| Hotline: 0983.970.780

Hàng triệu người Mỹ nguy hiểm, chiến lược của Trump bị khoa học lật tẩy

Chủ Nhật 05/04/2020 , 07:49 (GMT+7)

Thất bại trong việc hành động và cảnh báo sớm đã khởi động chuỗi domino ảnh hưởng đến toàn nước Mỹ.

Trump phát biểu trong cuộc gặp Alex Azar, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ; Robert Redfield, Giám đốc CDC và Steve Monroe, Giám đốc khoa học thí nghiệm và an toàn tại Atlanta, Georgia, hôm 6/3. Ảnh: AP.

Trump phát biểu trong cuộc gặp Alex Azar, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ; Robert Redfield, Giám đốc CDC và Steve Monroe, Giám đốc khoa học thí nghiệm và an toàn tại Atlanta, Georgia, hôm 6/3. Ảnh: AP.

Ngày 6/3, một nhóm các nhà dịch tễ học Đại học Hoàng gia Luân Đôn cảnh báo lực lượng phản ứng Covid-19 Nhà Trắng trước những dự báo đáng sợ mà họ sắp công bố về tình hình dịch bệnh ở quốc gia này.

Phát hiện của họ tạo ra nỗi sợ tê liệt ở tất cả mọi người, trừ người Mỹ bình thường nhất. Covid-19, thời điểm đó đã lan đến ít nhất 28 tiểu bang ở Mỹ, được ví như đại dịch cúm giết chết 50 triệu người trên toàn cầu năm 1918.

Trên cơ sở mô hình của họ, nếu không có biện pháp ngăn chặn virus lây lan, chỉ trong vòng vài tuần, 81% dân số Mỹ sẽ lây nhiễm. Virus này có khả năng tàn phá cả quốc gia, đánh sập hệ thống y tế và điều kinh khủng nhất: gây ra cái chết cho 2,2 triệu người.

Chúng ta không biết những số liệu này được trình bày cho Donald Trump như thế nào. Những gì chúng ta biết, cùng ngày 6/3, Tổng thống Mỹ đến thăm Atlanta, cơ quan kiểm soát dịch bệnh liên bang, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Ông đang háo hức. Tổng thống vừa nghe trên Fox News rằng số ca bệnh Covid-19 mới nhất là 240, với 11 người chết. Trump và kênh truyền hình yêu thích của ông có cùng một phản ứng với những số liệu này - mọi thứ đang diễn ra tuyệt vời, chẳng có gì phải lo lắng.

"Nó sẽ kết thúc", Trump nói với các phóng viên đi cùng. "Mọi người phải giữ bình tĩnh. Tất cả những gì tôi nói là: Hãy bình tĩnh".

Sau đó, một phóng viên yêu cầu ông đưa ra dự báo mới nhất của chính quyền về việc virus Corona sẽ diễn biến như thế nào. Ông trả lời: "Chúng tôi không có dự đoán, vì chúng tôi không biết."

"Một ngày nào đó, nó sẽ biến mất, như một phép màu"

Câu trả lời của Trump là một trong số ít những khoảnh khắc thẳng thắn trong ba tháng qua khi tiến hành xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19. Đúng là họ đã không biết. Thực sự họ chẳng thấy gì.

Đến ngày 6/3, sự thiếu hụt phương pháp xét nghiệm hiệu quả, một phần do việc triển khai xét nghiệm Covid-19 thiếu chất lượng của chính CDC, đã cản trở nghiêm trọng những nỗ lực theo dõi sự lây lan của dịch bệnh với hy vọng có thể ngăn chặn trước khi nó tràn ngập khắp Hoa Kỳ.

"Bất cứ ai cần đều sẽ được kiểm tra", Trump tuyên bố với các phóng viên ở Atlanta. "Họ có đủ kit xét nghiệm và chúng rất tốt".

