Đây cũng là địa chỉ tạo nguồn, cung cấp cá giống và cá thương phẩm cho các tỉnh Tây Nguyên, một số tỉnh duyên hải miền Trung...
Củng cố và nhân giống
Với đặc điểm tự nhiên là vùng miền núi- Tây Nguyên, không có biển để phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản, do đó, tạo dựng một trung tâm giống thủy sản ở đây mang một ý nghĩa hết sức quan trọng: Cung cấp nguồn cá giống, cá thương phẩm, giải quyết nhu cầu thực phẩm tại chỗ cho người dân nơi đây.
Tác giả (áo trắng) và ông Phạm Hữu Phước kiểm tra đàn cá giống điêu hồng trước khi xuất bán. |
Thấy được tầm quan trọng này nên ngay từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, bà Trần Lệ Xuân đã cho khảo sát, xây dựng nên một khu vực nuôi cá nước ngọt rộng hơn 10ha, với tên gọi lúc đó là "Trung tâm dưỡng ngư". Thời đó, toàn Tây Nguyên chỉ có duy nhất trung tâm này, với hệ thống ao hồ, kênh dẫn nước, bể cho cá đẻ, nhà cửa được bố trí bài bản khoa học.
Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm theo lịch sử, với nhiều tên gọi khác nhau qua mỗi giai đoạn, trung tâm này đã được kế thừa và phát triển vững vàng đến ngày nay.
Hiện trung tâm rộng hơn 11ha, trong đó có 8ha mặt nước. Theo thời gian hệ thống nhà cửa và một số công trình xây dựng từ trước đã xuống cấp hoặc lạc hậu. Từ ngày tiếp quản, được sự quan tâm của tỉnh và ngành nông nghiệp, trung tâm đã đầu tư nâng cấp, cải tạo và làm mới một số hạng mục cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai, ông Phạm Hữu Phước, cho biết: “Chỉ riêng năm 2018, chúng tôi cho sinh sản 12 vạn cá trắm bột, 1,7 triệu cá chép bột, 3 vạn cá giống rô phi, điêu hồng… phục vụ công tác ương nuôi. Hiện chúng tôi có đàn cá bố mẹ khoảng 3 tấn gồm các loại trắm, chép, rô phi, điêu hồng, lăng nha đuôi đỏ.
Từ năm 2014, chúng tôi nuôi thử nghiệm và đã cho sinh sản thành công cá Koi Nhật Bản với hai dòng là Kohakư và Hikari. Hiện đã có một số đơn vị và cá nhân đặt mua. Chúng tôi đang nuôi và cho sinh sản đối với giống cá chép ba máu V1 thuần chủng của Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Bắc trong chương trình hợp tác sản xuất giống thuỷ sản”.
Mở rộng quy mô nuôi trồng
Gia Lai có tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản khoảng 14.410 ha (diện tích đã nuôi trồng khoảng 1.110 ha). Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã thả hơn 780 ngàn con cá giống các loại ra 21 hồ chứa và hồ tự nhiên tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Cá chuẩn bị xuất bán. |
Gia Lai hiện có hơn 150 hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện với khối lượng hơn 23 tỷ m3 nước ngọt. Đây là tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng các loại thuỷ sản. Định hướng của tỉnh Gia Lai, đến năm 2020, diện tích tham gia hoạt động nuôi thuỷ sản là hơn 24.000ha. Và để phục vụ cho nhu cầu này, trung bình mỗi năm, trung tâm trên đã cung cấp ra thị trường hàng triệu con cá giống và nhiều tấn cá thịt thương phẩm. |
Riêng năm 2018, Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Sở NN-PTNT Gia Lai thả 76 ngàn con cá giống xuống hồ thủy điện An Khê-Ka Nak. Theo đó nguồn lợi thủy sản được tái tạo, tạo sinh kế cho người dân sinh sống gần các hồ.
Bên cạnh thả cá ra ao hồ tự nhiên, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng trong các hồ chứa. Hiện toàn tỉnh có 90 lồng cá nuôi trong các hồ thủy lợi và thủy điện theo hình thức thâm canh và bán thâm canh, tập trung chủ yếu tại các huyện Kbang, Krông Pa, Chư Pah và thị xã An Khê, với các loài có giá trị kinh tế như điêu hồng, lăng nha, thác lác, rô phi đơn tính…
Năm 2017, gia đình ông Phạm Mẫn (tổ 4, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đầu tư 12 lồng nuôi thử nghiệm cá điêu hồng cùng một số loài cá khác tại hồ thủy lợi Ia Năng. Qua 2 năm, cá sinh trưởng, phát triển ổn định nên hàng năm, ông mua cá giống về nuôi tiếp.
"Mỗi ngày cho ăn 2 bữa, cá phát triển tốt, thịt chắc, ngon. Khoảng tháng 11 xuất bán cá đến Tết Nguyên đán. Sản lượng cá thu về trong hai năm qua đủ chi phí đầu tư ban đầu. Riêng từ tháng 2/2019 đến nay đã xuất bán được khoảng 4 tấn cá điêu hồng với giá 35.000- 40.000 đồng/kg, trừ tiền đầu tư con giống và thức ăn, lãi khoảng 70 triệu đồng", ông Mẫn nói.
Theo ông Phạm Hữu Phước: “Cùng với việc đầu tư tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa, nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt. Người dân mạnh dạn đầu tư và lựa chọn những giống cá mới có năng suất, chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường. Nhờ đó, giá trị kinh tế của ngành thủy sản ngày một nâng cao”.
Thực tế, dù có tiềm năng phong phú để triển khai việc nuôi thuỷ sản song nhiều năm qua, hoạt động này tại Gia Lai vẫn chưa được chú trọng đúng mức từ hộ gia đình đến các đơn vị. Nhiều diện tích mặt nước vẫn chưa được tận dụng để nuôi thuỷ sản. Hoạt động nuôi cá lồng bè cũng chưa phát triển. Những vấn đề này cũng khiến trung tâm hoạt động chưa hết công suất.
Ông Phạm Hữu Phước: "Nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như người dân còn sử dụng chất nổ, xung điện đánh bắt cá theo kiểu tận diệt. Thời gian tới, bên cạnh kế hoạch tái tạo nguồn lợi thủy sản, trung tâm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu các quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản; điều tra đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản. Những hoạt động này nhằm thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa trong những năm tới". |