| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê

Nông dân canh tác lúa từ xa bằng công nghệ 4.0

Thứ Tư 26/08/2020 , 06:00 (GMT+7)

Canh tác lúa bằng công nghệ 4.0, ở từ xa nông dân biết mực nước trên ruộng, cây lúa thừa hay thiếu phân, dịch hại gì đang bùng phát để kịp thời xử lý...

Gắn máy quan sát đồng ruộng

Tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT, nông dân được hưởng nhiều lợi ích thiết thực, được tập huấn các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa như áp dụng “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” và chương trình IPM… Mục đích nhằm giúp nông dân giảm chi phí và tăng hiệu quả, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.

Máy cảm biến Khí tượng Thủy văn được lắp đặt để quan sát đồng ruộng. Ảnh: Hoàng Vũ.

Máy cảm biến Khí tượng Thủy văn được lắp đặt để quan sát đồng ruộng. Ảnh: Hoàng Vũ.

Tại TP Cần Thơ, Đại học Cần Thơ đã hỗ trợ lắp đặt thiết bị máy quan trắc Khí tượng Thủy văn tự động (hay còn gọi là máy cảm biến Khí tượng Thủy văn) cho ngành nông nghiệp. Đây là thiết bị do Trường Đại học Cần Thơ sản xuất, lắp ráp, bình quân mỗi máy trị giá hơn 100 triệu đồng, thời gian sử dụng có thể từ 3-4 năm. Có được những chiếc máy cảm biến thông minh này, Chi cục Trồng trọt - BVTV TP Cần Thơ đã triển khai áp dụng vào thực tế đồng ruộng, lồng ghép khi thực hiện các nội dung của dự án VnSAT.

Việc lắp đặt các máy cảm biến Khí tượng Thủy văn cho cánh đồng lớn của các HTX được dự án VnSAT hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật... đã nâng cao hiệu quả lúa hè thu năm nay. Theo đánh giá của nông dân, lúa xanh tốt, ít sâu bệnh và giảm được chi phí đầu vào khoảng 10-15% so với canh tác theo truyền thống.

Ông Trần Văn Đào, canh tác 1,3 ha ruộng ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ cho biết: Nhiều năm qua gia đình tham gia vào cánh đồng lớn, cuộc sống khá hơn trước. Thông qua nhiều chương trình hội thảo, tọa đàm và tập huấn kỹ thuật do ngành nông nghiệp địa phương và dự án VnSAT Cần Thơ tổ chức, giúp nông dân đã đổi mới tư duy sản xuất.

Đặc biệt, thông qua các mô hình trình diễn “1 phải, 5 giảm” gắn với đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa tại cánh đồng lớn, giúp nông dân có thể tự tin giảm lượng lúa giống sử dụng từ hơn 200kg/ha, xuống chỉ còn 80-120 kg/ha, tùy cấy hay sạ thưa. Kể từ vụ lúa hè thu năm nay, ruộng của ông Đào được ngành nông nghiệp cho đặt máy cảm biến Khí tượng Thủy văn giúp làm lúa tại cánh đồng lớn khỏe hơn trước. Máy cho ra số liệu dự báo trước để nông dân có biện pháp phòng ngừa hiệu quả và hứa hẹn cho vụ lúa bội thu.

GS.TS Võ Quang Minh - Trưởng Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) cho biết: Nhờ ứng dụng các giải pháp máy cảm biến Khí tượng Thủy văn giúp cho nhiều nhà vườn, trang trại, HTX nông nghiệp nhận biết được để có những biện pháp phòng ngừa hoặc tăng cường phân bón và thuốc BVTV cho cây trồng nhằm giúp cây trồng phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao. Đồng thời giúp người nông dân giảm áp lực về chi phí trong sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức.

Với máy cảm biến Khí tượng Thủy văn được lắp đặt, nông dân ở xa cũng có thể biết các chỉ số trên đồng ruộng của mình. Ảnh: Hoàng Vũ.

Với máy cảm biến Khí tượng Thủy văn được lắp đặt, nông dân ở xa cũng có thể biết các chỉ số trên đồng ruộng của mình. Ảnh: Hoàng Vũ.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt như hiện nay, có máy cảm biến Khí tượng Thủy văn sẽ hỗ trợ cho nông dân thuận lợi ở nhiều mặt. Đặc biệt máy giúp con người hiểu biết trước những vấn để khó khăn trong sản xuất, từ đó nâng tầm canh tác theo hướng hiện đại, số hóa.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV TP. Cần Thơ cho biết: Máy cảm biến Khí tượng Thủy văn là hệ thống thiết bị dùng để đo đạc, thu thập và truyền số liệu Khí tượng Thủy văn. Thông qua các số liệu quan trắc, người sử dụng (hộ canh tác, nhà quản lý, nhà chuyên môn) sẽ được cảnh báo sớm và phát đáp lại với các diễn biến thất thường của thời tiết tiểu vùng.

Cụ thể, những dữ liệu thu thập được từ máy cảm biến được đặt tại đồng ruộng, sẽ truyền tải thông tin về máy tính giúp người sử dụng hoạch định như: Lịch gieo cấy, thu hoạch, cảnh báo sớm sâu bệnh cho cây trồng, đo độ mặn phèn trong đất, áp xuất không khí, tia UV, tốc độ gió, lượng mưa, cảnh báo thiên tai, dự báo năng suất… Từ đó, giúp sản xuất nông nghiệp theo công nghệ 4.0 mang lại hiệu quả, giảm rủi ro, tăng năng suất chất lượng, giá trị mang lại là sản xuất nông nghiệp chủ động, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững hơn.

Máy tích hợp nhiều chức năng

Tại Đồng Tháp, thời gian qua, một số hợp tác xã (HTX) được dự án VnSAT hỗ trợ,  áp dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây được xem là hướng đi mới thích hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản, cũng như khẳng định vai trò của HTX trong phát triển các dịch vụ hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa. Điển hình trong số đó là HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười.

Ban quản lý dự án VnSAT cũng đang triển khai xây dựng cánh đống lớn ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất tại một số hợp tác xã, trong đó có cảm biến nước tự động trên đồng ruộng. Ảnh: Trung Chánh.

Ban quản lý dự án VnSAT cũng đang triển khai xây dựng cánh đống lớn ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất tại một số hợp tác xã, trong đó có cảm biến nước tự động trên đồng ruộng. Ảnh: Trung Chánh.

HTX Mỹ Đông 2 được thành lập từ năm 2013, có 108 thành viên, diện tích sản xuất 570 ha. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp và dự án VnSAT, HTX Mỹ Đông 2 được hỗ trợ, từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân.

Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 cho biết: Ưu điểm của mô hình này là sử dụng phân bón thông minh, chỉ bón duy nhất 1 lần/vụ và sử dụng loại máy cấy hiện đại có chức năng cùng lúc thực hiện 3 công đoạn: Cấy lúa, bón phân và phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc nên tiết kiệm được nhiều khoản chi phí về phân bón, thuốc BVTV và nhân công.

Song song đó, hệ thống quản lý mực nước tự động qua hệ thống cảm biến được điều khiển bằng điện thoại thông minh. Bằng hình thức này, nông dân có thể chủ động mực nước mọi lúc, mọi nơi bất cứ lúc nào khi cần. Từ đó, giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí về giống, phân bón, thuốc BVTV, giảm lượng nước tưới, giảm nhân công và giảm khí nhà kính.

Theo ông Dũng, qua thực hiện thí điểm mô hình sản xuất lúa thông minh, phần lớn thành viên HTX đều rất phấn khởi và cho rằng sản xuất lúa lý tưởng dễ thực hiện và cho hiệu quả khả quan. Theo tính toán, bón phân một lần nên chi phí đầu tư thấp hơn phương thức sản xuất truyền thống. Trung bình tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất.

Từ hiệu quả mô hình thí điểm này, ở vụ đông xuân 2019-2020, HTX đã nhân rộng mô hình lên diện tích 60 ha và được nhiều doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra. Sắp tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa thông minh để đáp ứng nhu cầu liên kết tiêu thụ lúa chất lượng cao của doanh nghiệp.

Tương tự, tại Kiên Giang, Ban quản lý dự án VnSAT cũng đang triển khai xây dựng cánh đống lớn ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất tại một số hợp tác xã. ThS. Lương Thanh Hải, Tư vấn Truyền thông dự án VnSAT Kiên Giang cho biết, đơn vị đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình trình diễn cánh đồng mẫu lớn ứng dụng trang thiết bị thông minh và đạt chuẩn VietGAP.

Áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, thông qua điện thoại thông minh, nông dân ở từ xa cũng có thể biết chính xác các chỉ số trên đồng ruộng, thậm chí điều khiển cho máy bơm hoạt động. Ảnh: Trung Chánh.

Áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, thông qua điện thoại thông minh, nông dân ở từ xa cũng có thể biết chính xác các chỉ số trên đồng ruộng, thậm chí điều khiển cho máy bơm hoạt động. Ảnh: Trung Chánh.

Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP, thực hiện 275 ha, với 76 hộ nông dân tại 2 HTX là Kênh 7A (xã Thạnh Đông) và Kênh 4A (xã Tân Hiệp A) tham gia. Đến nay, đã có chứng nhận VietGAP cho 2 HTX nói trên.

Theo ông Hải, thời gian tới dự án VnSAT Kiên Giang tiếp tực đẩy nhanh các hoạt động hội nghị truyền thông, tổ chức hội nghị và các lớp Tập huấn TOT, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ. Theo dõi, giám sát các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật tập huấn “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và tập huấn các chuyên đề khác cho các HTX để duy trì và nâng cao mức độ áp dụng công nghệ tiên tiến của nông dân.

Trình diễn cánh đồng lớn

Ban quản lý Dự án VnSAT Kiên Giang đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình trình diễn cánh đồng mẫu lớn ứng dụng trang thiết bị thông minh và đạt chuẩn VietGAP trên 300 ha cánh đồng lớn, tại huyện Tân Hiệp, gồm HTX Kênh 7A (xã Thạnh Đông) diện tích 130 ha, HTX Kênh 4A (xã Tân Hiệp A), diện tích 100 ha và huyện Châu Thành, HTX Thạnh Hòa (xã Mong Thọ A), diện tích 70 ha. Các HTX này được hỗ trợ đầu tư xây dựng cánh đồng lớn ứng dụng trang thiết bị thông minh, gồm: Máy bơm nước, tủ điều khiển thông minh, trạm quan sát sâu rầy thông minh, ống cảm biến ướt khô xen kẽ AWD.

Đào Chánh

TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA DỰ ÁN CHUYỂN ĐỔI NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM VNSAT

  • Tags:
Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.