| Hotline: 0983.970.780

Hạn chế nạn 'xài hoang' vật tư trong sản xuất lúa ở ĐBSCL

Thứ Hai 18/10/2021 , 12:46 (GMT+7)

Rất nhiều nông dân ĐBSCL vẫn theo thói quen, tâm lý cũ, sử dụng không đúng cách, lạm dụng phân bón với mong muốn tăng năng suất, khiến chi phí phân bón tăng cao.

Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị và lợi nhuận cho người trồng lúa ở ĐBSCL.

Đặc biệt, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá hàng loạt vật tư đầu vào cho sản xuất lúa, nhất là giá phân bón tăng rất cao đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất lúa ở ĐBSCL. Điều này đang đặt ra yêu cầu bức thiết là cần có giải pháp để giảm chi phí, nâng cao giá trị trong sản xuất lúa.

Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT).

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: TL.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: TL.

Ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân khiến việc sử dụng phân bón tại ĐBSCL bị lạm dụng ở mức quá cao so với mặt bằng chung cả nước?

Trước hết, chúng ta đều biết ĐBSCL là vùng thâm canh lúa có năng suất cao trong khoảng thời gian rất dài. Việc sử dụng phân bón đến 1 tấn/ha là con số rất cao. Trong quá trình thâm canh, các cơ quan chuyên môn đã có những hướng dẫn về việc sử dụng phân bón hợp lý.

Tuy nhiên, rất nhiều hộ dân ĐBSCL vẫn theo thói quen, tâm lý cũ sử dụng không đúng cách, lạm dụng phân bón với mong muốn tăng năng suất, đã đẩy việc sử dụng phân bón lên mức cao hơn mặt bằng chung cả nước từ 21 - 24%.

Với lượng phân bón dùng như vậy, đã ảnh hưởng rất lớn tới giá thành sản xuất, bởi khi giá phân bón biến động lên xuống thì giá thành sản xuất lúa cũng biến động theo.

Tuy nhiên, trong 13 tỉnh ĐBSCL với đặc tính sinh thái khác nhau, việc sử dụng phân bón cũng có sự khác nhau. Nên chúng ta phải nhìn nhận rằng, giá phân bón tăng ảnh hưởng đến vùng thâm canh cao, nhưng có thể chưa ảnh hưởng đến vùng chưa thâm canh hoặc thâm canh thấp.

Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận trên toàn vùng sản xuất lúa, ở nhiều khu sản xuất khác nhau, trên hệ thống canh tác, cơ cấu mùa vụ khác nhau.

Chúng ta phải phân tích thật kỹ, không thể đánh giá, giá phân bón lên cao sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ sản xuất của ĐBSCL, vì như vậy sẽ làm giao động trong nhận thức cũng như công tác truyền thông.

Nông dân ĐBSCL vẫn còn gieo sạ với lượng giống quá lớn, gây lãng phí và kéo theo việc tăng chi phí phân bón, nguy cơ sâu bệnh. Ảnh: TL.

Nông dân ĐBSCL vẫn còn gieo sạ với lượng giống quá lớn, gây lãng phí và kéo theo việc tăng chi phí phân bón, nguy cơ sâu bệnh. Ảnh: TL.

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của việc áp dụng máy gieo sạ cụm ở ĐBSCL trong thời gian tới? Chúng ta cần giải pháp kỹ thuật đồng bộ như thế nào để việc áp dụng được thành công?

Theo tôi, để đánh giá một giải pháp kỹ thuật có thể áp dụng cho ĐBSCL hay không, trước hết phải hiểu được đặc thù của hoạt động sản xuất lúa ở đây. Chúng ta sẽ đánh giá giải pháp kỹ thuật đó qua cách tiếp cận với cơ cấu mùa vụ, hệ thống canh tác, vùng sản xuất lúa… khác nhau ở ĐBSCL. Vì vậy, không thể có suy nghĩ, một giải pháp cơ giới phải áp dụng cho tất cả các vùng sản xuất lúa ở ĐBSCL.

Các cơ quan quản lý rất ủng hộ những giải pháp có thể làm giảm lượng giống gieo sạ. Những giải pháp hiệu quả, dễ sử dụng, khả năng nhân rộng cao, mang lại giá trị cho người sản xuất đều được Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xem xét đưa vào thử nghiệm, ứng dụng trong thực tế.

