh đang sở hữu 80 bể xi măng nuôi tôm thẻ chân trắng.
Mỗi năm anh nuôi được 2 - 3 vụ tôm. Theo tính toán của anh Cường, với 80 bể nuôi, sau khi trừ tất cả chi phí, anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.
Mặc dù, thủy sản là thế mạnh của huyện Hải Hậu, tuy nhiên theo vị Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hải Hậu, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện triển khai đồng bộ ở các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và diêm nghiệp.
Về trồng trọt, Hải Hậu tập trung thực hiện theo hướng phát triển các “cánh đồng liên kết với doanh nghiệp” để sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa giống, cây dược liệu và cây rau màu.
Ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật về giống và điều chỉnh cơ cấu mùa vụ để an toàn hơn với thiên tai. Đến nay đã hình thành được 29 cánh đồng với tổng diện tích trên 1.188ha tại 14 xã, thị trấn, tăng 16 cánh đồng so với năm 2017…
Tích cực chuyển đổi các vùng sản xuất theo quy hoạch. Toàn huyện đã chuyển đổi được 294ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như cà chua, bí xanh, cây dược liệu... Hiệu quả kinh tế sau chuyển đổi phổ biến cao gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa.
Chương trình phát triển sản xuất rau an toàn, lúa an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn được quan tâm. Hải Hậu đã xây dựng được 2 mô hình trồng cây dược liệu (gồm đinh lăng, thìa canh), thực hành trồng và thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn GACP-WHO của Tổ chức Y tế thế giới có quy mô 90ha.
Chăn nuôi chuyển mạnh sang chăn nuôi trang trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, tiêu chuẩn VietGAP và đảm bảo vệ sinh môi trường. Do đó, chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong nông hộ giảm mạnh.
Toàn huyện hiện có 97 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí mới và trên 300 gia trại; giá trị hàng hóa năm 2020 đạt trên 200 tỉ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 250 - 300 triệu đồng/trang trại. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2020 ước đạt trên 16.900 tấn/năm…
Sau hơn 1 năm chìm trong “bão” dịch tả lợn châu Phi, tháng 2/2020 huyện đã công bố hết dịch. Đến nay, tổng số đàn lợn của huyện đạt 53.485 con.
“Nhiều năm nay, Hải Hậu tập trung sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Bởi, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân”, ông Triển nhấn mạnh.
Thông qua việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, diện mạo nông nghiệp, nông thôn của huyện Hải Hậu được đổi mới toàn diện. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, giá trị thu nhập/ha canh tác năm 2020 đạt 135 triệu đồng/ha/năm.