| Hotline: 0983.970.780

Mít ruột đỏ thu tiền tỷ

Thứ Tư 16/10/2019 , 08:56 (GMT+7)

Với hương vị thơm ngon, lạ miệng, càng để lâu càng ngọt và mềm, giống mít ruột đỏ Indonesia được nhiều người ưa chuộng, mặc dù giá cao gấp đôi, gấp 3 so với các loại mít thường.

19-15-41_nh_1
Ông Nguyễn Viết Vị kiểm tra cây mít giống tại vườn ươm của HTX.

Người mang loài mít đặc biệt này về trồng là ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Nói về cơ duyên với cây mít ruột đỏ, ông Vị cho biết, năm 2015, trong chuyến đi công tác tại Indonesia, ông tình cờ được giới thiệu và dùng thử mít ruột đỏ. Những múi mít có cùi dày, ăn dai, vị ngọt thanh, nên ông tò mò tìm hiểu.

Ông thấy giống mít này dễ trồng, năng suất cao, sinh trưởng trong điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khá giống với bên mình. Điều khiến ông thích nhất là múi mít có màu đỏ bắt mắt và hương vị rất đặc biệt, có pha lẫn hương dầu chuối... Sau khi tìm hiểu kỹ, ông quyết định mua 100 cây giống về trồng thử.

Sau 2 năm trồng, cây đã cho lứa trái đầu tiên. Ngay lập tức những trái mít ruột đỏ đã được người tiêu dùng hào hứng đón nhận vì hương vị thơm ngon, có bao nhiêu thương lái đặt hàng hết bấy nhiêu, dù giá lên tới 60 ngàn đồng/kg.

Xác định đây là cây trồng tiềm năng, HTX đã triển khai trồng đại trà 20ha chuyên canh mít ruột đỏ. “Giống mít này có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu nước ta khá tốt. Cây có khả năng chịu hạn cao, phát triển trên mọi loại đất ở Bình Phước. Vì trồng theo chuẩn VietGAP, chỉ dùng phân vi sinh, nên chi phí đầu tư rất thấp, bình quân mỗi gốc mít chỉ tốn 50 ngàn 1 năm.

Cây trưởng thành có thể cho 15-30 trái, mỗi trái nặng khoảng 10kg. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, trái có thể nặng tới 14-15kg. 1ha đất trồng khoảng 270 cây, giá mít đang duy trì ổn định từ 40 - 60 ngàn đồng/kg, HTX thu cả chục tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí”, ông Vị cho biết.

Anh Lưu Anh Trung, thành viên HTX Phước Thiện chia sẻ, gia đình anh có 2ha đất chuyên canh cây tiêu. Thời hoàng kim của cây tiêu mỗi năm anh thu nhập cả tỷ đồng. Nhưng mấy năm nay, thời tiết thất thường, sâu bệnh phát triển mạnh, giá tiêu xuống thấp, trong khi chi phí đầu tư tăng cao… nên lỗ nặng.

19-15-41_nh_2
Anh Lưu Anh Trung bên vườn mít ruột đỏ 2 tuổi của gia đình.

“Khi HTX vận động tham gia dự án liên kết trồng mít, tôi hơi do dự vì vốn liếng không có. Nhờ sự hỗ trợ của HTX, năm 2017, tôi chuyển toàn bộ vườn tiêu sang trồng mít ruột đỏ. Hiện 600 gốc mít mới ra trái đợt đầu, mỗi ngày cũng kiếm được gần 1 triệu đồng”, anh Trung hồ hởi nói.

Ông Nguyễn Viết Vị cho biết: Mục tiêu của HTX là liên kết nông hộ, sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, cho ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, ổn định đầu ra. Ngoài ra, liên kết sản xuất cũng góp phần giảm phí đầu tư, tăng thu nhập.

“Nhằm giúp bà con nông dân có những cây giống tốt, HTX đã xây dựng vườn ươm từ những cây giống đầu dòng. Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp hàng ngàn cây giống chất lượng với giá 40 ngàn đồng/cây, rẻ hơn ngoài thị trường từ 5-10 ngàn đồng, chỉ thu trước 50%, còn lại chờ thu hoạch mới thu hết. Bên cạnh đó, HTX cũng cam kết thu mua mít thương phẩm cho bà con trong tỉnh, nhưng phải trồng đúng theo quy trình sạch”, ông Vị nói.

Nói về đầu ra của sản phẩm, ông Vị cho biết, ngoài thương lái đến mua tận vườn, HTX cũng ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với các siêu thị như Coop Mart, Big C… Ngoài ra, HTX còn thường xuyên tham gia các hội chợ kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư. Nhờ vậy, mít ruột đỏ không chỉ đến tay người tiêu dùng trong nước mà được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng nhập hàng như Trung Quốc, Ấn Độ...

Hiện tại, ngoài 18 thành viên, HTX Phước Thiện còn liên kết với hơn chục hộ trên địa bàn tỉnh trồng mít ruột đỏ, trung bình mỗi hộ có từ 2 - 10ha, đều thu nhập ổn định từ 200 triệu đồng/năm trở lên.

19-15-41_nh_3
Ông Nguyễn Viết Vị (bìa trái) giới thiệu sản phẩm mít ruột đỏ với các đối tác nước ngoài tại hội nghị giao thương Việt Nam – Trung Quốc.
Ngoài cây mít ruột đỏ, HTX Phước Thiện còn trồng các loại cây ăn quả khác như mít lá bàng, ổi ruột đỏ, chuối tím, vú sữa hoàng kim và xây dựng trang trại chăn nuôi gà, heo quy mô lớn để tăng thu nhập cho xã viên...

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm