| Hotline: 0983.970.780

Hàng vạn hecta lúa Hà Tĩnh, Nghệ An 'chìm nghỉm' ngoài đồng: Bài học buồn tránh lặp lại

Thứ Sáu 06/09/2019 , 09:04 (GMT+7)

Thống kê cho thấy, Hà Tĩnh còn gần 13.000ha, Nghệ An còn hơn 9.000ha lúa hè thu chưa gặt, phần lớn chìm nghỉm trong đợt mưa lớn lịch sử, mất mát rất lớn!

Cơn bão số 4 xảy ra từ ngày 28/8, rồi tiếp đến các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 9 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) chồng nhau hoạt động ở ngoài biển Đông đã gây mưa to, mưa kéo dài nhiều ngày tại Bắc Trung bộ với tổng lượng mưa lên đến 300 - 500mm. Riêng ngày 2/9 ở thành phố Hà Tĩnh lượng mưa đo được 197mm. Theo Đài Khí tượng thủy văn vùng Bắc Trung bộ, những ngày vừa qua mưa lớn tập trung chủ yếu từ nam Nghệ An trở vào Hà Tĩnh, Quảng Bình đã gây ngập úng hàng vạn hecta lúa hè thu ở nhiều địa phương.

Lúa bị úng ngập mất mát rất lớn

Cho đến thời điểm đó tại Nghệ An còn hơn 9.000ha lúa hè thu chưa gặt, tập trung chủ yếu ở các huyện Nghi Lộc hơn 2.000ha, Hưng Nguyên 1.800ha, Quỳnh Lưu 1.500ha và rải rác ở một số địa phương khác. Trong số 9.000ha nói trên có trên 2.000ha bị ngập chìm trong nước.

Tại Hà Tĩnh theo chúng tôi được biết vẫn còn 12.800ha lúa hè thu chưa gặt và phần lớn số diện tích này đã bị ngập lụt. Nếu không bị ngập lụt thì cũng bị đổ ngã trên mặt nước do gió mạnh cấp 5, cấp 6 xảy ra cùng với mưa to. Số diện tích này tập trung chủ yếu ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Can Lộc và Hương Khê…

Đúng ra, vụ lúa hè thu năm nay phải được thu hoạch xong cơ bản trước ngày 25/8 thì sẽ tránh khỏi ảnh hưởng của bão số 4 và ATNĐ gây mưa to đến rất to trong mấy ngày vừa qua. Vì sao vậy?

Vụ lúa xuân năm nay cả Nghệ An và Hà Tĩnh cây lúa sinh trưởng và phát triển trong điều kiện thời tiết ấm, cả vụ xuân rất ít xảy ra các đợt rét đậm và hầu như không có rét hại. Vì vậy thời gian sinh trưởng (TGST) của các giống lúa rút ngắn lại, lúa làm đòng và trổ bông tập trung trước và sau ngày 10 tháng 4, sớm hơn lịch thời vụ quy định (25/4 - 5/5) từ 10 - 15 ngày, thậm chí có nơi lúa trổ sớm trước lịch thời vụ quy định 20 ngày, do vụ xuân ấm, lại gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định 8 - 10 ngày.

Do vậy, vụ lúa xuân vừa rồi cả Nghệ An và Hà Tĩnh thu hoạch cơ bản xong trước ngày 15 tháng 5.

Quỹ thời gian từ sau ngày thu hoạch xong lúa xuân 15/5 đến 30/8 kéo dài 105 ngày để sản xuất vụ lúa hè thu.

Trong khi đó vụ lúa hè thu ở Nghệ An và Hà Tĩnh đều gieo cấy các giống lúa có TGST từ 90 - 95 ngày, đa phần là các giống KD18, Thiên ưu 8, VT-NA2, VT-NA6, TBR25 và nếp 97. Nghĩa là TGST ngắn hơn quỹ thời gian cho phép để sản xuất vụ lúa hè thu năm nay từ 10 - 15 ngày tùy giống lúa khác nhau.

06-35-12_img_8067
Hàng ngàn ha lúa hè thu đã chín của Hà Tĩnh không kịp thu hoạch bị ngập lụt. Ảnh: Thanh Nga.

Vậy, tại sao mãi đến hôm nay đã sang những ngày đầu tháng 9 vẫn còn hàng vạn ha lúa chưa được thu hoạch?

Qua tìm hiểu thực tế ở các địa phương chúng tôi thấy có mấy nguyên nhân sau đây cần được xem xét để rút bài học kinh nghiệm trong việc chỉ đạo sản xuất các vụ lúa hè thu cho các năm sau, đó là:

Một: Do từ nhiều vụ hè thu gần đây, vùng bắc miền Trung nói chung, Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng hầu như không có lụt bão xảy ra. Vì vậy, vụ lúa hè thu gieo cấy sớm, muộn đều cho thu hoạch khá. Từ đó trong tổ chức chỉ đạo nảy sinh tư tưởng chủ quan, lơ là, thiếu quyết tâm trong việc đôn đốc, triển khai thực hiện vụ sản xuất hè thu ở các địa phương và từng cơ sở sản xuất, việc đảm bảo thời vụ gieo cấy bị buông lỏng. Về phía bà con nông dân thì quá "đủng đỉnh" và cho rằng thời gian còn dài mà quên rằng sản xuất lúa trong vụ hè thu phải luôn luôn nhớ câu tục ngữ ông cha ta đã tổng kết qua hàng trăm năm, đó là "Nhất thì, nhì thục". Thời vụ là trước hết, lúa hè thu cần phải gieo cấy càng sớm càng tốt để né tránh thiên tai, bão lụt mới có thu hoạch và ăn chắc.

Hai: Hầu hết diện tích lúa hè thu hôm nay chưa chín, chưa thu hoạch được là những diện tích được gieo cấy từ ngày 5 đến ngày 15/6, thậm chí có nơi kéo dài đến 20/6. Với thời vụ gieo cấy như vậy thì thu hoạch chậm trước và sau ngày 10/9 là chắc chắn.

Kinh nghiệm sản xuất lúa hè thu để được "ăn chắc" của bà con nông dân các huyện Yên Thành, Diễn Châu trong vụ này là không gieo sạ (gieo thẳng), mà phải gieo mạ trước khi thu hoạch lúa xuân từ 8 - 10 ngày để đẩy TGST của các giống lúa kéo về trước, rút ngắn TGST của các giống lúa về sau và làm được như vậy sẽ cho thu hoạch xong chậm nhất trước ngày 30 tháng 8 hàng năm và như năm nay họ đã thu hoạch xong trước ngày 25/8. Trong khi đó các huyện ở Hà Tĩnh và một số huyện ở Nghệ An, như Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương… thì chủ yếu gieo sạ và lại gieo chậm nên đến hôm nay lúa chưa chín và chưa cho thu hoạch là đúng.

Ba: Trong vụ lúa hè thu không chủ quan và cũng không nhất thiết phải chờ cho lúa chín được từ 85 - 90% mới thu hoạch. Ông cha ta từ lâu đã có câu "xanh nhà hơn già đồng". Vừa rồi đã có thông báo của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt Trung ương và của Đài khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng về bão ở ngoài biển Đông ảnh hưởng đến các tỉnh khu vực Bắc miền Trung, mưa sẽ rất to…

Khi đã có thông tin như vậy mà chính quyền một số địa phương vẫn chưa thật sự quyết liệt trong việc tổ chức chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh diện tích lúa đã chín từ 70% trở lên để giảm bớt thiệt hại như đã xảy ra hôm nay.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm