| Hotline: 0983.970.780

Tiềm năng nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ: [Bài 1] Điểm mặt những 'ông lớn'

Thứ Hai 30/09/2024 , 08:22 (GMT+7)

Đó là lòng hồ thủy điện Ia Ly, lòng hồ công trình đại thủy nông Ayun Hạ, lòng hồ công trình thủy lợi ở miền biên viễn Ia Mơ, hồ C thủy điện Vĩnh Sơn...

Đánh bắt cá ở lòng hồ thủy lợi Ia Mơ. Ảnh: Đ.L. 

Đánh bắt cá ở lòng hồ thủy lợi Ia Mơ. Ảnh: Đ.L. 

Điểm tên 3 “ông lớn”

Với hệ thống sông suối chằng chịt, hệ thống các hồ chứa thủy điện và thủy lợi lớn, tỉnh Gia Lai đang sở hữu diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn, với khoảng 15.000ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản.

Trước tiên, phải nhắc đến hồ thủy điện Ia Ly, là công trình thủy điện lớn nhất tọa lạc trên “dòng sông năng lượng” mang tên Sê San huyền thoại. Từ ngày khánh thành công trình, hồ thủy điện Ia Ly được xem là một trong những hồ chứa lớn nhất Tây Nguyên, với diện tích mặt nước 64,5km2, dung tích 1,03 tỷ m3. Bên cạnh nhiệm vụ chính là phát điện với công suất 720 MW, thủy điện Ia Ly còn “kiêm nhiệm” thêm nhiều vai trò khác như phát triển du lịch, điều hòa không khí... Đặc biệt,  thủy điện Ia Ly còn là một kỳ vọng lớn trong phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Và trên thực tế, đã có không ít hộ từng thả lồng bè nuôi cá ở lòng hồ này, dù chỉ là tự phát.

"Ông lớn" thứ hai là công trình thủy lợi Ayun Hạ, có nhiệm vụ khai thác tổng hợp nguồn nước lớn nhất Tây Nguyên. Với diện tích mặt nước rộng 37km2, bên cạnh nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 13.500ha cây trồng trong khu vực, thủy lợi Ayun Hạ còn là điểm du lịch có môi trường sinh thái tự nhiên, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, là chiếc “máy điều hòa nhiệt độ” khổng lồ cho vùng chảo lửa phía đông nam tỉnh Gia Lai... Đặc biệt, nơi đây một thời là điểm cung cấp các loại cá đặc sản Tây Nguyên cho các tỉnh lân cận, đến tận Thành phố Hồ Chí Minh.

Với hệ thống kênh chính dài 47km, nước từ lòng hồ Ayun Hạ được đưa đi, tưới mát cho những cánh đồng mênh mang nơi đây. Nước đến đâu, nghề nuôi cá lập tức được phát triển ở đó.

"Ông lớn" thứ ba nằm ở vùng biên viễn giáp với Vương quốc Campuchia. Đó là hồ chứa công trình thủy lợi Ia Mơ, nơi phục vụ nước tưới cho khoảng trên 12.500ha cây trồng, gồm 2 tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk. Bên cạnh đó, hồ thủy lợi Ia Mơ còn là nơi lý tưởng để phát triển các loại cá đặc sản chỉ riêng có ở vùng đất này.

Ngoài ba "ông lớn" trên, còn có rất nhiều hồ chứa khác như hồ thủy lợi Ia M’lá (huyện Krông Pa), lòng hồ C thủy điện Vĩnh Sơn (huyện K'bang).... Không chỉ phát điện, cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt, phát triển du lịch, những hồ chứa này đều có tiềm năng rất lớn cho việc nuôi trồng thủy sản.

Cá quý cao nguyên 

Với thế mạnh là có khá nhiều lòng hồ lớn như trên, tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương có tiềm năng lớn trong việc phát triển ngành nuôi cá nước ngọt.

Trên thực tế, rất nhiều loại cá quý đã từng được người dân thả nuôi ở các lòng hồ này. Có thể kể tên một số loài như cá lóc, thát lát, lăng, rô phi, diêu hồng, trắm cỏ, lươn… và cá nước lạnh (cá tầm) đã được đưa vào nuôi, cơ bản phần nào mang lại hiệu quả kinh tế.

Nhiều loại cá đặc sản có khả năng sinh trưởng tốt ở các lòng hồ thuộc tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đ.L. 

Nhiều loại cá đặc sản có khả năng sinh trưởng tốt ở các lòng hồ thuộc tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đ.L. 

Người ta từng biết đến cá bống lòng hồ thủy lợi Ia Mơ với những con to bằng cổ tay người lớn, cá lăng nặng từ 10-15 cân. Những loại cá này được các ngư phủ nơi miền biên viễn đánh bắt, xuất bán đến tận Thành phố Hồ Chí Minh, hay đưa về các nhà hàng sang trọng ở thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), hoặc đến các tỉnh lân cận với giá bán rất cao.

Với lòng hồ công trình đại thủy nông Ayun Hạ, bên cạnh các loại cá đặc sản miền cao nguyên như lóc, trắm cỏ..., nơi đây còn khá nổi tiếng với đặc sản cá thát lát. Với độ sâu, độ lạnh phù hợp, với nguồn thức ăn dồi dào hằng năm theo các trận mưa từ các sườn núi đổ về lòng hồ, thịt cá thát lát nơi đây nức tiếng với độ dẻo, thơm ngon. Đã có không ít sản phẩm chả cá thát lát hồ Ayun Hạ được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao mà mỗi khi đi ngang quốc lộ 25 đoạn xã Chư A Thai thuộc huyện Phú Thiện, nhiều du khách đều dừng chân ghé mua mang về ăn, làm quà...

Còn với lòng hồ C công trình thủy điện Vĩnh Sơn (thuộc huyện K'bang), đặc sản cá tầm nước lạnh cũng nức tiếng gần xa. Nhiều dự án nuôi cá tầm nước lạnh đã được triển khai nơi đây. Cũng có không ít hộ dân mạnh dạn bỏ tiền đầu tư lồng bè để nuôi loại cá đặc sản này với mong muốn sớm đổi đời...

Ở cao nguyên Gia Lai này, khó có thể kể tên hết các loại cá đặc sản, thậm chí được xem là quý hiếm, là cá “tiến vua” như cá tầm, cá lăng, cá anh vũ, cá Xi-a-núc... Mỗi loại cá đều có cái ngon đặc trưng riêng, không loại nào giống loại nào. Có chăng, là loại nào cũng quý, cũng... đắt tiền.

Ông Trần Xuân Tính, chủ nhà hàng Lộc Vừng ở đường Bùi Dự (thành phố Pleiku, Gia Lai), cho biết, nhà hàng chuyên về các loại cá đặc sản như cá tầm, cá lăng, cá anh vũ... Nguồn cá này được thu mua từ các hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở các lòng hồ lớn thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai.

Xem thêm
40 năm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III: [Bài 4] Chú trọng 3 trụ cột

Về định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ trong giai đoạn tới, Viện sẽ dựa trên 3 trụ cột, trong đó tập trung vào lĩnh vực nuôi biển.

Nam Định chuyển đổi số quản lý tàu cá, thúc đẩy gỡ thẻ vàng IUU

Chi cục Thủy sản Nam Định ứng dụng chuyển đổi số, cải cách 24 thủ tục hành chính trong quản lý tàu cá góp phần thúc đẩy công tác gỡ thẻ vàng IUU.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Quảng Bình chậm hỗ trợ xử lý mất kết nối

Đã có hàng trăm lá đơn của ngư dân đề nghị gửi các cơ quan chức năng để xin được hỗ trợ xử lý việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình…

Bình luận mới nhất