| Hotline: 0983.970.780

Hệ lụy bằng cấp và những văn bằng không được công nhận

Chủ Nhật 08/10/2017 , 07:35 (GMT+7)

Câu chuyện về học vị Tiến sĩ bỗng dưng trở thành đề tài bàn tán xôn xao trên các diễn đàn. Nguyên nhân, một trong những sai phạm mà Ủy ban kiểm tra Trung ương vừa đưa ra đối với trường hợp Bí thư Thành ủy Đã Nẵng - Nguyễn Xuân Anh là “sử dụng bằng cấp không hợp pháp”.

Văn bằng Tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh hệ chính quy mà ông Nguyễn Xuân Anh kê khai trong hồ sơ cán bộ, do Trường đại học trực tuyến California Southern University của Mỹ cấp vào năm 2006. Bộ Giáo dục – Đào tạo không công nhận học vị Tiến sĩ trên bởi chất lượng giáo dục của California Southern University chỉ được ngành giáo dục sở tại kiểm định vào năm 2010. Nghĩa là những bằng cấp trước đó do California Southern University đưa ra đều không có giá trị.

07-08-18_trng_26
Ảnh mang tính minh họa

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – Nguyễn Xuân Anh không phải người duy nhất sở hữu bằng cấp Tiến sĩ của California Southern University, mà nhiều nhân vật có vai vế trong xã hội cũng từng bẽ bàng vì trót theo đuổi học vị được đào tạo tương đối dễ dàng trên. Và chính ví dụ của ông Nguyễn Xuân Anh một lần nữa cảnh tỉnh cộng đồng về hệ lụy của bằng cấp.

Sở dĩ văn bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư thành ủy Đà Nẵng do Southern California University cấp năm 2006 không được Bộ GD-ĐT công nhận là do thời điểm ông Xuân Anh được cấp bằng, trường Southern California University (thực ra trước thời điểm 10/2007 trường này có tên là Southern California University for Professional Studies - SCUPS) chưa được kiểm định bởi bất kỳ một trung tâm kiểm định hợp pháp nào.

Trong khi đó, theo quy định của luật pháp Mỹ, văn bằng chỉ hợp pháp khi được cấp bởi một cơ sở đào tạo đã được một trong số những trung tâm kiểm định mà Bộ Giáo dục Mỹ USDE hoặc Hội đồng kiểm định giáo dục đại học CHEA đã công nhận. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, căn cứ vào thông báo của Ủy ban kiểm tra, nếu ông Nguyễn Xuân Anh thực sự có học chương trình đào tiến sĩ của trường SCUPS thì cũng chỉ có thể học chương trình đào tạo từ xa, qua phương thức trực tuyến, do ông theo học trong thời gian ngắn (khoảng một năm), đồng thời vẫn sống và làm việc ở Việt Nam. Bởi lẽ “Một chương trình đào tạo tiến sĩ tập trung của các trường đại học của Mỹ thường không dưới 4 năm”.

Hiện tại nước ta có số lượng Tiến sĩ rất đông đảo, nhưng lại rất hiếm hoi những công trình khoa học có ích cho đời sống. Bởi lẽ, cái học vị Tiến sĩ không hoàn toàn mang ý thức trao dồi trí tuệ, mà chủ yếu để… trang bị một tiêu chuẩn mưu cầu chức vụ hoặc bổng lộc. Thậm chí, cái học vị Tiến sĩ còn để làm sang cho một số đối tượng háo danh. Khi cảm thấy khó lấy bằng Tiến sĩ trong nước, thì cách nhanh chóng nhất là tìm kiếm học vị ở… nước ngoài. Đối với một số quốc gia, giáo dục được xem như một ngành công nghiệp không khói, nên yếu tố lợi nhuận chi phối tất cả. Có không ít trường đại học, chỉ cần đóng tiền là cấp luôn bằng Tiến sĩ, kiểu “tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi”.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, đào tạo tiến sĩ tại một số cơ sở còn có biểu hiện chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng. Thậm chí có cơ sở không kiểm soát được số lượng, dẫn tới tình trạng tỉ lệ nghiên cứu sinh/người hướng dẫn ở mức cao. Có nơi còn không nắm được một người hướng dẫn đang hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh. Nhiều học phần bổ sung trong đào tạo tiến sĩ tổ chức vào ngày nghỉ, các buổi tối; việc tổ chức thảo luận định kỳ cho nghiên cứu sinh, để báo cáo kết quả nghiên cứu theo tiến độ không được coi trọng. Những bất cập của thực trạng đào tạo tiến sĩ đã làm nảy sinh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, dư luận đánh đồng những tiến sĩ thật sự có chất lượng, có những nghiên cứu, công bố quốc tế nổi bật với một số ít tiến sĩ được đào tạo tại những cơ sở có quy trình chưa chặt chẽ.

Để đối phó với dòng chảy các loại học vị trăm hồng ngàn tía từ nước ngoài, Bộ Giáo dục Đào tạo phải đưa ra quy chế cụ thể. Những văn bằng nước ngoài không được công nhận phần nhiều do chương trình đào tạo không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chất lượng của chính quốc gia sở tại nơi trường cấp bằng. Trong đó, những trường không được quốc gia sở tại kiểm định hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo, văn bằng của chương trình liên kết đào tạo không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chất lượng của nước sở tại của trường cấp bằng hoặc không được nước đặt chương trình đào tạo cho phép triển khai.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo - Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là việc công nhận văn bằng của các chương trình đào tạo trực tuyến. Bởi hiện các chương trình này đa dạng còn chất lượng, tính nghiêm túc rất khó kiểm soát. Mặc dù, có những chương trình trực tuyến tốt nhưng làm thế nào để chọn lọc, công nhận văn bằng, tránh thiệt thòi cho những người học các chương trình trực tuyến chất lượng đang là câu hỏi khó”.

Theo số liệu của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia - Bộ Khoa học và công nghệ, tính đến năm 2016 thì nước ta đã có hơn 24.000 tiến sĩ. Trong đó, số tiến sĩ làm việc trong các trường ĐH, CĐ có khoảng 15.000 người (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư).

Bằng cấp, dù là cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ, thì yếu tố cốt lõi vẫn là học vấn của con người. Bằng cấp khi không đi kèm với thực học, thì chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều mối lo cho xã hội!

(Kiến thức gia đình số 39)

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.