| Hotline: 0983.970.780

Cấy ghép mô tinh hoàn, chữa vô sinh cho người mắc ung thư lúc trẻ

Thứ Sáu 11/04/2025 , 09:30 (GMT+7)

Khoảng 85% trẻ em mắc ung thư hiện nay sống sót đến tuổi trưởng thành và khoảng 1/3 trong số này bị vô sinh do hóa trị hoặc xạ trị.

Jaiwen Hsu, 11 tuổi khi được chẩn đoán ung thư xương sau khi vào viện kiểm tra chấn thương chân. Các bác sĩ tiên lượng, rằng liệu pháp hóa trị khắc nghiệt có thể cứu sống cậu nhưng cũng có nguy cơ khiến bệnh nhân vô sinh.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào thập niên trước cho thấy, 85% trẻ em mắc ung thư hiện nay sống sót đến tuổi trưởng thành và khoảng 1/3 trong số đó bị vô sinh do hóa trị hoặc xạ trị.

Jaiwen Hsu (trái) tham gia vào chương trình của Trung tâm Pittsburgh. Ảnh: PD.

Jaiwen Hsu (trái) tham gia vào chương trình của Trung tâm Pittsburgh. Ảnh: PD.

Bố mẹ Hsu biết điều này và chủ động liên hệ Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ để đông lạnh tế bào tinh hoàn của con trai, ngay từ lúc bắt đầu quá trình xạ trị, với hy vọng bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai.

Sau 15 năm, Hsu, hiện 26 tuổi, vừa trở lại trung tâm để kiểm nghiệm chất lượng của việc lưu trữ tế bào. "Khoa học đằng sau nó còn quá mới mẻ đến mức hiện tại giống như một trò chơi. Tôi sẽ giữ sự lạc quan vào háo hức chờ đợi điều tốt nhất", Hsu, đến từ Vienna, bang Virginia cho biết.

Thực tế, không nhiều gia đình quan tâm tới vấn đề này, nhất là khi đang đau đầu vì chẩn đoán ung thư ở con mình. Người trưởng thành mắc ung thư có thể lưu trữ tinh trùng, trứng hoặc đôi khi là phôi trước khi điều trị. Nhưng trẻ em, nếu được chẩn đoán trước tuổi dậy thì, không có lựa chọn đó vì chúng vẫn chưa sản xuất tinh trùng hoặc trứng trưởng thành.

Bé trai được sinh ra với các tế bào gốc bên trong các ống giống như mì spaghetti ở tinh hoàn. Những tế bào bắt đầu sản xuất tinh trùng sau tuổi dậy thì làm tăng testosterone.

Với sự tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, chuyên gia về sinh sản Kyle Orwig của Đại học Pittsburgh bắt tay vào nghiên cứu cách bảo tồn và sử dụng tế bào tinh hoàn để phục hồi khả năng sinh sản cho bé trai.

Bằng việc loại bỏ một lượng nhỏ mô tinh hoàn giống như sinh thiết, chứa hàng triệu tế bào, các nhà nghiên cứu đã trích được một phần tế bào gốc sản xuất tinh trùng. Tính từ năm 2011, nhóm của Orwig đã đông lạnh mẫu từ khoảng 1.000 bé trai trước tuổi dậy thì.

Cấy ghép mô tinh hoàn là quá trình lấy lại mô tinh hoàn đã được trữ đông, sau đó ghép trở lại vào tinh hoàn của bệnh nhân sau khi khỏi bệnh, hoặc tiếp tục nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để tinh trùng trưởng thành rồi sử dụng trong hỗ trợ sinh sản (IVF/ICSI).

Hsu năm 11 tuổi, thời điểm được chẩn đoán mắc ung thư. Ảnh: PD.

Hsu năm 11 tuổi, thời điểm được chẩn đoán mắc ung thư. Ảnh: PD.

Vào năm 2019, Orwig đã sử dụng phương pháp này để bảo quản tế bào tinh hoàn từ một cá thể khỉ đực. Băng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF), nhóm đã thành công cho ra đời một khỉ con khỏe mạnh từ mẫu này.

Đến cuối năm 2023, Orwig mở rộng thí nghiệm, cấy ghép tế bào của những người sống sót sau khi mắc ung thư (như trường hợp của Hsu). "Cần nhiều theo dõi và đánh giá chuyên sâu để biết được chính xác sự hiệu quả", Orwig tỏ ra thận trọng. 

Theo lý giải của chuyên gia này, các thử nghiệm trên động vật cho thấy vẫn cần các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để phát hiện và thu thập một lượng nhỏ tinh trùng trước khi tiến hành IVF. Tuy nhiên, Orwig hy vọng nghiên cứu sẽ đưa ra một cái nhìn toàn cảnh hơn để bệnh nhân và gia đình biết, cũng như cân nhắc việc bảo tồn khả năng sinh sản.

Ngoài việc vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được áp dụng đại trà, phương pháp của Orwig vấp phải trở ngại lớn nhất là nguy cơ tái phát ung thư, nếu mô bị ung thư xâm lấn trước đó. Điều này đòi hỏi sàng lọc mô phải rất chặt chẽ. Các nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu để phát triển thêm phương pháp nuôi cấy tinh trùng trong phòng thí nghiệm, nhằm giảm thiểu rủi ro này và mở rộng khả năng điều trị cho nhiều bệnh nhân hơn.

Hồi tháng 1/2025, các nhà nghiên cứu Bỉ cũng công bố một thí nghiệm tương tự, khi cấy ghép các mảnh mô tinh hoàn thay vì tế bào vào một bệnh nhân ung thư thời thơ ấu.

TS Mahmoud Salama, Giám đốc Mạng lưới về ung thư và sinh sản Oncofertility Consortium, Đại học bang Michigan cho biết, những nghiên cứu tương tự với mô buồng trứng chưa trưởng thành cũng đang được tiến hành đối với những bé gái sống sót sau khi mắc ung thư.

Việc trẻ em bị vô sinh khi trưởng thành, sau khi điều trị ung thư chủ yếu liên quan đến tác dụng phụ của các phương pháp chữa bệnh, chứ không hẳn do bản thân ung thư gây ra. Những yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ ung thư đến từ một số loại thuốc hóa trị, đặc biệt là nhóm Alkylating agents (ví dụ Cyclophosphamide), có thể gây tổn thương tế bào mầm ở tinh hoàn hoặc buồng trứng.

Xạ trị, nhất là vào vùng bụng, xương chậu, não (đặc biệt là vùng tuyến yên) hoặc gần cơ quan sinh sản cũng có thể làm hỏng buồng trứng, tinh hoàn hoặc làm suy giảm chức năng nội tiết. Xạ trị toàn thân (thường dùng trước ghép tủy) cũng có nguy cơ cao gây vô sinh.

Xem thêm
Bạo lực gia đình nhìn từ vụ một nam DJ đánh vợ

Bạo lực gia đình không còn là câu chuyện xa lạ, nhưng vụ một nam DJ đánh vợ bị phanh phui nhờ đoạn clip tung lên mạng thực sự khiến cộng đồng nhức nhối.

Sự chần chừ làm dang dở một mối lương duyên

Sự chần chừ trước đám cưới có nhiều nguyên nhân, nhưng khi lời hứa hẹn cứ kéo dài mông lung thì hai kẻ yêu nhau thực sự cũng đành đứt đoạn lương duyên.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ăn băp cải giúp phòng ngừa ung thư

Ăn băp cải giúp phòng ngừa ung thư: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trong thành phần của rau bắp cải chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa ung thư.