Toàn bộ mã số mới vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt vào ngày 23/2, trong đó, 3 tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã vùng trồng nhất. Tiền Giang cũng là tỉnh được cấp nhiều mã số cơ sở đóng gói nhất, với tổng cộng 27 mã.
Tính tổng cộng qua các đợt cấp mã, Việt Nam hiện có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.
Ngày 7/9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) lần đầu tiên phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường nước này. Đây là thông tin đáng mừng cho thấy đa số các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc.
Trước đó, GACC đã cử 25 cán bộ kiểm tra trực tuyến 29 cơ sở đóng gói và hơn 100 mã số vùng trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói của Việt Nam để cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật cũng bố trí 22 cán bộ phối hợp với địa phương để hỗ trợ ngôn ngữ cho các cơ sở đóng gói và vùng trồng sầu riêng trong quá trình kiểm tra.
Chiều 17/9/2022, tại quảng trường Tân An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư ký kết giữa Bộ NN-PTNT và GACC, với tổng cộng 5 doanh nghiệp tham gia. Tổng cộng 6 container xuất khẩu chuyến đầu, với trọng lượng hơn 100 tấn.
Đến sáng 19/9/2022, tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, 2 container sầu riêng của Việt Nam đã chính thức hoàn tất thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc.
Sầu riêng là trái cây cho giá trị kinh tế cao. Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tăng cường, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, giúp người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.