Tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm này cho biết, từ trước và trong các ngày nghỉ Tết, Trung tâm liên tục tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hóa chất như thuốc diệt cỏ hay do ma túy tổng hợp.
Chăm sóc bệnh nhân ngộ độc rượu (Ảnh minh họa) |
“Đáng lưu ý, ngày nào chúng tôi cũng tiếp nhân bệnh nhân ngộ độc rượu. Họ ở mọi lứa tuổi và không chỉ là nam giới. Có bệnh nhân mới 19 tuổi, có người là phụ nữ trẻ cũng bị ngộ độc cấp do rượu”, bác sĩ Nguyên nói. Trong các ngày gần đây, mỗi ngày Trung tâm Chống độc cấp cứu điều trị 2 - 3 trường hợp ngộ độc do rượu, hóa chất.
Đó là bệnh nhân T. M. Đ, 28 tuổi ở Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội nhập viện trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi, chán ăn. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp do lạm dụng rượu bia trong một thời gian dài với số lượng lớn. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi và điều trị lâu dài. Theo lời kể của bệnh nhân, mặc dù mới 28 năm tuổi đời nhưng anh đã có “thâm niên” 8 năm uống rượu, mỗi lần tụ tập cùng bạn bè hoặc gia đình là anh uống khoảng nửa lít rượu hoặc 10 cốc bia. Mặc dù gia đình có khuyên ngăn nhưng anh đều để ngoài tai.
Hay một trường hợp khác cũng phải vào khoa Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị vào trước Tết nguyên đán, đó là bệnh nhân Đ.V.L, 27 tuổi, ở Bắc Ninh. Theo lời kể của bệnh nhân, trong bữa tiệc liên hoan cuối năm vào tối 30/1 anh cùng 12 người bạn uống khoảng 8 - 9 chai rượu 500ml. Ngay sau đó anh thấy mệt, nôn nhiều và không biết gì nữa. Anh được các bạn đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc.
BS. Nguyễn Anh Tuấn - Trung tâm Chống độc, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân L. xác nhận khoảng 2h sáng ngày 31/1, Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, lơ mơ không biết gì. Xét nghiệm cho thấy kali /máu, đường/ máu của bệnh nhân hạ thấp, rối loạn nhịp tim.
“Rất may bệnh nhân được đưa vào cấp cứu kịp thời, nếu muộn sẽ có rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng”, BS Tuấn cho biết.
Chia sẻ về tác hại của rượu bia với sức khỏe, BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu, bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan.
Bởi theo BS. Nguyên “Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là loại “độc chất” gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh”.
Về tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp chứa methanol, BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết Bệnh viện Bạch Mai đã thường xuyên, liên tục phối hợp với các kênh truyền thông đại chúng cảnh báo về tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol qua rất nhiều ca bệnh nặng đã không qua khỏi nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều tình trạng ngộ độc methanol phải vào viện. Được biết, đa số các ca do uống rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời.
"Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh. Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL, bệnh nhân tử vong không thể qua khỏi. Hoặc không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội" - BS. Nguyên nói.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong 8 ngày Tết đã có 3.281 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 1,0% trong tổng số khám, cấp cứu. Trong đó 817 ca ngộ độc rượu, bia, 738 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến, 1 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử). |