| Hotline: 0983.970.780

Hàu - cỗ máy lọc sinh học

Thứ Ba 03/12/2024 , 16:31 (GMT+7)

Hàu là đối tượng ăn lọc các mùn hữu cơ, vi sinh vật, giúp giảm độ phì dưỡng hữu cơ trong nước, góp phần cải thiện chất lượng nước.

Nuôi hàu trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Nuôi hàu trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Hàu, cỗ máy lọc sinh học

Mới đây, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt là Viện III) đã triển khai thí nghiệm nhằm đánh giá chất lượng môi trường nước khi tiến hành nuôi hàu.

Theo đó, thí nghiệm được triển khai theo dõi ở 2 nhóm hàu kích thước khác nhau gồm từ 3 – 5cm và từ 6 – 8cm. Mỗi nhóm thí nghiệm được bố trí các nghiệm thức như sau: Nghiệm thức 1, hàu được nuôi bằng dây treo phao HDPE; nghiệm thức 2, hàu được nuôi bằng can nhựa và các nghiệm thức đối chứng (không thả hàu).

Đây là nhiệm vụ được Bộ NN-PTNT giao Viện III thực hiện “Đánh giá nguồn ô nhiễm, lượng chất thải từ các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển ở khu vực Nam Trung bộ và đề xuất giải pháp quản lý”. Theo đó, ngoài các đối tượng như cá chẽm, tôm hùm thì hàu cũng đang được nuôi phổ biến tại khu vực Nam Trung bộ.

TS Phùng Bảy, chuyên gia nghiên cứu và phát triển nhuyễn thể thuộc Viện III cho biết, hàu là động vật thân mềm hai mảnh vỏ có giá trị về nhiều mặt. Cụ thể, thịt hàu là thực phẩm giàu đạm, chứa nhiều loại khoáng vi lượng, acid amin và vitamin cần thiết cho cơ thể con người.

Mặt khác, thịt hàu chứa nhiều kẽm, chất kích thích hình thành hóc môn sinh dục nam giới nên người ta đã nghiên cứu chiết xuất làm viên nang bán rộng rãi trên thị trường, rất có ích cho phái mạnh. Vì những giá trị đó mà hàu có thị trường tương đối rộng và nghề nuôi hàu đã ra đời, tồn tại, phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Hàu là đối tượng ăn lọc mùn hữu cơ giúp cải thiện chất lượng nước. Ảnh: KS.

Hàu là đối tượng ăn lọc mùn hữu cơ giúp cải thiện chất lượng nước. Ảnh: KS.

Tại Việt Nam, hàu được nuôi rộng rãi tại các vực nước cửa sông, đầm, vịnh ở các tỉnh ven biển bởi các cửa sông đổ ra biển mang nhiều mùn hữu cơ, vi sinh vật. Đây là nguồn thức ăn vô cùng quý giá tự nhiên cho việc phát triển nuôi hàu.

Hiện nay người dân chủ yếu nuôi hàu Thái Bình Dương được du nhập vào nước ta từ năm 2006. Chúng được phân bố từ vùng triều thấp đến độ sâu 40m, sống bám trên bề mặt đá, rễ cây hay vỏ nhuyễn thể khác. Hàu Thái Bình Dương thích nghi rộng với nhiệt độ dao động từ -1,8°C đến 35°C, độ mặn 10 - 35‰ nhưng thích hợp nhất là từ 20 - 28‰.

Đây là đối tượng ăn lọc các mùn hữu cơ và vi sinh vật giúp làm giảm độ phì dưỡng hữu cơ trong nước nên được ví là “cỗ máy lọc sinh học”. Trước thực trạng nguồn nước vùng biển nuôi hiện nay suy giảm nhiều do hệ quả từ việc nuôi trồng thủy sản tự phát, không kiểm soát được lượng thải thức ăn dư thừa, hàu là đối tượng nuôi cần quan tâm để cải thiện chất lượng nước và ổn định môi trường.

Hàu dễ nuôi, kỹ thuật đơn giản

Theo TS Phùng Bảy, thời gian qua, Viện III đã có nhiều đề tài, dự án liên quan đến việc phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất con giống và nuôi hàu thương phẩm cho các tỉnh miền Trung.

Đây là đối tượng dễ nuôi, kỹ thuật đơn giản, có thể nuôi theo hình thức bám dây trên giàn bè hay rổ và dây để thả nuôi trên biển. Hơn nữa, chi phí đầu tư nuôi thấp, con giống dồi dào, ít xảy ra dịch bệnh, không tốn thức ăn và lợi nhuận gấp đôi so với số vốn bỏ ra sau 4 - 6 tháng thả nuôi.

Kỹ thuật nuôi hàu đơn giản, chi phí đầu tư thấp. Ảnh: KS.

Kỹ thuật nuôi hàu đơn giản, chi phí đầu tư thấp. Ảnh: KS.

Do đó, những năm gần đây nghề nuôi hàu phát triển khá mạnh tại các tỉnh Nam Trung bộ trên các đầm, vịnh như Đầm Nại (Ninh Thuận); vịnh Cam Ranh, đầm Nha Phu (Khánh Hòa), đầm Thị Nại, Đề Gi (Bình Định) và vịnh Xuân Đài (Phú Yên)… Sản phẩm hàu không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân mà còn làm thức ăn cho nuôi tôm hùm.

Tuy nhiên hạn chế hiện nay của nghề nuôi hàu tại các địa phương là tự phát, không có quy hoạch, do đó gây mất cảnh quan môi trường. Hơn nữa, việc nuôi tràn làn sẽ không đảm bảo nguồn thức ăn khiến hàu chậm lớn, thậm chí bị chết. Điều này lại vô tình gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi, không đúng bản chất của con hàu là “cỗ máy lọc nước sinh học” như đã nói.

Do đó để nuôi hàu hiệu quả, chuyên gia nghiên cứu và phát triển nhuyễn thể cho rằng, các địa phương cần quy hoạch vùng nuôi. Người dân cần tuân thủ mật độ thích hợp, vừa phải để hàu có đủ thức ăn và dòng chảy lưu thông nguồn nước giúp hàu nhanh lớn.

TS Phùng Bảy khẳng định, nghề nuôi hàu vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giải quyết việc làm cho lao động ven biển và góp phần giải quyết về môi trường nước rất tốt. Trong khi nuôi đối tượng nuôi khác vốn đầu tư cao và kỹ thuật nuôi phức tạp.

Xem thêm
Cảng cá sửa chữa kéo dài, ngư dân Quảng Bình đôn đáo tìm nơi cập bến

QUẢNG BÌNH Hiện chỉ còn cảng cá Nhật Lệ phục vụ nên tàu của cá ngư dân Quảng Bình phải ‘tăng bo’ đến các cảng cá tỉnh bạn để bốc dỡ hàng…

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển