| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống khoa học - khuyến nông, động lực để phát triển

Thứ Ba 01/01/2013 , 15:04 (GMT+7)

Hình ảnh bức tranh nông nghiệp nước ta đã có nhiều màu sắc, sáng dần lên, SX không độc canh, nông thôn không thuần nông.

Hệ thống khuyến nông luôn hỗ trợ nông dân có hiệu quả

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945), cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ (1975), đổi mới (1986) và hội nhập WTO (2006) đã đưa nước ta vượt qua đói nghèo, khủng hoảng kinh tế lên mức thu nhập trung bình của thế giới sau khoảng 25 năm.

Nói một cách dễ hiểu, nước ta từ cuối danh sách vươn lên mức trung bình đứng thứ 130 của lớp học thế giới có 213 học sinh.

Trong sự nghiệp vẻ vang đó lực lượng đi đầu và nòng cốt là nông dân. Hệ thống khuyến nông chuyên trách ra đời năm 1993 đã hình thành và phát triển gắn liền với hệ thống KH-CN và lực lượng Khuyến nông xã hội là một cách tiếp cận mới hỗ trợ nông dân có hiệu quả khi cách tiếp cận HTX đang chuyển đổi, góp phần xứng đáng của mình tạo nên bước nhảy vọt đó.

Bình quân 20 năm qua mỗi năm nước ta giảm được 2% hộ nghèo. Đời sống và thu nhập nông dân được nâng lên. Cơ cấu nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm từ 30% xuống 20%; tỷ trọng trồng trọt trong cơ cấu nông nghiệp giảm từ 70% xuống 50%; tốc độ tăng xuất khẩu bình quân 15 - 20%/năm; trong khi đất lúa giảm khoảng gần nửa triệu ha mà giá trị SX nông lâm nghiệp năm 2011 gấp 3 lần 1993.

Hình ảnh bức tranh nông nghiệp nước ta đã có nhiều màu sắc, sáng dần lên, SX không độc canh, nông thôn không thuần nông. Đó là những yếu tố bước vào thời kỳ tiền công nghiệp hoá.

Có thể dẫn số liệu điển hình về năng suất cây lúa làm ví dụ về một phần đóng góp của hệ thống khoa học - khuyến nông. Theo số liệu thống kê từ 1878 - 1960 năng suất lúa nước ta tăng được 1 tấn thóc/ha mất 80 năm. Từ 1960 - 1985 (“đêm trước của đổi mới”) để tăng 1 tấn thóc/ha mất 25 năm. Từ thập kỷ 90 đến nay thời gian tăng năng suất 1tấn thóc/ha rút xuống chỉ còn 10 năm. Như thế 2 thập kỷ có hệ thống Khuyến nông tham gia, năng suất lúa của nước ta tăng 2 tấn thóc/ha.

Lần đầu tiên hệ thống tổ chức Khuyến nông được hình thành với khoảng 5.000 khuyến nông viên chuyên trách; 10.000 khuyến nông viên không chuyên trách và 15.000 cộng tác viên khuyến nông thôn bản của 4 cấp quản lý. Bên cạnh đó phải kể cả thành tích hoạt động khuyến nông của các doanh nghiệp, các HTX kiểu mới (trong thời kỳ này Nhà nước ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật HTX mới), các hộ nông dân SX giỏi, các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, các dự án độc lập của các tổ chức NGO, của các viện, trường...

Như vậy hệ thống tổ chức Khuyến nông chuyên trách được hình thành làm nòng cốt cùng với hệ thống khuyến nông tự nguyện đã lớn mạnh tương đương với hệ thống BVTV và Thú y hình thành trước đó 40 năm cả về chất và lượng, đáp ứng yêu cầu sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đáp ứng nhu cầu của nông dân.

Với số kinh phí Khuyến nông toàn xã hội ước khoảng 250 triệu USD trong 20 năm qua (1/4 của Nhà nước, 3/4 của xã hội) các chương trình dự án khuyến nông phát huy hiệu quả cao là lúa năng suất cao, lúa gieo thẳng, lúa chất lượng cao, lúa lai, cao su, cà phê, rau hoa quả; lợn nạc, bò lai, bò sữa, gia cầm; thuỷ sản; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ; chuyển đổi cơ cấu cây con; công nghệ sau thu hoạch; khuyến lâm; thông tin; đào tạo nguồn nhân lực…

Từ trước đến nay chưa có thời kỳ nào tiến bộ kỹ thuật (TBKT) và công nghệ mới được phổ cập nhanh và hiệu quả như thời gian qua. Nói theo ngôn ngữ của nông dân khen là “xứng đáng với đồng tiền, bát gạo”.

