Hiện nay, mít ruột đỏ đang có giá bán rất cao, được nông dân ĐBSCL quan tâm. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều loại mít ruột đỏ, trong đó giống mít ruột đỏ cam đào Thanh Thanh được nông dân rất quan tâm tìm hiểu và trồng thử nghiệm.
Gần đây, mô hình trồng 2ha mít ruột đỏ cam đào của anh Trần Kỳ Thống ở ấp Tân Dinh, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) được người dân địa phương liên tục đến tham quan, đánh giá. Theo chia sẻ của anh Thống, vườn mít này tuy mới 3 năm tuổi nhưng đã cho thu hoạch đến 5 đợt trái, bán được giá cao và đặc biệt hơn là thương lái tự tìm đến “săn lùng”, từ đó tạo nên sự hiếu kỳ cho người dân.
Mít ruột đỏ cam đào Thanh Thanh là giống mít được ông Trần Thanh Thanh chọn tạo và đã đăng ký cây đầu dòng, thương hiệu độc quyền trong nước.
Cây mít ruột đỏ cam đào trồng hơn một năm đã cho trái. Thấy cây nào đủ sức nuôi, anh Thống mới để trái, ngược lại phải hái bỏ để tránh cây suy kiệt. Sau gần 2 năm chăm sóc, đợt thu hoạch rộ đầu tiên anh thu được gần 1 tấn trái, bán được giá 75.000 đồng/kg. Những đợt sau đó, mỗi lần anh thu hoạch được gần 2 tấn, có lần vượt 2 tấn.
Mít liên tục có giá, cao nhất đến 110.000 đồng/kg. Gần đây, do trái cây, nhất là mít ở ĐBSCL bước vào chính vụ nên giá có giảm nhưng vẫn từ 60.000 - 65.000 đồng/kg. Đến nay, vườn mít ruột đỏ của anh Thống đã cho thu hoạch sản lượng trên 7 tấn, trừ chi phí anh có thu nhập gần 500 triệu đồng.
Nói về cơ duyên lựa chọn giống mít ruột đỏ cam đào, anh Thống cho biết, do người quen giới thiệu ở vùng Chợ Lách có giống mít ruột đỏ rất ngon nên đã cất công sang tìm hiểu. Thấy giống mít ăn ngon, anh mạnh dạn mua mấy trăm nhánh về trồng.
Về chất lượng của mít, anh nhận xét: “Giống này trước mua tại vựa cây giống Thanh Thanh ở Chợ Lách. Theo cảm nhận riêng của mình và người quen đã ăn thử ai cũng thích hết. Hương vị khác biệt so với những loại mít cùng giống ruột đỏ; hương đậm đà, độ ngọt cao, dù để chín chút xíu vẫn còn độ giòn, không bị nhão, không bị xơ đen”. Hơn hết, mít rất sai trái và cho trái chuyền quanh năm nên sản lượng cao, bình quân mỗi trái đạt trọng lượng từ 8 - 10kg trở lên, có thời điểm cây mang trên 10 trái nên giá trị mang lại rất cao.
Qua canh tác, anh Thống nhận thấy mít ruột đỏ cam đào dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, nhẹ chi phí do ít tốn phân bón, chỉ ngừa bệnh chứ ít khi phải trị bệnh. Mỗi tuần, anh tưới nước 2 - 3 lần, mùa khô hạn thì tưới hàng ngày. Cứ 10 ngày anh bón 1 bao phân 25kg NPK 17-17-17 cho 2ha (khoảng 350 cây). Nửa tháng anh mới xịt ngừa các loại sâu đục trái, rệp sáp. Đặc biệt, tại vùng đất phèn chuyên trồng khóm (dứa) ở xã Tân Lập 2 (huyện Tân Phước), cây mít cam đào vẫn thích nghi tốt, cây cho năng suất tốt, đạt hiệu quả cao.
Thấy mô hình trồng mít ruột đỏ cam đào của anh Thống đạt hiệu quả nên người dân địa phương đã đến tìm hiểu, học hỏi. “Đất này trước đây trồng khóm phèn dữ lắm, ban đầu người dân thấy mình trồng cũng không ai quan tâm. Gần đây, thương lái hỏi thăm nhiều nên người ta mới chú ý tới, muốn mua giống về trồng”, anh Thống chia sẻ thêm.
Anh Phạm Thanh Tuấn, một nông dân ở tỉnh Hậu Giang vừa tham quan mô hình thực nghiệm và mua 4.000 cây mít ruột đỏ cam đào Thanh Thanh cũng đánh giá mít này thấy mau cho trái, khoảng 12 tháng tuổi đã cho trái. Khi mít chín không có mủ, ít xơ đen. Chất lượng trái ăn ngon; cơm dày, màu đỏ tươi. Mít đang có giá rất cao, cao hơn cả mít Thái siêu sớm.
Nói về nguồn gốc của giống mít ruột đỏ cam đào, ông Trần Thanh Thanh, chủ vựa cây giống Thanh Thanh chia sẻ: Mít cam đào được đột biến từ mít hạt ruột đỏ xơ trắng, nó có xơ cam, ruột đỏ, dầy cơm, hạt nhỏ. So với mít ruột đỏ xơ vàng Indo, lá mít bầu, đều hơn (mít ruột đỏ Indo có lá bầu, cũng có lá nhọn một chút).
Hơn nữa, mít ruột đỏ cam đào sớm cho trái hơn mít ruột đỏ Indo, khoảng 1 năm tuổi là có trái. Trái sai, trên thân cây mẹ cũng có, ngoài cành cũng có. Còn đối với mít Indo thường thì trái ngoài cành nhiều hơn trên thân cây mẹ. Ngoài ra, mít ruột đỏ cam đào cũng có nhiều hoa đực nên thụ phấn tốt, trái tròn đều, đẹp. Nhà nông chăm sóc kỹ thì ít có trái bị rớt loại, mất giá.
Để trồng loại mít này hiệu quả, ông Trần Thanh chia sẻ thêm: Nên trồng thưa để ăn lâu dài. Khi cây mít nhỏ tuổi thì tưới đạm hoặc NPK 30-10-10, có thể bón thêm phân hữu cơ. Đối với vùng đất mới lên vườn, phải rải vôi hạ phèn. Khi trái lớn cần bón NPK 17-17-17, gần thu hoạch bón NPK 12-11-18 cho trái mít tăng độ ngọt, giòn và lên màu đẹp.
Cây mít là một trong những đối tượng thích nghi tốt ở nhiều vùng sinh thái, kể cả vùng đất phèn. Ở tỉnh Tiền Giang, đã có trên 13.000ha trồng mít. Riêng ở vùng đất phèn Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã có trên 1.000ha trồng mít.