
Bộ sách cung cấp những kiến thức thú vị về cuộc sống.
Bí mật pháp y xưa nay vốn tạo nhiều tò mò cho nhiều người. Bí mật pháp y, ngoài vai trò các bác sĩ chuyên ngành giúp phá án hình sự, lại ẩn chứa những câu chuyện nhân văn. Pháp y cùng pháp chứng luôn xác lập “chứng cứ thép” để trả lại công bằng cho xã hội.
Thông qua thao tác phẫu thuật tử thi, bí mật pháp y góp phần làm sáng tỏ định luật Lucas “chỉ cần hung thủ đi qua, ắt sẽ để lại dấu vết”. Lĩnh vực pháp y ở nước đã có rất nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây, nhưng chưa có tài liệu tỉ mỉ để công chúng tiếp cận. Vì vậy, bộ sách về bí mật pháp y của Mỹ, Anh, Nhật Bản và Hồng Kông vừa được xuất bản tại Việt Nam, có thể xem như một nguồn tham khảo quý báu.

"Báo cáo pháp y" của giáo sư Sue Black.
“Báo cáo pháp y” của giáo sư Sue Black, là một trong những nhà nhân chủng học pháp y hàng đầu thế giới, với hơn 30 năm kinh nghiệm và được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ vì những đóng góp xuất sắc cho ngành pháp y. Cuốn sách không dừng lại ở một cuốn hồi ký nghề nghiệp, mà mở ra một hành trình đầy cảm xúc và trí tuệ.
Điểm đặc biệt của “Báo cáo pháp y” là cách Sue Black dẫn dắt độc giả qua những hiện trường phức tạp nhất, từ những vụ án mạng bí ẩn đến những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng. Mỗi câu chuyện nêu bật một bài học về khoa học pháp y, chứa đựng những chiêm nghiệm sâu sắc về bản chất của sự sống và cái chết. Với giọng văn vừa chuyên nghiệp vừa đầy nhân văn, bà đã phá vỡ những định kiến về ngành nghề được cho là u ám này, cho thấy công việc pháp y thực chất là để phục vụ người sống và mang lại công lý cho người đã khuất.
Là hiệu trưởng trường Đại học St.John, Oxford và từng tham gia điều tra nhiều vụ án quan trọng trên thế giới, giáo sư Sue Black mang đến góc nhìn độc đáo về vai trò của khoa học pháp y trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp của xã hội hiện đại. Giáo sư Sue Black cũng đặt ra những câu hỏi về đạo đức, về giá trị của cuộc sống.

“Hồ sơ di cốt” của một nhà nhân học pháp Hồng Kông Lý Diễn Thiến.
“Hồ sơ di cốt” của một nhà nhân học pháp Hồng Kông Lý Diễn Thiến không chỉ là tập hợp những câu chuyện điều tra ly kỳ mà còn gom nhặt những khám phá đầy bất ngờ về cách mỗi bộ xương có thể kể lại toàn bộ câu chuyện của một đời người.
Xuất phát từ quan điểm "Bạn chính là những gì bạn ăn và uống", tác giả Lý Diễn Thiến đã khéo léo dẫn dắt độc giả qua những khám phá đáng kinh ngạc về mối liên hệ giữa xương và lối sống, môi trường sống, thậm chí cả những sự kiện quan trọng trong cuộc đời một con người. Với kinh nghiệm phong phú từ việc tham gia điều tra nhiều vụ án quan trọng và nghiên cứu về các di cốt cổ đại, tác giả đã chứng minh rằng mỗi bộ xương là một "hồ sơ" chi tiết về cuộc sống của người đã khuất.
Điểm đặc biệt của tác phẩm nằm ở cách tác giả khéo léo đan xen giữa những vụ án hiện đại với những khám phá khảo cổ học. Từ những vụ ngộ độc tập thể trong thời kỳ công nghiệp hóa đến những bí ẩn về phong tục mai táng cổ đại. Cuốn sách cũng thể hiện rõ tinh thần nhân văn sâu sắc khi tác giả luôn nhấn mạnh về sự tôn trọng đối với những di cốt được nghiên cứu, coi mỗi bộ xương không chỉ là đối tượng nghiên cứu mà còn là nhân chứng của lịch sử.

“Tử thi kể chuyện” của giáo sư Nhật Bản Ueno Masahiko.
“Tử thi kể chuyện” của giáo sư Nhật Bản Ueno Masahiko, là tập hợp những câu chuyện điều tra ly kỳ về những ca pháp y trong sự nghiệp lừng lẫy của tác giả, mở ra cánh cửa hé mở vào thế giới pháp y ở xứ sở hoa anh đào, nơi sự tỉ mỉ và nghiêm cẩn trong điều tra được đặt lên hàng đầu.
Với triết lý “người sống có thể khai lời gian trá, nhưng người chết câm lặng không nói dối bao giờ", giáo sư Ueno Masahiko đã dẫn dắt độc giả qua những vụ án phức tạp nhất trong sự nghiệp của ông. Mỗi ca điều tra được trình bày như một câu chuyện trinh thám, nhưng đằng sau đó là những phân tích sắc bén, những quan sát tinh tế và đặc biệt là phương pháp làm việc khoa học đặc trưng của ngành pháp y Nhật Bản.
Điểm đặc biệt của tác phẩm nằm ở cách tác giả kết hợp giữa kiến thức chuyên môn sâu rộng với khả năng kể chuyện cuốn hút. Từ những vụ án tưởng chừng đơn giản như tai nạn giao thông đến những cái chết bí ẩn trong phòng kín, mỗi trường hợp đều được phân tích tỉ mỉ, cho thấy quá trình điều tra pháp y không chỉ đơn thuần là khám nghiệm tử thi mà còn là nghệ thuật "lắng nghe" những câu chuyện mà người đã khuất muốn kể. Giáo sư Ueno Masahiko khéo léo lồng ghép đạo đức và trách nhiệm của người làm pháp y trong việc phát hiện sự thật và mang lại công lý cho nạn nhân.

“Chết chưa phải là hết” của Mary Roach.
“Chết chưa phải là hết” của Mary Roach, người được mệnh danh “nữ hoàng khoa học đại chúng” ở Mỹ. Với tài năng kể chuyện độc đáo, Mary Roach dẫn dắt độc giả vào cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ xuyên suốt 2000 năm lịch sử của ngành khoa học tử thi. Từ những phòng thí nghiệm hiện đại ở Thụy Điển, nơi nghiên cứu về ủ phân hữu cơ từ thi thể người, đến những lớp học pháp y tại Tennessee, nơi các nhà khoa học nghiên cứu quá trình phân hủy tự nhiên, tác giả đã mang đến những góc nhìn chưa từng được khám phá về "cuộc sống" sau cái chết.
Điểm đặc biệt của “Chết chưa phải là hết” nằm ở cách tiếp cận vừa mang tính khoa học nghiêm túc vừa đậm chất nhân văn. Mary Roach không chỉ phỏng vấn các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp y, y học và khoa học hình sự, mà còn tìm hiểu sâu về những câu chuyện đằng sau mỗi nghiên cứu. Từ việc tìm hiểu vai trò của tử thi trong phát triển công nghệ an toàn ô tô, cho đến những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực phẫu thuật ghép tạng, đều là một khám phá đầy bất ngờ.