Có thể nói rằng từ 2 mục tiêu lớn là góp phần phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn, hệ thống khoa học - khuyến nông đã đạt được 2 thành tích lớn là xây dựng đội ngũ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Đối với nông dân “khoán 10”, thể chế thị trường và KH-CN đã là 3 động lực chủ yếu tạo nên 2 kỳ tích trong “Đổi mới” được thế giới ca ngợi là xóa đói giảm nghèo và xuất khẩu nông sản.

Nghị quyết Đại hội Đảng CSVN lần thứ 11 (2011) xác định mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản là nước công nghiệp theo hướng hiện đại” vì vậy hệ thống khoa học - khuyến nông cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương thức hoạt động để đạt yêu cầu hiện đại, hiệu quả, phát triển bền vững.

Trước tiên, cần hoàn thiện lý luận khuyến nông Việt Nam trong thể chế “thị trường định hướng XHCN” và chiến lược khuyến nông gắn liền với chiến lược KH-CN và đào tạo của các thành phần kinh tế bằng cách tổng kết kỹ kinh nghiệm thực tiễn 20 năm qua, từ đó lấy ý kiến rộng rãi trong nông dân và đội ngũ nông nghiệp ở các vùng kinh tế.

Có thể lấy trường hợp 2 cây cao su và cà phê làm ví dụ cho đề xuất này. 20 năm qua sự phát triển của 2 cây này đã góp phần điều chỉnh dân cư lớn nhất nước ta sau năm 1986 và sử dụng tài nguyên đất, nước và khí hậu của đất nước ta hợp lý hơn.

Hai là, vấn đề tổ chức lực lượng (nhân lực khuyến nông): Mối quan hệ giữa khuyến nông với khoa học và đào tạo cần được xác định lại gắn bó hữu cơ hơn, hiệu quả hơn theo vùng sinh thái. Nền SX hàng hoá lớn ngày càng dựa nhiều vào hai đội quân chủ lực là doanh nghiệp nông nghiệp và hộ SX lớn.

"Linh hồn" của thị trường chính là doanh nhân, doanh nghiệp (ví dụ nếu nông nghiệp nước ta có 100.000 doanh nghiệp nông nghiệp tốt và 10.000 trang trại có hơn 10 ha đất thì chắc sẽ có thay đổi lớn). Nên điều chỉnh lại 2 xu hướng Nhà nước hoá và tập trung hoá khuyến nông để có khuyến nông xã hội hoá như lực lượng hùng hậu “ba thứ quân”, “khuyến nông nhân dân” trong thị trường toàn cầu.

Ba là, về nghiệp vụ khuyến nông: Phép biến dịch của chúng ta là “chuyển đổi cơ cấu” để phù hợp với đặc điểm của nông nghiệp nước ta là đất chật, người đông (bình quân số người/km2 của ta gấp đôi Trung Quốc và bằng Ấn Độ). Ưu thế của nước ta là quốc gia biển và khí hậu nhiệt đới, có nhiều vùng (tiểu vùng) sinh thái với nhiều điều kiện địa kinh tế, văn hoá, xã hội… khác biệt trải dài trên 15  vĩ. Bộ sách “giáo khoa” khuyến nông nên được chỉnh lý, biên soạn theo hướng đa dạng công nghệ, nhiều ngôn ngữ, ít nhất phục vụ 2 mức: Nông dân giỏi (TBKT chủ lực, công nghệ cao) và nông dân còn lại (TBKT đa dạng, công nghệ cải tiến).

Mục đích của đào tạo khuyến nông là hình thành thế hệ nông dân kiểu mới, chuyên nghiệp, phát triển bền vững; thế hệ khuyến nông viên hiện đại (tiếp cận công nghệ sinh học, công nghệ thông tin) từng bước xây dựng khuyến nông điện tử (ví dụ xuất phát từ yêu cầu người tiêu dùng, khoa học-khuyến nông hỗ trợ thiết kế sản phẩm, doanh nghiệp đặt hàng người SX và hợp đồng tiêu thụ qua mạng…).

