| Hotline: 0983.970.780

Hạn hán khiến 2,1 triệu người Kenya có nguy cơ chết đói

Thứ Sáu 17/09/2021 , 08:00 (GMT+7)

Kenya tuyên bố thảm họa quốc gia vì mùa màng thất bát do ít mưa và nạn cào cào, trong khi xung đột sắc tộc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.

Một người đàn ông băng qua vùng đất khô cằn ở phía tây Turkana, một trong 23 quận ở Kenya đang đối mặt với nhu cầu cấp thiết về lương thực do mưa kém. Ảnh: Getty.

Một người đàn ông băng qua vùng đất khô cằn ở phía tây Turkana, một trong 23 quận ở Kenya đang đối mặt với nhu cầu cấp thiết về lương thực do mưa kém. Ảnh: Getty.

Ước tính có khoảng 2,1 triệu người Kenya phải đối mặt với nạn đói do hạn hán diễn ra ở một nửa đất nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng.

Cơ quan Quản lý Hạn hán Kenya (NDMA) cho biết người dân sống tại 23 hạt trên khắp các vùng khô hạn phía bắc, đông bắc và ven biển của nước này sẽ "cần khẩn cấp" lương thực viện trợ trong sáu tháng tới, do lượng mưa quá ít từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay.

Cuộc khủng hoảng trầm trọng thêm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và ít mưa trước đó. Dự báo tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn vào cuối năm, vì các trận mưa từ tháng 10 đến tháng 12 được dự báo sẽ ở dưới mức bình thường.

Các khu vực bị ảnh hưởng thường bị mất an ninh lương thực nhất ở Kenya do mức độ nghèo đói cao.

Tuần trước, Tổng thống Uhuru Kenyatta tuyên bố hạn hán là một thảm họa quốc gia, hứa hẹn “các biện pháp giảm thiểu hạn hán toàn diện”.

Vào tháng 7, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Kenya cho biết nước này cần 9,4 tỷ shilling Kenya (62 triệu bảng Anh) để giảm thiểu tác động của hạn hán từ tháng 7 đến tháng 11.

Asha Mohammed, Tổng thư ký của Hội Chữ thập đỏ Kenya, cho biết hầu hết các hạt bị ảnh hưởng đã phải đối phó với các cuộc xâm lược của châu chấu sa mạc, lũ quét và xung đột bộ lạc do nguồn tài nguyên ngày càng giảm.

“Đất nước trải qua hai mùa mưa đáng thất vọng, cào cào sa mạc tàn phá các vùng đất nông nghiệp ở cùng các hạt này và mọi người đang tranh giành một số tài nguyên hiện có. Tất cả những điều đó tạo ra một thảm họa”, Mohammed nói.

Bà cho biết không chỉ những người nông dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, mà cả những người ở thành thị cũng bị buộc phải trả giá cao hơn cho lượng lương thực ít ỏi sẵn có.

“Có một số thực phẩm đến được các khu vực thành thị trong các hạt này nhưng sức mua rất ít vì nhiều người đã mất việc làm do hậu quả của đại dịch Covid-19”, Tổng thư ký của Hội Chữ thập đỏ Kenya thông tin.

Đại dịch virus Corona làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực do làm giảm lực lượng lao động sẵn có tại Kenya - quốc gia vốn hoạt động canh tác tự cung tự cấp chủ yếu dựa vào lao động cộng đồng.

NDMA cho biết các biện pháp giãn cách xã hội đã “hạn chế hoạt động nông nghiệp của cộng đồng và lực lượng lao động có sẵn, làm giảm diện tích đất canh tác và sản xuất cây trồng dự kiến”. Sự gián đoạn nguồn cung cấp các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và gia súc dẫn đến sự biến động giá cả gia tăng.

Sản lượng ngô, loại lương thực chính của Kenya, dự kiến ​​sẽ giảm 50% ở các vùng bị ảnh hưởng do diện tích canh tác thấp, trong khi một số khu vực sẽ mất mùa hoàn toàn. Thu hoạch kém cũng ảnh hưởng đến những loại cây trồng có chu kỳ chín ngắn, chẳng hạn như rau.

Thomas Waita, đến từ làng Kathatu, phía đông Kenya, không hy vọng sẽ thu hoạch được nhiều cà chua từ trang trại rộng 0,2ha của mình trong năm nay. Mưa ít và mực nước giếng cạn đã khiến kích thước của cà chua bị nhỏ lại và một phần cây trồng bị hư hại do thối đầu hoa, vì lượng canxi không đủ.

Đối với ông bố hai con, mùa màng kém đồng nghĩa với việc tiền trong túi ít ỏi và nguồn dinh dưỡng kém cho gia đình nhỏ của mình.

“Cà chua đang chín nhưng không có đủ nước. Với phương pháp tưới nhỏ giọt, tôi chỉ có thể tưới chúng hai lần một tuần chứ không phải hàng ngày", Waita cho biết và nói thêm, "cà chua như thế sẽ không bán được giá tốt".

Waita tự coi mình là một trong số ít những người may mắn vì ít nhất ông còn có nước tưới cho cây trồng của mình. Thiếu nước khiến ngô trồng ở các trang trại lân cận bị héo và chết sau khi cao gần đến đầu gối. Ông cho biết, nhiều nông dân sử dụng các phương pháp tưới tiêu đòi hỏi dòng nước chảy đều đặn và với việc các con sông bị cạn kiệt, việc họ trở thành nạn nhân của hạn hán chỉ là vấn đề thời gian.

“Hạn hạn là do biến đổi khí hậu. Trước đây, chúng tôi từng có nhiều cây cối ở đây nhưng hầu hết đã bị đốn hạ để lấy củi, lấy than. [Các nhà khoa học] cho chúng tôi biết những nhiên liệu như vậy đang góp phần vào sự nóng lên toàn cầu và thay đổi mô hình mưa”, Waita nói.

Mohammed cho biết đã đến lúc Kenya phải nghĩ đến các biện pháp can thiệp trung và dài hạn để giảm thiểu khủng hoảng khí hậu và phá vỡ chu kỳ mất an ninh lương thực.

“Rõ ràng là điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn”, bà nói. “Chúng tôi có tất cả dữ liệu để giúp các cộng đồng này hồi phục và vực dậy”.

(Theo Guardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.