Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, tại Kiên Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã lưu ý 10 chữ khi thực hiện Đề án, đó là: “Hết lòng - Tuân thủ - Linh hoạt - Hợp tác - Kiểm soát”.
Hết lòng, trước hết từ những người có trách nhiệm, từ Chính phủ, các bộ ngành đến các địa phương, doanh nghiệp… từng bước thúc đẩy để từng người nông dân có thái độ hết lòng với đề án.
Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy những việc gì khó nhưng ta có cách tiếp cận đúng, có phương pháp đúng và quyết tâm cao là làm được. Tuân thủ, nếu không tuân thủ nguyên tắc, kế hoạch, tiêu chuẩn quy định là sẽ thất bại. Linh hoạt trong cách ứng xử, sáng tạo trong quá trình triển khai. Linh hoạt trong thực hiện đối với từng vùng, từng địa phương. Linh hoạt trong thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hợp tác trong phối hợp giữa các cơ quan trung ương với nhau, giữa trung ương và địa phương, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau. Hợp tác lồng ghép tốt các chương trình, dự án.
Chúng ta sẽ thất bại nếu các doanh nghiệp lớn bằng những cách riêng, góc độ riêng, không có sự tuân thủ quy tắc. Kiểm soát tốt để không bị lệch chuẩn, lệch hướng, kịp thời điều chỉnh linh hoạt sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Quá trình thực hiện phải có sơ kết, tổng kết, đặc biệt là với các mô hình hay, hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, vị thế hình ảnh Việt Nam gần đây tăng rất cao. Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, mà còn là nước xuất khẩu gạo lớn, đóng góp cho an ninh lương thực thế giới.
Lúa gạo Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, xâm nhập được tất cả các thị trường khó tính. Triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” là một cuộc chơi lớn.
Đây là cuộc chơi lớn nên có 4 cái khó: Thứ nhất là quy mô lớn, 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Thứ hai là phải thay đổi thói quen của tất cả mọi người trong ứng xử, với bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cần phải làm cho đúng hết hoàn toàn không dễ dàng. Thứ ba là luôn luôn bị tác động lập tức của thị trường, mà tính chất thị trường thì lên xuống thất thường. Thứ tư là sự thống nhất, hài hòa lợi ích của những người tham gia trong chuỗi lúa gạo.
Tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Là tỉnh sản xuất lúa lớn nhất nước, chúng tôi đăng ký đến năm 2030 sản xuất 200.000 ha lúa theo Đề án. Tỉnh Kiên Giang cam kết chuyển từ định hướng, kế hoạch sang hành động, thực hiện ngay từ các vụ lúa trong năm 2024”.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp để xuất, phải có chế tài đối với đơn vị tham gia vào thực hiện Đề án, thể hiện rõ quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tham gia vào Đề án.
Các ngành sớm ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn cho địa phương để triển khai thực hiện. Đồng thời, triển khai thực hiện một số mô hình ở các tỉnh, các huyện, để từ đó nhân rộng ra toàn vùng.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất cần làm rõ hơn về cơ chế tài chính hỗ trợ cho người nông dân tham gia Đề án. Kiểm soát nguồn nước cho Đề án 1 triệu ha cho cả ĐBSCL, đầu tư, kết nối hạ tầng kết cấu thủy lợi cho vùng ĐBSCL, nhất là khu vực 7 tỉnh vùng Nam Sông Hậu.
Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ông Bùi Bá Bổng kiến nghị cần sớm thực hiện thị trường tín chỉ carbon về sản xuất lúa ở Việt Nam, để hỗ trợ triển khai Đề án hiệu quả.
Hiệp hội sẽ vận động hội viên, thúc đẩy sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa nông dân với HTX tham gia Đề án. Hiệp hội cũng sẽ thực hiện từ 3-5 mô hình sản xuất lúa giảm phát thải.
Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện Lúa quốc tế - IRRI đề xuất Việt Nam cần xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp. Đào tạo nông dân chuyên nghiệp tham gia thực hiện Đề án này. Mục tiêu không phải chỉ 1 triệu ha mà toàn bộ diện tích của cả ngành nông nghiệp.
“Trong lĩnh vực lúa gạo hiện nay có rất nhiều tiến bộ mới trên thế giới, nhất là về quy trình sản xuất, nâng cao năng suất đạt rất cao. Việt Nam cũng cần phải điều chỉnh cơ chế, chính sách công bố phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là các sản phẩm hữu cơ, sinh học, công nhận giống mới, để sớm đưa vào phục vụ sản xuất”, ông Phát nhấn mạnh.
Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho rằng: “Cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL đã có thời gian dài phát triển rồi chững lại. Rất may Đề án 1 triệu ha ra đời sẽ khắc phục những hạn chế của cánh đồng mẫu lớn. Đây là cơ hội lớn để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhất là chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo”.