Thành tựu nông nghiệp 20 năm qua đã chỉ ra một nhận xét “nhiều hơn chưa chắc đã tốt hơn” vì vậy nội dung khuyến nông nên nghiên cứu chuyển giao nhiều hơn về thị trường, môi trường, văn hoá thương mại, hạch toán kinh tế chuỗi giá trị hàng hoá (ví dụ như hiệu quả, lợi nhuận, chi phí môi trường và các chi phí cơ hội khác) điều chỉnh lại công nghệ “tự làm đắt mình”, công nghệ “tự làm rẻ mình”, khắc phục hiện tượng ế thừa, giảm giá khi được mùa để tăng giá trị và giá trị gia tăng trong bậc thang giá trị nông sản toàn cầu.

Bốn là, về thể chế (nguồn lực) chính sách (động lực) khuyến nông: Tuyên ngôn chính trị số một của ĐCSVN là “xóa đói giảm nghèo” vì vậy thể chế khuyến nông nên tách ra 2 phần: Phần vốn và cơ chế xoá đói giảm nghèo với phần vốn và cơ chế SX hàng hoá lớn. Khi triển khai khuyến nông cần phân cấp rõ và tập trung trọng điểm cho hai loại dự án: Của cấp Trung ương, vùng và cấp tỉnh, thành phố.

Để đánh giá hiệu quả dự án khuyến nông cần học tập kinh nghiệm phương pháp của các dự án có vốn nước ngoài là thuê tư vấn, phản biện độc lập, đánh giá khách quan. Sắp tới hệ thống khoa học - khuyến nông cần nghiên cứu khám phá lợi thế mới, các hệ thống nông nghiệp mới, các kiểu tổ chức SX mới, các sản phẩm ngành hàng tạo ra ngoại tệ mới từ thị trường và lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới đa chức năng.

Khuyến nông Việt Nam 20 tuổi mới là bước học tập. Vẻ đẹp của khoa học - khuyến nông Việt Nam đã được khẳng định: Thứ nhất là có dũng khí (trong xoá đói giảm nghèo), thứ hai là nhân văn (tận tuỵ, trách nhiệm), thứ ba là hữu ích (tăng thu nhập), thứ tư là sáng tạo (tiếp biến công nghệ).

Tuy nhiên “lịch sử là may đo chứ không may sẵn”. Phép biện chứng chỉ ra rằng thách thức cũng lại tạo ra cơ hội. Vinh dự và trách nhiệm đã và đang đặt lên vai chúng ta. Một trong những chức năng của Khuyến nông là thúc đẩy. Hãy cam kết mãi mãi xứng đáng là những người bạn đồng hành tốt của nông dân trên con đường hiện đại hoá nông nghiệp.

Trước đây chúng ta mới có chính sách cho sản phẩm KH-CN trong nước nay nên khuyến khích thương mại sản phẩm KH-CN có sở hữu trí tuệ của loài người và khuyến khích tiếp biến công nghệ trong nước nhằm mục tiêu tăng thu nhập, giảm thiểu rủi ro và bảo hiểm cho nông dân. Chính sách mới nên tiếp tục tạo ra các động lực mới: Công nghệ cao và ứng dụng công nghệ thông tin, thị trường trong nước, giáo dục đào tạo, môi trường, dịch vụ khuyến nông, công nghiệp hóa nông nghiệp...

Năm là, chúng ta nên đánh giá những kết quả đạt được một, hai thập kỷ qua mới chỉ là bước tiến so với quá khứ nhưng so với khu vực và thế giới thì chưa kịp. Kinh tế thị trường là hình thức tổ chức SX cao cấp và ưu việt nhất của nhân loại nhưng đối với chúng ta còn rất mới mẻ.

20 năm qua nông dân Việt Nam đã chứng tỏ bước đầu với 2 ưu điểm mới: Phản ứng có hiệu quả với các điều kiện của thị trường và có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại (như rau, hoa công nghiệp; chăn nuôi công nghiệp; thuỷ sản công nghiệp). Nước ta đã có chuyên gia xuất khẩu là nông dân, độ chênh xấp xỉ Đông Nam Á.

 

 

(*): Tác giả hiện là Chủ tịch Hiệp hội Khí sinh học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm