Nền tảng theo dõi thị trường phân bón thế giới DTN cho biết, bảy trong số tám loại phân bón chính trong tuần vừa qua đều tăng giá cao hơn chút ít so với thống kê trước đó.
Cá biệt, phân khan (anhydrous) đã dẫn đầu về nhịp độ tăng giá trong số tất cả các loại phân bón, với mức tăng đột biến 4%, và ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại là 1.492 USD/tấn, tăng so với 1.433 USD/tấn của tuần trước đó.
Nhóm phân UAN28 cũng tăng 3% lên mức giá cao nhất mọi thời đại là 601 USD/tấn, phá vỡ mức kỷ lục trước đó là 585 USD/tấn; phân UAN32 cũng tiếp tục tăng giá kỷ lục trong tuần này, đạt 699 USD/tấn, tăng khoảng 2% và cũng là mức cao nhất mọi thời đại.
Sau khi chạm mức 800 USD/tấn lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm 2012 vào tuần trước, phân 10-34-0 cũng đã tăng khoảng 2% lên 817 USD/tấn.
Phân DAP tuần qua có giá trung bình 877 USD/ tấn, còn phân MAP ở mức 936 USD/ tấn, trong khi phân kali tăng nhẹ lên 814 USD/ tấn.
Phân urê là loại phân bón duy nhất giảm giá, khoảng 1% xuống còn 910 USD/ tấn. Theo đó trên cơ sở giá mỗi pound nitơ, giá urê trung bình ở mức 0,99 USD/ lb.N, và phân khan là 0,91 USD/ lb.N, tiếp đến là UAN28 là 1,07 USD/ lb.N và UAN32 là 1,09 USD/ lb.N.
Giá bán lẻ phân bón so với một năm trước cho thấy tất cả các loại phân bón đều tăng đáng kể, trong đó một số loại phân bón có mức tăng trên 100%.
Cụ thể là phân MAP hiện có giá cao hơn 61%, phân 10-34-0 cao hơn 67%, DAP đắt hơn 76%, kali cao hơn 115%, urê đắt hơn 125%, UAN32 cao hơn 171%, UAN28 173% đắt hơn và phân khan cao hơn 205% so với năm ngoái.
Nền tảng theo dõi thị trường phân bón thế giới DTN tiến hành khảo sát hơn 300 nhà bán lẻ, và thu thập khoảng 1.700 hồ sơ dự thầu giá phân bón, để tạo ra Chỉ số phân bón DTN hàng tuần.
Theo giới chuyên gia phân tích, mặc dù bước sang năm 2022 thị trường phân bón thế giới đã bớt tăng nóng hơn so với năm ngoái, song phân bón hiện vẫn đang là mặt hàng có giá cao, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới.
Các nguồn tin tổng hợp cho thấy, nhu cầu phân bón trên toàn cầu vẫn đang mạnh mẽ ở các trung tâm nông nghiệp lớn, từ khắp châu Âu đến Bắc Mỹ, Nam Mỹ và đặc biệt là tại một số quốc gia ở khu vực châu Á… Nguyên nhân chính là do giá khí đốt và giá dầu mỏ tăng cao cũng góp phần đẩy giá tăng lên.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển tăng cao do ách tắc gây ra bởi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, và đặc biệt là tình trạng khủng hoảng thiếu container vận chuyển, càng đẩy chi phí phân bón gia tăng.