Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình cùng các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình thâm canh trồng cây ăn quả, trong đó có cây mít ruột đỏ.
Với hình thức hỗ trợ một phần cây giống, phân bón, hệ thống tưới tiêu, mô hình trồng mít ruột đỏ đã được triển khai với diện tích 20ha tại địa bàn các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Mô hình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất vùng gò đồi, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch), mô hình được triển khai trên diện tích 10ha. Chúng tôi đến thăm vườn mít ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Diệm ở tổ dân phố Hữu Nghị (thị trấn Nông trường Việt Trung). Đây là hộ gia đình được hỗ trợ thực hiện mô hình.
Nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, gia đình ông Diệm đã mạnh dạn chuyển đổi 3ha trồng cây cao su kém hiệu quả sang trồng 1.200 cây mít ruột đỏ. Nhờ đầu tư bài bản, chăm sóc tốt, đến nay, vườn mít ruột đỏ của gia đình ông đã cho lứa quả bói đầu tiên. Dự kiến vườn mít sẽ cho thu hoạch ước đạt 2.000 quả.
Theo ông Diệm, quả mít ruột đỏ thu hoạch có trọng lượng trung bình 6 - 9kg. Mít sau khi hái được bán tại các cửa hàng nông sản với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg, cao hơn các loại mít khác từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.
“Đặc biệt, thời điểm thu hoạch thường trước mùa mưa bão nên năng suất và hiệu quả mang lại tương đối ổn định. Vì là cây trồng cho quả từ gốc nên sau khi tỉa cành, cắt tán vẫn không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả”, ông Diệm nói thêm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phương (thị trấn Nông trường Việt Trung) cũng đầu tư trồng khoảng 800 cây mít ruột đỏ trên diện tích khoảng 2ha đất trồng cao su chuyển đổi. Ông Phương cho hay, quá trình canh tác, chăm sóc, cây mít ruột đỏ dễ thuần, ít sâu bệnh, không kén đất ướt hay khô cằn. Cây cho thu nhập nhiều năm và công chăm sóc bỏ ra ít so với các loại cây trồng khác.
Sau khi thu hoạch, việc tiêu thụ mít ruột đỏ không gặp khó khăn. “Thông thường thương lái đến đặt từng tuần và mua ngay tại vườn. Theo tính toán sơ bộ ban đầu, mít cho năng suất khá cao, thu nhập dự kiến đạt khoảng 150 - 200 triệu đồng/ha", ông Phương hồ hởi.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình, giống mít ruột đỏ có nguồn gốc từ Malaysia và Indonesia, được du nhập và trồng ở Việt Nam vài năm gần đây. “Đây là cây ăn quả dễ trồng, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao, sinh trưởng trong điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng với Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng”, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cho hay.
Không chỉ ở huyện Bố Trạch, các mô hình trồng mít ruột đỏ ở các địa phương khác như huyện Quảng Ninh, Minh Hóa, Lệ Thủy cũng được người làm vườn rất quan tâm.
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã hướng dẫn các hộ gia đình tham gia mô hình chăm sóc thâm canh mít theo hướng hữu cơ, đồng thời hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR trên sản phẩm. Một số đơn vị đã xây dựng đề án từng bước tạo thương hiệu mít ruột đỏ Quảng Bình và xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương.
“Tuy nhiên, vấn đề chuỗi liên kết, hay nói cách khác là đầu ra sản phẩm phải được các địa phương và đơn vị tính đến khi nhân rộng thành vùng trồng tập trung", ông Trần Thanh Hải khuyến cáo.