Hải Phòng là 1 trong 4 ngư trường đánh bắt hải sản lớn nhất cả nước, toàn thành phố có 1.189 tàu cá được đăng kí, sản lượng đánh bắt hải sản trung bình hàng năm khoảng 90 nghìn tấn, trong đó số lượng hải sản XK sang Trung Quốc chiếm rất lớn.
Chuẩn bị các thùng xốp chứa đầy cá để công nhân chở ra Móng Cái, xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Đình Mười. |
Trước đây, con đường XK các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc của người dân hầu như bằng con đường tiểu ngạch. Nhưng gần đây, khi phải chuyển sang XK chính ngạch, phải truy xuất nguồn gốc và nhiều loại hải sản bị cấm NK khiến việc XK hải sản của Hải Phòng sang đây gặp khó, sản lượng giảm sút hẳn, cuộc sống ngư dân, thương lái… đảo lộn.
Để tiếp tục gắn bó với nghề, đảm bảo bao tiêu hải sản đánh bắt cho ngư dân, một số xoay chuyển bằng cách bán trong nước, một số cố bằng mọi giá bán qua Trung Quốc nhưng chi phí tăng lên gấp 10 lần.
Bà Hoàng Thị Mai – thôn Quần Mục, Đại Hợp, Kiến Thụy – đã có 30 năm XK thủy sản qua Trung Quốc, cho biết: Từ khi bên phía nước bạn cấm đường tiểu ngạch, việc XK sa sút hẳn. Chúng tôi cung cấp đá cho tàu thuyền để ngư dân bảo quản hàng bằng cá tươi, sau khi về thì rửa sạch cá và đóng vào xốp rồi xuất sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ khi không còn được bán qua tiểu ngạch, hàng hóa sau khi ra đến cửa khẩu còn phải thuê xe để đi đường bộ sang Trung Quốc với chi phí tăng lên gấp nhiều lần... Do đó phải hạ giá hải sản thu mua của ngư dân.
Hàng đi Trung Quốc rất khó vì bị cấm biên không cho đi tiểu ngạch nữa, chính ngạch thì nhiều loại hải sản không được đi nữa. Giá cả vẫn vậy nhưng nay để đi qua phía Trung Quốc được bị đánh thuế 1/3 giá trị hàng hóa. Ví dụ năm ngoái đi chính ngạch tiền thuế mất 2.000đ/kg cá thì năm nay phải mất 20.000/kg mới đưa được hàng hóa qua bên kia.
“Hiện tại tôi có đội tàu thuyền khoảng 40 chiếc, trước đây trung bình mỗi ngày lượng hải sản xuất sang Trung Quốc từ 1-2 tấn nhưng nay mỗi ngày còn khoảng 3 tạ. Ngày xưa hàng hóa đi chính ngạch thì thu nhập của ngư dân cao hơn 1 chút.
Nay thuế tăng lên, người đi biển bị thiệt hại nhiều, chúng tôi buộc phải mua hải sản của ngư dân thấp đi, thực tế là kinh tế ngư dân giảm sút đi nhiều” – bà Mai khẳng định.
Hải sản đánh bắt xuất sang Trung Quốc bị hạn chế, trong khi thị trường tiêu thụ nội địa vẫn phập phù, dẫn đến nhiều nơi có hàng chục tấn hải sản của bà con đành phải “dậm chân” trong những kho lạnh. Có nhiều người trước đây trực tiếp xuất hàng đi Trung Quốc nhưng nay phải thông qua đơn vị khác để đảm bảo đầu ra cho hải sản, có người thì bỏ đi làm nghề khác.
Việc hải sản XK sang Trung Quốc bị giảm sút kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó người bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngư dân. Tại các bến bãi không khó để nhận thấy nhiều tàu, thuyền không còn ra khơi, số lượng tàu thuyền giảm tần suất đi biển vì không có lãi do giá hải sản bị giảm sút, ngư dân chuyển sang làm nghề khác ổn định hơn để sinh nhai.
Cảng cá Ngọc Hải mới chỉ góp phần xác minh, truy xuất được khoảng 10% số lượng hải sản đánh bắt được của Hải Phòng. Ảnh: Đình Mười. |
Anh Trần Văn Ngọc – thuyền trưởng 1 tàu đánh cá xa bờ tại cảng cá Ngọc Hải cho hay: Từ khi Trung Quốc cấm XK tiểu ngạch, hải sản bán giá thấp hẳn, nhưng nếu không bán thì sẽ không bảo quản được lâu, dẫn đến hư hỏng. Hải sản có loại giảm đến 1 nửa giá trị so với năm ngoái. Có nhiều người được tư thương đầu tư cho vay tiền để mua tàu và bán hải sản cho họ nhưng khó khăn quá, giá hải sản rẻ, sản lượng ngày càng ít đi nên họ đành phải chuyển nghề, nghỉ đi biển.
Vấn đề XK hải sản qua Trung Quốc không chỉ “đìu hiu” đối với các thương lái, người dân mà với các DN lớn, có đủ điều kiện XK hải sản qua Trung Quốc cũng không mấy khá khẩm. Thống kê của Trung Tâm quản lí chất lượng Nông lâm Thủy sản khu vực 1 cho thấy, tại Hải Phòng hiện tại chỉ có 4 DN đủ điều kiện XK hải sản qua Trung Quốc.
Nhưng theo ghi nhận của PV thì hầu hết các DN chỉ đăng kí rồi để đó, chưa có hàng hoặc chỉ XK cầm chừng các mặt hàng như: chả cá, ngao đông lạnh, tôm cá đông lạnh, cá ướp đá… Trong 11 tháng, Chi cục Thủy sản Hải Phòng mới thẩm định, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác được 16 lô hàng với 400 tấn thủy, hải sản phục vụ XK chính ngạch.
Về vấn đề này, được biết hiện tại Sở NN-PTNT Hải Phòng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành và bà con ngư dân hướng dẫn cho từng tàu thuyền khai thác hải sản đúng địa chỉ, nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt hướng dẫn các đơn vị chế biến hải sản các thủ tục, công đoạn truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Khuyến khích các thương lái cố gắng tiêu thụ nội địa để đảm bảo đầu ra cho ngư dân, về lâu dài, ngư dân và thương lái sẽ phải được đào tạo, tập huấn để hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ, hướng đến xuất khẩu chính ngạch, vừa giúp hàng hóa được lưu thông suôn sẻ, vừa tăng được giá trị của mặt hàng.
Tuy nhiên, việc Hải Phòng mới chỉ có cảng cá Ngọc Hải đủ điều kiện xác minh nguồn gốc hải sản đánh bắt, đồng nghĩa với việc chỉ có khoảng trên 10% số lượng hải sản được xác minh, truy xuất nguồn gốc thì trong thời gian tới, theo những người am hiểu về thị trường Trung Quốc việc xuất khẩu hải sản của Hải Phòng qua đường chính ngạch sẽ còn nhiều gian nan.