| Hotline: 0983.970.780

Hệ lụy trên dòng Mekong: Dân hạ nguồn lĩnh đủ

Thứ Sáu 02/08/2019 , 11:12 (GMT+7)

Hoạt động của các con đập dọc dòng Mekong được cho là đang bóp nghẹt huyết mạch mang tới sự sống cho người dân ở hai bên bờ sông tại các nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nhìn từ trên cao. Ảnh: AP.

Các nhà khí tượng học Thái Lan dự báo năm 2019 sẽ là năm khô hạn nhất trong ít nhất một thập kỷ qua. Tại các quốc gia ở vùng hạ lưu sông Mekong như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, rất nhiều người đang đổ lỗi cho Trung Quốc và Lào vì đã “tắt” hai con đập, dẫn tới việc lưu lượng dòng chảy sụt giảm nghiêm trọng, theo Nikkei Asian Review.

Về phần mình, Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc đã ra thông báo rằng đập Cảnh Hồng thuộc tỉnh Vân Nam ở khu vực trung nam nước này, sẽ giảm một nửa lượng xả nước từ ngày 5/7 tới 19/7 để “bảo trì lưới điện”.

Ủy ban sông Mekong (MRC) ban đầu cho rằng việc Trung Quốc khóa đập, giảm tốc độ xả nước sẽ không gây ra tác động quá lớn bởi mùa mưa đã bắt đầu. Nhưng khi công việc bảo trì ở Vân Nam còn chưa kết thúc, MRC phải phát đi cảnh báo rằng mực nước sông Mekong đã đạt mức “thấp kỷ lục”.

Trùng hợp thay, đập thủy điện 1.285 megawatt Xayaburi tại Lào cũng bắt đầu tiến hành thử nghiệm phát điện cho Công ty Điện lực Thái Lan (EGAT) từ ngày 15/7 và dự kiến đi vào hoạt động đầy đủ vào tháng 10 năm nay.

Anuparp Wonglakorn, phó giám đốc Công ty Điện lực Xayaburi, cho hay việc thử nghiệm này không ảnh hưởng tới dòng chảy. Ông cho rằng lượng mưa năm nay thấp hơn bình thường là nguyên nhân khiến lượng nước trên sông Mekong giảm.

Dù vậy, nhiều người cho rằng chính hoạt động của các con đập đã dẫn tới tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong khu vực.

Trung Quốc đã xây 10 đập tại vùng thượng lưu sông Mekong. Lào cũng có đập Don Sahong đang được xây dựng gần biên giới với Campuchia và đang lên kế hoạch xây 7 con đập khác gần, hoặc dọc theo biên giới ven sông với Thái Lan.

Với sự trợ giúp từ Trung Quốc, Campuchia muốn xây đập trên sông Mekong ở Stung Treng và Sambor, song đang cân nhắc lại kế hoạch. Tại hội nghị “Tầm nhìn Năng lượng” do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức mới đây ở Phnom Penh, Keo Rattanak, tổng giám đốc Công ty Điện lực Campuchia, cho biết ông không muốn tiến hành việc xây dựng hai còn đập được đề xuất ở ở Stung Treng và Sambor.

Thế giới hiện có khoảng 3.700 nhà máy thủy điện đang được triển khai nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy chi phí xây dựng chúng thường tốn gấp đôi ngân sách, thời gian xây dựng kéo dài 50% và hoạt động kém hiệu quả.

Tại Thái Lan, con đập Pak Mun 25 năm tuổi do Ngân hàng Thế giới tài trợ do EGAT vận hành trên một nhánh của sông Mekong đã gây ảnh hưởng bất lợi cho 1.572 hộ gia đình, gấp 6 lần con số ước tính ban đầu. Con đập cũng phá hủy ngành đánh bắt cá ở địa phương. Trong khi đó, mưa lớn từng cuốn trôi các con đập, gây ngập lụt những cộng đồng dân cư lân cận ở Myanmar và Lào hồi năm 2018.

Sông Songkhram dài 485 km của Thái Lan, chảy vào sông Mekong gần tỉnh Nakhon Phanom, đang đứng trước nguy cơ “bị xây đập” trong 40 năm.

Trẻ em vui chơi trong một con ghềnh gần đập Pak Mun, Thái Lan, hồi năm 2006. Ảnh: Reuters.

Theo chuyên gia David Blake đến từ Anh, ngày nay, đập có thể được xây với nhiều lý do khác nhau. “Lý do hàng đầu nằm ở quyền lực trỗi dậy của một liên minh quân sự - kinh doanh - quan liêu dưới thời Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người giờ đây cảm thấy có động lực để thúc đẩy các siêu dự án thủy điện”, ông bình luận trên Bangkok Post.

Chính phủ Prayuth đã xếp “các biện pháp đối phó với hạn hán và lũ lut” đứng thứ 11 trong 12 chính sách quan trọng cần quan tâm. Để làm được điều này, họ cần yêu cầu các con đập của Trung Quốc và Lào xả nước.

Marc Goichot từ chương trình WWF Greater Mekong mô tả kế hoạch xây đập 18 km ở Sambor, Lào, là một “chướng ngại vật khổng lồ” sẽ chặn dòng chảy xuống hạ lưu sông, tiềm ẩn nguy cơ gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho Việt Nam và Campuchia khi nó làm tổn hại vĩnh viễn tới ngành đánh bắt cá và dòng chảy phù sa thiết yếu.

“Canpuchia là một trong những nước có nghề cá nội địa đạt năng suất cao nhất thế giới, là nguồn cung cấp protein giá cả phải chăng cho tất cả mọi người”, Goichot nhận xét. “Việc giảm trầm tích sẽ khiến vùng châu thổ bị chìm và thu hẹp diện tích, làm giảm khả năng phục hồi của 18 triệu người dân Việt Nam trước bão nhiệt đới và lũ lụt, cũng như làm tăng xâm nhập mặn và giảm khả năng tiếp cận với nguồn nước ngọt”.

“Giữ dòng chảy tự do xuống hạ lưu sông Mekong sẽ giúp 28 triệu người dân Campuchia và Việt Nam đối phó tốt hơn trước các thảm họa về khí hậu và nguồn nước, đồng thời cải thiện an ninh lương thực của họ”, ông nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia nhận định năng lượng gió và năng lượng mặt trời có thể là các giải pháp thay thế khả thi cho thủy điện và việc ngày càng có nhiều đập trên sông Mekong sẽ dẫn tới một kịch bản thảm họa.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.