| Hotline: 0983.970.780

Hạt thóc sạch nơi ngoại thành Hà Nội

Thứ Năm 08/07/2021 , 13:59 (GMT+7)

Với 24 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp, Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất nhì miền Bắc với khoảng 180.000 ha/năm.

Ruộng lúa sạch ở Đỗ Động. Ảnh: Vân Đình.

Ruộng lúa sạch ở Đỗ Động. Ảnh: Vân Đình.

Đã qua rồi cái thời chỉ chạy theo năng suất, hiện nay vấn đề chất lượng nông sản mới là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Đi theo hướng ấy, Sở NN-PTNT Hà Nội và các đơn vị trực thuộc trong thời gian gần đây đã có nhiều biện pháp giúp cho nông dân vùng ngoại thành thay đổi phương thức canh tác, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường và tạo ra nhiều sản phẩm an toàn.

Cụ thể, thành phố đã tổ chức gần 2.000 lớp học về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), về hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên cây lúa. Đến nay, diện tích sản phẩm nông nghiệp ứng dụng SRI của Hà Nội đạt 60%, trở thành lá cờ đầu của toàn quốc về thâm canh lúa cải tiến.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hà Nội, nhờ áp dụng đồng bộ cả quản lý dịch hại tổng hợp và thâm canh lúa cải tiến mà lượng thuốc bảo vệ thực vật kinh doanh và sử dụng của các quận huyện thị xã trong mấy năm gần đây có những nơi rất thấp như Mỹ Đức chỉ 1,7-3,5 tấn/năm, Thanh Oai chỉ 1,7-2,9 tấn/năm, Chương Mỹ chỉ 3,3-3,6 tấn/năm…

Nhiều xã sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật như Đại Nghĩa, Hợp Tiến của huyện Mỹ Đức và Đỗ Động của huyện Thanh Oai.

Xin được phân tích cụ thể về mô hình tiêu biểu Đỗ Động - nơi mấy năm trước nổi tiếng trên truyền thông nhờ vào việc 90% người trồng lúa không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Đây là địa phương thuần nông, thu nhập chính từ nông nghiệp, có 4 thôn (Động Giã, Văn Quán, Trình Xá, Cự Thần) với 1.504 hộ nhưng chỉ có 2 cửa hành kinh doanh vật tư nông nghiệp, chủ yếu bán phân bón, giống. Diện tích lúa 426,7 ha, cây ăn quả 12,1 ha, rau 3- 4,6 ha, vụ đông 10,5-11,8 ha.

Mấy năm gần đây vụ xuân ở Đỗ Động cơ cấu chủ yếu là giống lúa Bắc Thơm (giá trị gần gấp rưỡi giống Khang Dân) 60-63-68%, Khang Dân 28-25-22%, Thiên Ưu, TBR225 8-7-5%, nếp 3-2-2%; lúa lai 3-3-3%, năng suất đạt 57-63 tạ/ha; vụ mùa cơ cấu giống lúa Bắc Thơm 42-45-40%, Khang Dân 45-40-40%, Thiên Ưu, TBR225: 6-8-10%; nếp 3-3-5 %; lúa lai 4-4-5 %, năng suất đạt 43-45 tạ/ha.

Điều đáng nói ở đây Bắc Thơm vốn là giống lúa thuần nhập nội từ Trung Quốc được dân miền Bắc ưa chuộng ngót 20 năm nay vì gạo ăn thơm ngon, khá đậm đà. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của giống lúa là khả năng chống chịu với sâu bệnh mỗi ngày một kém đi.

Nhiều nông dân rất sợ trồng Bắc Thơm bởi số lần phải đeo bình đi phun thuốc trừ sâu, trừ bệnh gấp rưỡi, gấp đôi so với trồng giống lúa thông thường.

Cũng vì thế mà hạt gạo của nó chưa thực sự an toàn. Thế mà ở Đỗ Động đã gần 10 năm người dân trồng Bắc Thơm với tỷ lệ rất cao nhưng gần như không bao giờ phải phun thuốc.

Mô hình trồng lúa SRI. Ảnh: TL.

Mô hình trồng lúa SRI. Ảnh: TL.

Có được kết quả ấy là nhờ cái gốc là những nền tảng kỹ thuật mà học được đào tạo. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã phối hợp với xã tổ chức 8 lớp học đồng ruộng về IPM, SRI, 3 lớp tập huấn ngắn hạn cho 500 nông dân tham gia và mô hình 10 ha ứng dụng SRI theo các nguyên tắc chính gồm: Cấy thưa, mạ non, bón phân cân đối, rắc vôi khử chua, điều tiết nước phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

Nhờ đó diện tích ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) ở ba vụ xuân đạt 69-91% trong đó ứng dụng toàn phần đạt 7%, số hộ không sử dụng thuốc sâu bệnh 1354-1340-1350 hộ/1504 hộ (90%); ở ba vụ mùa ứng dụng từng phần đạt 63-84%, ứng dụng toàn phần đạt 5%, số hộ không sử dụng thuốc sâu bệnh 1270-1363-1385 hộ/1504 hộ (84-90%).

Hàng năm xã chỉ sử dụng khoảng 30 kg thuốc trừ sâu bệnh, tổ chức diệt chuột đồng loạt cuối tháng 3, tháng 7 (thành phố, huyện hỗ trợ thuốc). Diện tích, mức độ thiệt hại do chuột, sâu bệnh thấp, sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật mà lúa vẫn có năng suất khá, giá trị sản xuất cao, đặc biệt là cho ra hạt gạo rất an toàn.

Tiếc rằng người dân mới chỉ dùng nó cho mục đích sử dụng trong gia đình hàng ngày, còn thừa mới bán. Và khi bán do chưa có thương hiệu riêng nên không nâng cao được giá trị thực sự của hạt gạo quý đó.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 2] Sản phẩm sẽ xuất khẩu

Entobel hiện đang có 2 nhà máy sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn nhất châu Á tại Việt Nam, sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành nông nghiệp.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Một vụ đông hơn 2 vụ lúa

Thanh Hóa Tại nhiều địa phương ở Thanh Hóa, vụ đông là vụ cho thu nhập chính trong năm, bởi mỗi sào cây vụ đông có thể cho thu nhập cao hơn cả 2 vụ lúa.