Nhưng, các bộ xét nghiệm không hề tốt, chúng thiếu sót nghiêm trọng. Và, bất cứ ai cần đều không nhận được kiểm tra.

Một phụ nữ rời Trung tâm chăm sóc Kirkland ở bang Washington ngày 29/2. Nhiều nhân viên và cư dân ở đây đã xuất hiện triệu chứng của Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Một phụ nữ rời Trung tâm chăm sóc Kirkland ở bang Washington ngày 29/2. Nhiều nhân viên và cư dân ở đây đã xuất hiện triệu chứng của Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Hầu như không có bộ xét nghiệm nào để công bố, Trump bộc lộ "khả năng thiên bẩm" của mình khi đối mặt vấn đề, "phẩm chất" ông đã thể hiện qua sự thiếu trách nhiệm trong suốt những tuần đầu khủng hoảng.

Trump coi mình là Tổng thống thời chiến với Covid-19 là kẻ thù. Nhưng những hành động bản năng mù quáng, sự ưu tiên cảm tính để lãnh đạo đất nước, hơn là chuẩn bị vũ khí cho cuộc chiến bằng khoa học, là dấu ấn của Trump trong việc phản ứng với dịch bệnh tính đến hiện tại.

Từ trường hợp xác nhận đầu tiên tại tiểu bang Washington ngày 20/1 đến việc trích dẫn 2,2 triệu ca tử vong dự kiến, Trump phơi bày bộ mặt thiếu tin cậy, làm giảm mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa để đổi lấy lợi ích cho thị trường chứng khoán New York.

"Chúng tôi đang kiểm soát hoàn toàn", ông nói hai ngày sau ca nhiễm đầu tiên được xác nhận ở Mỹ - một ngày trước khi Trung Quốc phong toả thành phố 11 triệu dân Vũ Hán.

"Chúng ta chỉ có năm người nhiễm bệnh và gần như đóng cửa với Trung Quốc", Trump phát biểu vào ngày 30/1, ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Cuối cùng, vào ngày 27/2, nước Mỹ chứng kiến cái chết đầu tiên do Covid-19. "Một ngày nào đó, nó sẽ biến mất như phép màu", ông Trump vẫn tự tin.

Công dân Trung Quốc đeo khẩu trang khi chờ xe buýt ở Bắc Kinh, 20/3. Ảnh: Getty Images

Công dân Trung Quốc đeo khẩu trang khi chờ xe buýt ở Bắc Kinh, 20/3. Ảnh: Getty Images

"Linh cảm" hay khoa học

Ngày thứ ba, Trump cuối cùng phải đổi giọng. 

"Đất nước của chúng ta hai tuần vừa qua đã phải hứng chịu nỗi đau nặng nề", ông nói. "Mỗi người Mỹ cần chuẩn bị cho thời gian còn khó khăn hơn ở phía trước."

Lúc này, sự thật nghiệt ngã đã không thể tránh được. Với lệnh cách ly xã hội, con số 2,2 triệu có thể được giảm xuống. Nhưng trong một kịch bản tươi sáng, vẫn sẽ có từ 100.000-200.000 người tử vong.

Trump đang chứng kiến thảm hoạ y tế công cộng với một tỉ lệ tàn khốc. 311.157 ca, gấp hai lần rưỡi so với nước đứng thứ 2 là Tây Ban Nha (126.168) trong bảng tổng hợp của Đại học John Hopkins.

Hơn 8.400 người đã chết và số liệu vẫn tăng theo cấp số nhân. Covid-19 gây quá tải ở các bệnh viện New York, New Orleans, Detroit và đang nhắm thẳng đến thủ phủ những người ủng hộ Trump. Máy thở và đồ bảo hộ đang cạn kiệt. Các bác sĩ phải tự bảo vệ chính mình với khẩu trang tự chế làm từ túi nhựa và dây chun. Kể cả việc xét nghiệm - yếu tố tối quan trọng trong việc bắt kịp với bệnh dịch - cũng gặp khó khăn vì thiếu tăm bông và ống nghiệm.

Nếu những ý kiến của các nhà khoa học và chuyên gia y tế cộng đồng được tiếp thu đúng cách, tai hoạ đáng ra đã có thể được đẩy lùi.

"Đây sẽ được xem như thảm hoạ sức khoẻ cộng đồng lớn nhất thế kỷ ở Mỹ", Eric Topol, Giám đốc y học phân tử, phòng nghiên cứu Scripps Research, San Diego, cho biết. "Gốc rễ của cuộc khủng hoảng là sự thiếu hiểu biết về địa điểm, cách thức và thời gian dịch bệnh lây lan."

Jeremy Konyndyk, cực chức trách ở Trung tâm Phát triển toàn cầu, người đứng đầu chính phủ trong phản ứng thảm hoạ quốc tế từ 2013-2017, bày tỏ sự tương phản mạnh mẽ giữa tình hình dịch bệnh của các quốc gia không chỉ quyết định bởi Covid-19, mà còn là thái độ của chính phủ với rủi ro cùng với thời điểm hành động.

"Ở điểm đó, chúng ta đã thất bại."

"Cho dù bạn có hệ thống y tế tốt nhất thế giới, chỉ cần cho virus đi trước 8 tuần, nó sẽ nuốt sống bạn".

Đối với Naomi Oreskes, giáo sư lịch sử khoa học ở Havard, một thảm hoạ còn chưa xảy ra chính là nỗi sợ lớn nhất.

"Lần đầu nghe về virus Corona, tôi và vài đồng nghiệp lo lắng Trump sẽ không tham dự buổi tư vấn khoa học. Đây là người coi thường các bằng chứng biến đổi khí hậu, và việc ông ấy lắng nghe bất cứ tư vấn khoa học nào cũng đầy hoài nghi."

Oreskes coi Covid-19 là thử thách lớn nhất với Trump. Liệu ông có đặt mạng sống người dân lên hàng đầu hay sẽ giở bài cũ: phớt lờ các chuyên gia, nhà khoa học và ưu tiên nền kinh tế?

"Đây là bài kiểm tra, liệu chính phủ của Trump có hành động. Chúng ta đã chứng kiến với những người nắm quyền ở quốc gia này, ý thức hệ có thể quan trọng hơn một mối nguy sắp xảy đến."

Một góc Nhà trắng ngày 11/3 khi Trump đưa ra biện pháp chống lại khủng hoảng Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Một góc Nhà trắng ngày 11/3 khi Trump đưa ra biện pháp chống lại khủng hoảng Covid-19. Ảnh: Getty Images.

"Khi tổng thống gảy đàn, người dân đang chết", Nancy Pelosi, đứng đầu Đảng Dân chủ trong Quốc hội tiến thêm một bước trong việc buộc tội Trump "gây ra cái chết cho người Mỹ". "Sự phớt lờ độ nghiêm trọng của dịch bệnh đã trở nên "chết chóc", làm chậm việc vận chuyển thiết bị y tế đến các khu vực cần thiết", bà chia sẻ với CNN

Đó là một cáo buộc nghiêm trọng, ngay cả trong thời điểm cần sự đoàn kết đảng phái. Nhưng ngày càng nhiều nhà khoa học và chuyên gia đưa ra tuyên bố tương tự.

"Chúng ta biết rõ sẽ có hơn 100.000 người chết", Topol nói. "Phần lớn là những người không đáng phải chết vì sự thiếu chuẩn bị của nước Mỹ. Là người lãnh đạo, Trump phải chịu trách nhiệm cho việc này, nhưng tất nhiên ông ta sẽ không làm thế".

Nhân viên y tế vận chuyển thi thể khỏi Trung tâm y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn, New York. Ảnh: Reuters

Nhân viên y tế vận chuyển thi thể khỏi Trung tâm y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn, New York. Ảnh: Reuters

Không phải Trump không được cảnh báo trước đó. Khi dịch Ebola bùng phát năm 2014, chính quyền Obama lo lắng lên kế hoạch chuẩn bị cho nước Mỹ trước dịch bệnh.

Konyndyk, người chỉ huy phản ứng Ebola, sững sờ khi tất cả các phương án của nỗ lực đó không được chính quyền Trump lựa chọn. "Chúng tôi đã thành lập đội phản ứng đặc biệt ở Hội đồng An ninh quốc gia, họ giải tán. Chúng tôi đề ra các phương án cho từng trường hợp cụ thể, họ phớt lờ".

"Giới khoa học biết rõ rủi ro - các biện pháp khẩn cấp cần được triển khai"

Khi virus Corona chỉ mới xuất hiện đã có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo sớm. Alex Azar, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ, nhận ra sự phát tán của một loại virus lạ ở Trung Quốc ngay từ 3/1.

Ngày 5/1, các nhà khoa học ở Thượng Hải đã giải mã toàn bộ gen từ một bệnh nhân và gửi đến GenBank, cơ sở dữ liệu trình tự gen của Viện Y tế quốc gia Mỹ. Đầu tháng 2, họ nhận thấy virus có khả năng lây chéo dễ dàng từ người sang người và có tỉ lệ tử vong tương đối cao, đặc biệt với người già và người dễ tổn thương.

"Bằng đó là quá đủ để các nhà khoa học nhận thấy virus có thể lây lan trên toàn cầu và cần thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp", Konyndyk nói.

Cũng vào thời điểm này, cục tình báo Mỹ phát cảnh báo đến Nhà trắng. Theo Washington Post, ông Azar đã cố liên lạc với Tổng thống nhiều lần nhưng thất bại. Cho đến 18/1, tất cả những gì Tổng thống muốn đối thoại là về thuốc lá điện tử.

Tờ báo trích dẫn một quan chức giấu tên trong chính phủ, người cho rằng hệ thống đang "báo động đỏ". Quan chức này phát biểu: "Có thể Donald Trump không quan tâm đến điều đó, nhưng rất nhiều người trong chính phủ đang lo lắng, họ chỉ không có cách nào thay đổi quan điểm của Trump."

Với toàn bộ đội ngũ khoa học dưới quyền, Trump quyết định chọn những cá nhân thiếu kinh nghiệm đối phó dịch bệnh vào vị trí chỉ huy đội phản ứng liên bang - Mike Pence - người đã hứng chỉ trích trong việc xử lý sự lây lan của HIV năm 2016 với tư cách Thống đốc bang Indiana.

Trump ngày càng phụ thuộc vào con rể Jared Kushner, người đã xuất hiện trong đội phản ứng hôm 2/4. Tờ Politico báo cáo rằng Kushner vốn có chuyên môn bất động sản đã phải gọi điện cho bố vợ của anh trai, một nhà vật lý học, để xin lời khuyên chiến đấu với dịch bệnh.

Jared Kushner lắng nghe trong cuộc gặp giữa Donald Trump và các CEOs ngân hàng về phản ứng với Covid-19 tại Nhà trắng, ngày 11/3. Ảnh: Getty Images.

Jared Kushner lắng nghe trong cuộc gặp giữa Donald Trump và các CEOs ngân hàng về phản ứng với Covid-19 tại Nhà trắng, ngày 11/3. Ảnh: Getty Images.

"Lệnh sóng" với giới chuyên gia

Thất bại trong việc đưa ra những cảnh báo sớm đã khởi động chuỗi domino trên toàn nước Mỹ. Bắt đầu từ tình trạng không thể xét nghiệm trên diện rộng và bây giờ chính quyền liên bang gần như án binh bất động, Đạo luật sản xuất quốc phòng đang được triển khai rời rạc nhằm huy động nguồn lực từ các tập đoàn, cùng với cách tiếp cận vấn đề không thiết thực và chắp vá đã khiến các bang phải hành động đơn lẻ, tình trạng mà Konyndyk ví như sự khai sinh của "50 bang vô chính phủ".