Đối với vấn đề giảm giống, không chỉ có yếu tố kỹ thuật quyết định (vì hiện nay trong canh tác lúa ở ĐBSCL đã có đầy đủ các giải pháp kỹ thuật tiến bộ), mà còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý, tập quán canh tác của người dân; điều kiện tự nhiên của từng vùng khác nhau… Vì vậy, khi chúng ta xem xét một giải pháp kỹ thuật mới cần hết sức cẩn trọng.

Đối với máy gieo sạ cụm, ngoài các yếu tố kỹ thuật của máy, chúng ta nên tiếp cận thêm ở góc độ khi đưa máy vào sản xuất thì vấn đề hậu mãi, tổ chức phục vụ sản xuất như thế nào, trong mùa vụ nào là chủ lực… thì nông dân sẽ đón nhận và hợp tác tốt hơn.

Cơ giới hóa trong gieo sạ ở ĐBSCL đang là giải pháp cấp thiết. Ảnh: TL.

Cơ giới hóa trong gieo sạ ở ĐBSCL đang là giải pháp cấp thiết. Ảnh: TL.

Về vấn đề chính sách, Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt luôn sẵn sàng có các chính sách hỗ trợ cho các giải pháp công nghệ, tuy nhiên giải pháp công nghệ đó phải mang lại lợi ích thực tiễn cho sản xuất.

Đối với máy sạ cụm, hiện nay đang cho những kết quả thử nghiệm rất khả quan. Vì vậy trong thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả trong các mô hình, có báo cáo, đánh giá tổng kết chi tiết từ đó sẽ kiến nghị những chính sách phù hợp nhất.

Quan điểm cá nhân tôi là những giải pháp nào giúp nông dân giảm giống, phân bón, thuốc BVTV… đều tốt cả. Các cơ quan quản lý hoàn toàn hoan nghênh, ủng hô để phát triển nếu thực sự mang lại giá trị cho người nông dân.

Với chủ trương chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang hình thức canh tác khác, nhất là cây ăn quả và thủy sản. Ông có thể cho biết những mô hình triển vọng và định hướng của ngành nông nghiệp hiện nay như thế nào?

Trước hết, chúng ta nên thống nhất cách hiểu về việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Mục tiêu là những vùng đất trồng lúa không hiệu quả mới chuyển sang các cây trồng khác, trên cơ sở thích ứng với điều kiện đặc thù của vùng đất đó và biến đổi khí hậu.

Khi nhận thức được rõ ràng, thì chúng ta sẽ có đánh giá việc chuyển đổi có hiệu quả hay không. Chúng ta vẫn phải đảm bảo diện tích trồng lúa có hiệu quả để duy trì đủ sản lượng tiêu dùng trong nước. Bởi lẽ, không có quốc gia nào đang đủ lượng cung tiêu dùng trong nước lại chuyển sang nhập khẩu, trong khi chúng ta đang có lợi thế và vị thế trong xuất khẩu gạo trên thế giới.

Việc chuyển đổi đất lúa sang cây ăn quả, các loại hình sản xuất khác ở ĐBSCL cần có nghiên cứu hài hòa, phù hợp đối với từng khu vực cụ thể. Ảnh: LHV.

Việc chuyển đổi đất lúa sang cây ăn quả, các loại hình sản xuất khác ở ĐBSCL cần có nghiên cứu hài hòa, phù hợp đối với từng khu vực cụ thể. Ảnh: LHV.

Vì vậy, phải khẳng định rằng, chỉ chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, chứ không phải chuyển đổi cả diện tích đất trồng lúa có hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn lúa.

Khi chuyển sang một cây trồng khác có hiệu quả hơn, phải nghiên cứu kỹ xem cây trồng đó có thích ứng với điều kiện canh tác, biến đổi khí hậu ở khu vực đó hơn cây lúa hay không. Vì theo kinh nghiệm, khi không trồng được cây lúa thì khó có thể trồng được cây trồng khác ở vùng sản xuất đó.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đến vấn đề thị trường, vì đây là yếu tố đóng vai trò quyết định. Lợi thế của cây lương thực là có thị trường tiêu thụ rộng mở hơn, trong khi các cây trồng khác có những đòi hỏi cao hơn về giá cả, thị trường, chất lượng, yêu cầu kỹ thuật…

Vì vậy, không thể đem hiệu quả sản xuất lúa so sánh với các loại cây trồng khác trên cùng một diện tích để đánh giá hiệu quả chuyển đổi. Nếu để đánh giá hiệu quả kinh tế thì được, còn đánh giá hiệu quả chuyển đổi của một cộng đồng, một vùng đất thì cần cân nhắc rất kỹ.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.