Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết mức cảnh báo "nghiêm trọng", mức cao nhất trong thang cảnh báo y tế của nước này, được áp dụng từ ngày 23/2.
"Chúng tôi quyết định nâng cảnh báo nguy cơ thảm họa về chăm sóc sức khỏe từ mức thận trọng lên nghiêm trọng", Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo.
Trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng ngày càng tăng đối với hệ thống y tế, Thủ tướng Han Duck-soo cho biết chính phủ sẽ yêu cầu kéo dài giờ làm việc tại các bệnh viện công hoạt động.
"Chúng tôi sẽ kéo dài giờ hoạt động của tất cả các bệnh viện công lên mức tối đa tất cả các ngày trong tuần, và mở rộng các dịch vụ tư vấn vào cuối tuần và ngày lễ", ông nói.
Thủ tướng Han cũng cho biết sẽ mở thêm 4 phòng cấp cứu khu vực phụ trách vận chuyển bệnh nhân có bệnh tình nặng vào đầu tháng 3/2024. Chính phủ cũng sẽ nới lỏng các quy định về tuyển dụng nhân viên y tế nhằm giảm tải công việc cho các bác sĩ, y tá và quan chức bệnh viện đang làm việc.
Phong trào đình công từ hôm 20/2 của các bác sĩ thực tập đã khiến các bệnh viện đa khoa lớn ở Hàn Quốc phải hủy 30 - 50% các ca phẫu thuật và từ chối tiếp nhận bệnh nhân.
"Số lượng bệnh nhân đã giảm, nhưng khối lượng công việc của tôi đã tăng gấp đôi", một y tá tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNUH) nói với hãng thông tấn Yonhap. Cô cho biết nhiều bệnh nhân đã được xuất viện hoặc chuyển đến một bệnh viện khác do SNUH hiện thiếu bác sĩ.
"Mỗi giáo sư tại bệnh viện giờ phải phụ trách 3 – 4 phòng bệnh, và khối lượng công việc của họ dường như còn lớn hơn nhiều so với chúng tôi," cô lưu ý.
Một bác sĩ chụp X-quang tại SNUH cho biết dù phải gánh khối lượng công việc khổng lồ do nhiều bác sĩ đình công, nhưng ông vẫn ủng hộ phong trào biểu tình của các bác sĩ thực tập.
"Khối lượng công việc của tôi tăng lên đáng kể, nhưng tôi sẵn sàng làm việc vì tôi ủng hộ lý tưởng của họ. Tôi sẵn sàng làm hết sức mình", bác sĩ nói, đồng thời cho biết thêm rằng khối lượng công việc của các bác sĩ phẫu thuật có thể đã tăng gấp đôi.
"Tôi không chắc liệu chúng tôi có thể trụ vững trong tình hình này hay không, nhưng mọi người đều rất quyết tâm và xác định trước rằng tình trạng này có thể kéo dài hơn một tháng", vị bác sĩ này nói.
Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, tính đến nay, hơn 8.400 bác sĩ đã tham gia cuộc đình công xin nghỉ việc đồng loạt, tương đương khoảng 64% toàn bộ số bác sĩ nội trú và thực tập tại Hàn Quốc.
Nhiều bác sĩ và sinh viên y khoa đã lên tiếng phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y của chính phủ, cho rằng nước này đã có đủ bác sĩ và việc tăng chỉ tiêu ngành y chỉ dẫn đến các dịch vụ y tế không cần thiết.
Bên cạnh đó, các bác sĩ này cho rằng kế hoạch của chính phủ không giải quyết được các vấn đề như tình trạng quá tải và thiếu ưu đãi cho các bác sĩ chuyên khoa, bao gồm nhi khoa, sản khoa và cấp cứu.
Mặc khác, phía chính phủ Hàn Quốc lập luận rằng đất nước nên bắt đầu đào tạo thêm các nhiều bác sĩ nhằm đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, đồng thời trích dẫn ví dụ về nhiều quốc gia phát triển khác đang phải đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ.
Bất chấp việc các nhà chức trách liên tục đe dọa sẽ điều tra và bắt giữ các bác sĩ chậm trễ xử lý khiến bệnh nhân tử vong, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn ở thủ đô Seoul vào ngày 25/2 và 3/3.