Nhân rộng toàn huyện
Năm 2015 mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học được triển khai thí điểm tại xã Cẩm Bình, Cẩm Sơn, Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên. Mỗi xã có 3 hộ tham gia, hộ nhỏ nhất vài con bò, hộ lớn nhất lên đến 200 con lợn.
Xử lý chất thải trên đệm lót sinh học đã giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường do chăn nuôi nông hộ. |
Theo đánh giá của ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Cẩm Xuyên, mô hình không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế mà còn hạn chế sử dụng nước, hạn chế ô nhiễm môi trường. Toàn bộ phân gia súc thải ra được phân huỷ hoàn toàn và giữ chuồng nuôi luôn sạch sẽ, không có mùi hôi thối, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu vực nuôi; gia súc ít bị dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển ổn định ở các giai đoạn.
“Bà con chỉ cần chú trọng làm nền chuồng cao lên; có phần lòng chuồng láng bằng xi măng sâu tối thiểu 60cm, sau đó phủ đệm lót lên là có thể giảm được rất nhiều công vệ sinh chuồng trại. Nhất là với những hộ chăn nuôi 1 - 2 con trâu, bò; có khi đến 5, 6 tháng mới phải vệ sinh chuồng một lần”, ông Hà nói.
Anh Phong, xã Cẩm Bình là một trong những hộ đầu tiên thực hiện thành công mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Trước năm 2015, hầu như ngày nào anh cũng phải phun nước vệ sinh chuồng, hầm biogas chẳng mấy chốc đầy, chảy tràn ra môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, sau khi áp dụng kỹ thuật chăn nuôi trên đệm lót sinh học, 200 con lợn cả tháng khô ráo, sạch sẽ dù không được tắm, mùi hôi thối giảm hẳn. Đặc biệt, phân lợn trộn chế phẩm Balasa, trấu, cám gạo sau khi xử lý được tận dụng làm phân hữu cơ sản xuất nông nghiệp sạch rất hiệu quả.
Hỗ trợ 100.000đ/m2
Được đánh giá là thành công nhưng khoảng năm 2016 - 2017 mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học phát triển không đáng kể. Đến năm 2018, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã NTM nâng cao, huyện Cẩm Xuyên triển khai mô hình này trên diện rộng.
Chất thải còn được sử dụng hiệu quả khi bón cho cây trồng. |
“Đầu năm 2019, chúng tôi có chính sách hỗ trợ hộ dân tham gia mô hình 100.000đ/1m2 chuồng trại. Giao cho Hội Phụ nữ các xã “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn thực hiện. Nhờ đó, đến thời điểm này đã có hơn 200 hộ, chủ yếu ở các xã Cẩm Dương, Cẩm Hòa, Cẩm Trung, Cẩm Sơn, Cẩm Quan... áp dụng vào thực tiễn”, ông Lê Ngọc Hà thông tin.
Tháng 3/2019, gia đình chị Đoàn Thị Thu, thôn Thanh Sơn, xã Cẩm Quan được huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ 700.000đ thực hiện mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Dựa trên nền chuồng bò cũ, chị sửa sang lại theo đúng quy chuẩn rồi phủ đệm lót lên.
Theo chị Thu, 2 con bò của gia đình chị trước đây không thích ở trong chuồng vì nền ẩm ướt, nhưng bây giờ, trời chập choạng tối không cần người “lùa” về, bò cũng tự vào chuồng. Đặc biệt, công tác vệ sinh chuồng giảm được khoảng 70%, mùi hôi thối dù còn cũng không đáng kể.
“Trước đây, ngày nào tôi cũng phải dọn chuồng bò nhưng nay một tuần tôi đảo phân một lần. Lớp phân sau khi náo đảo được dùng bón cho cây ăn quả, lúa và các loại cỏ rất hiệu quả”, chị Thu khẳng định. Được biết, tại xã Cẩm Quan đã có 5 hộ thực hiện mô hình. Hội Phụ nữ xã đang tiếp tục vận động người dân tham gia, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi nông hộ.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cẩm Quan Trần Thị Ngọc: “Thực ra làm đệm lót sinh học chỉ mất vài trăm ngàn đồng mua gói chế phẩm Balasa và cám gạo. Còn trấu người dân có thể đi xin ở các cơ sở xay xát lúa. Đối với nền chuồng, dù không áp dụng quy trình chăn nuôi trên đệm lót sinh học người dân vẫn phải xây dựng chuồng cho bò ở nên chi phí này có thể tính hoặc không tính vào tổng mức đầu tư một mô hình chăn nuôi trên đệm lót”. |