| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL chuyển đổi bao nhiêu đất lúa trong 5 năm qua?

Thứ Năm 21/10/2021 , 16:51 (GMT+7)

Kể từ năm 2016, quá trình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác diễn ra rầm rộ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Giai đoạn 2017 – 2020, chuyển đổi gần 400.000ha đất lúa

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, kể từ năm 2016, khi chưa có Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, xu hướng chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái hay nuôi trồng thủy sản, hoặc mô hình lúa – tôm đã khá rõ ràng.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Minh Phúc.

Đặc biệt, từ đầu năm 2018, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 586 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đến năm 2020, gửi các tỉnh, thành trong cả nước. Việc xây dựng Kế hoạch này không phải từ ý chí chủ quan hay mệnh lệnh áp đặt, mà xuất phát từ nhu cầu bức thiết của cuộc sống, khi nhiều vùng canh tác lúa không đạt hiệu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tại Quyết định số 586, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương  căn cứ vào Đề án tái cơ cấu ngành, căn cứ vào thị trường và diện tích đất trồng lúa để lập kế hoạch chuyển đổi đất lúa sang cây trồng, vật nuôi khác có giá trị cao hơn.

Khi Luật Trồng trọt ra đời, các quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, trình tự chuyển đổi, thủ tục chuyển đổi… đã được tích hợp vào Nghị định 62 quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và Thông tư 19 hướng dẫn chi tiết về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Kể từ đó, rất nhiều địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi với các mức độ khác nhau. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, riêng năm 2017, các địa phương ĐBSCL đã chuyển đổi được hơn 100.000ha đất lúa kém hiệu quả; 2018 khoảng 128.000ha đất lúa, năm 2019 thì xấp xỉ 78.000ha đất lúa, năm 2020 xấp xỉ 68.000ha.

Ông Cường phân tích, đây là tốc độ chuyển đổi phù hợp, vì giai đoạn năm 2017 – 2018 khi mới bắt đầu, thì nhiều hộ chuyển đổi theo phong trào, nhưng dần dần, diện tích đất có thể chuyển đổi không còn nhiều nữa, người dân và chính quyền địa phương sẽ đi vào trọng tâm phát triển các vùng và sản xuất theo xu hướng thị trường, đem lại hiệu quả thực chất hơn.

Về kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, Cục Trồng trọt đã tổng hợp kế hoạch chuyển đổi đất lúa của các địa phương và trình lãnh đạo Bộ NN-PTTN về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, không chủ động nguồn nước.

Nâng hệ số sử dụng đất, hiệu quả gấp hàng chục lần

Số liệu tổng hợp của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong số gần 78.000ha đất lúa được chuyển đổi trong năm 2019, diện tích rau màu chiếm đa số với hơn 64.000ha, tiếp đến là cây ăn trái gần 13.000ha và nuôi trồng thủy sản gần 800ha.

Cây mít được trồng trên đất lúa kém hiệu quả tại ĐBSCL. Ảnh: Minh Phúc.

Cây mít được trồng trên đất lúa kém hiệu quả tại ĐBSCL. Ảnh: Minh Phúc.

Đất lúa được chuyển đổi sang trồng cây ăn trái nhiều nhất là mít, xoài, cam xoàn, thanh long… ước tính trồng cây ăn trái đạt doanh thu trên 607 triệu đồng/ha. 

Việc chuyển đổi cây trồng và nuôi thủy sản đã nâng hệ số sử dụng đất lên gấp 2 lần, góp phần đưa lợi nhuận tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng; điều đó cho thấy việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hiệu quả và bền vững.

Ngoài ra, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đã làm giảm khoảng 50% nhu cầu lượng nước cần tưới cho sản xuất lúa và giảm đáng kể chi phí xăng dầu bơm tưới, khấu hao máy móc thiết bị, công lao động…

Tháng 6/2020, trong khuôn khổ chuyến công tác của Văn phòng thường trực Tái cơ cấu nông nghiệp Trung ương, Đoàn công tác đã lựa chọn một số mô hình thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của một số địa phương tiêu biểu trong vùng. Điển hình là mô hình nuôi cá tra công nghệ cao tại Long Xuyên, tỉnh An Giang (Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú).

Công ty đã và đang đầu tư chuyển đổi 600 ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi cá tra áp dụng công nghệ cao với kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng. Quy mô sản xuất của mô hình trung bình 200.000 tấn/năm, cơ bản đáp ứng nguồn cung nguyên liệu cho nhà máy chế biến thủy sản của Công ty. Thời điểm đó, dự án đã có hàng trăm ao nuôi với diện tích 1ha/ao, sản lượng 300 - 400 tấn/năm/ao.

Đây là một trong những mô hình tiêu biểu trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản; hiệu quả kinh tế so với trồng lúa tăng gấp hàng trăm lần (giá bán khoảng 45.000/kg).

Về hỗ trợ của địa phương: Dự án đã áp dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ là 24 tỷ đồng/4.000 tỷ TMĐT. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc đàm phán chuyển đổi đất nông nghiệp để hình thành vùng nuôi trồng của dự án.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Tăng quyền tự quyết cho doanh nghiệp có vốn nhà nước

Sáng 23/11, Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp với nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền tự chủ cho đơn vị.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.