Trump đã ban bố lệnh cấm nhập cảnh với công dân Trung Quốc và châu Âu. Chuyên gia nói đó chỉ là biện pháp tình thế và không có tác dụng chặn đứng virus. Lần nữa, ông quyết định không lắng nghe.

"Trump lại suy nghĩ đến những bức tường. Đặt một cái quanh Trung Quốc và virus sẽ không thể đến Mỹ. Ông ta không bao giờ có được sự đồng thuận với các nhà khoa học", Topol bày tỏ.

Nhân viên cấp cứu bệnh viện St Barnabas ở Bronx, New York, ngày 28/3. Ảnh: Getty Images.

Nhân viên cấp cứu bệnh viện St Barnabas ở Bronx, New York, ngày 28/3. Ảnh: Getty Images.

Kết quả, nước Mỹ mất đi cơ hội chặn đứng virus từ đầu, kể cả phong toả những điểm nóng như Trung Quốc đã làm với Hồ Bắc hay tích cực xét nghiệm và cách ly như cách Hàn Quốc xử lý.

Tomas Pueyo, tư vấn viên ở California, tốt nghiệp đại học Stanford, chỉ ra những dữ liệu cho thấy tốc độ đáng sợ của virus qua một bài blog sau đó đã đạt 40 triệu lượt đọc.

Vào ngày 1/4, Tomas đưa ra cập nhật mới. Đường cong trên biểu đồ số người nhiễm bệnh của nước Mỹ dốc hơn bất cứ quốc gia nào khác.

Ba tuần trước, ông ấy nhắc nhở chúng ta rằng nước Mỹ có ít hơn 1.000 ca xác nhận, khi Trump tuyên bố với thế giới:"Không, tôi không hề lo lắng. Không, chúng ta đã làm rất tốt."

Giờ con số là hơn 310.000. "Đây, cấp số nhân trông như thế này", ông Tomas nói.

 Donald Trump đến sau Tiến sĩ Anthony Fauci trong cuộc họp với lực lượng phản ứng Covid-19, ngày 31/3. Ảnh: Reuters.

 Donald Trump đến sau Tiến sĩ Anthony Fauci trong cuộc họp với lực lượng phản ứng Covid-19, ngày 31/3. Ảnh: Reuters.

Sau khi tấn công các khu đông dân cư thuộc kiểm soát của đảng Dân chủ như San Francisco và Seattle, tiếp theo là New York và bây giờ, Detroit - virus đang phát tán xuống những vùng nông thôn phía Nam và tình cờ, cả thủ phủ của Trump.

Nhiều bang trong số đó tin tưởng vào Trump và Fox News, thờ ơ với mối nguy và cực kì chậm chạp trong việc triển khai cách ly xã hội. Florida với người cầm quyền đảng Cộng hoà Ron DeSantis, đã phát lại thông điệp của Trump và chỉ ban bố lệnh cách ly vào 4/4, trong khi có số người nhiễm cao thứ 6 ở Mỹ.

Georgia và Mississippi cũng hành động tương tự. Một số bang Cộng hoà bao gồm Oklahoma và Nam Carolina vẫn chưa có quy định yêu cầu người dân ở nhà.

Pueyo chỉ ra những người ủng hộ đảng Cộng hoà dễ tổn thương hơn do số tuổi trung bình cao hơn đảng Dân chủ. Virus Corona không phân biệt đảng phải, nhưng nó nhắm đến người già.

Nghịch lý vì thế là việc Trump đang đẩy những người ủng hộ trung thành nhất của mình vào nguy hiểm. Giống như Konyndyk đã nói: "Trump làm hại chính người ủng hộ mình bằng cách đưa ra các thông điệp phản khoa học, và họ đã tin chúng."

(Theo TheGuardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.