| Hotline: 0983.970.780

Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp: Bắt đầu từ tổ chức sản xuất

Thứ Năm 20/11/2014 , 07:58 (GMT+7)

Một nền nông nghiệp mạnh phải dựa vào nông dân mạnh và DN nông nghiệp mạnh trong mối liên kết giữa nông dân và DN, tức sản xuất và thị trường./ Giải bài toán nông nghiệp, ngân sách sẽ tăng

Một trong các nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh nước ta là tái cơ cấu tổ chức sản xuất từ nông hộ nhỏ, cá thể sang phương thức liên kết, hợp tác song song với phát triển thị trường trên cơ sở tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nông nghiệp.

Một nền nông nghiệp mạnh phải dựa vào nông dân mạnh và DN nông nghiệp mạnh trong mối liên kết giữa nông dân và DN, tức sản xuất và thị trường. Phần góp ý ở đây chỉ đề cập về tái cơ cấu tổ chức sản xuất nông nghiệp (SXNN).

Từ sau đổi mới đến nay, nông nghiệp nước ta chủ yếu dựa vào phương thức sản xuất nông hộ nhỏ, cá thể và đã tạo ra tăng trưởng lớn về sản lượng, nhiều mặt hàng dư thừa.

Tuy nhiên phương thức sản xuất này đã trở nên chật hẹp trong thời kỳ bước vào hội nhập, hệ quả là giá trị gia tăng cứ thấp dần và đặc biệt tình trạng tiêu thụ nông sản gặp khó khăn thường xuyên, lặp đi lặp lại.

Tính ưu việt của các phương thức sản xuất hợp tác trong nông nghiệp hầu như ai cũng biết nhưng do mặt tích cực của sản xuất nông hộ và ám ảnh của hợp tác xã kiểu cũ đã làm cho việc tổ chức lại sản xuất ít được chú ý hoặc chưa được xem là một yêu cầu bức thiết và dường như được đặt sau các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp khác.

Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay nếu không tái cơ cấu tổ chức sản xuất nông hộ nhỏ, cá thể một cách quyết liệt trên phạm vi rộng thì nông nghiệp nước ta sẽ khó vươn lên tầm cao hơn và cuộc sống nông dân vẫn quanh quẩn trong nghèo khó.

Do tính đa dạng của SXNN, tái cơ cấu cần sự đa dạng theo tính chất vùng miền và đối tượng sản xuất, miễn là vượt qua được giới hạn của nông hộ nhỏ, cá thể để biến đổi thành sản xuất lớn có trình độ kỹ thuật và công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, sản xuất gắn kết được với thị trường theo chuỗi giá trị, kể cả chuỗi giá trị toàn cầu. Một số phương thức tổ chức sản xuất mới đã xuất hiện ở nước ta từ thực tiễn hoặc có tiềm năng như cánh đồng (mẫu) lớn, HTXNN mới, tích tụ ruộng đất…

- Về tổ chức sản xuất theo phương thức cánh đồng lớn (“cánh đồng” là hình tượng vì phương thức này phù hợp nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản). Nội dung chính của phương thức cánh đồng lớn là nông dân liên kết sản xuất theo hợp đồng hay đặt hàng của doanh nghiệp. Rất nhiều nước trên thế giới đang áp dụng phương thức này trong tái cơ cấu nông nghiệp của nước mình.

Ở nước ta, cánh đồng lớn đã được phát triển trong những năm gần đây, dù chưa hoàn thiện nhưng mở ra triển vọng trở thành một xu thế tổ chức SXNN trong thời gian tới nếu như tái cơ cấu DN nông nghiệp cũng đạt kết quả tích cực để năng lực hợp đồng, đặt hàng của DN tăng lên.


Tác phẩm "Tham quan cánh đồng mẫu lớn" của tác giả Phan Thanh Cường.

Một phương thức khác đã xuất hiện ở nước ta tuy chưa phổ biến nhưng có triển vọng là cánh đồng cho thuê (DN thuê đất nông dân để tổ chức sản xuất và nông dân trở thành công nhân của DN hoặc đi làm nghề khác, tức rời nghề nông nhưng không mất đất) hoặc nông dân góp đất vào DN.

- Về HTXNN, tạm gọi là HTXNN mới (gắn liền với nông thôn mới). Yêu cầu của HTXNN mới là có hạ tầng tiên tiến đối với loại nông sản kinh doanh, ví dụ có phương tiện sau thu hoạch, sơ chế và bảo quản hoặc cả chế biến để đảm bảo được sản xuất, bảo quản, tồn trữ và tiêu thụ (qua DN hoặc bản thân có thể tự tổ chức tiêu thụ).

Câu hỏi đặt ra là vì sao HTXNN mới chưa thể phát triển. Có lẽ ngoài vấn đề năng lực quản trị, nút thắt nằm ở chỗ chưa xác định ai đầu tư phát triển hạ tầng tiên tiến cho HTX này, trong khi bản thân nông dân không đủ sức để đầu tư.

Vì vậy, nên chăng Nhà nước xem đầu tư hạ tầng tiên tiến cho HTXNN mới hoặc cho cánh đồng lớn thực chất cũng giống như đầu tư cho thủy lợi hoặc giao thông nông thôn, từ nhận thức tổ chức SXNN là nền móng cho nông nghiệp phát triển. Phương thức hợp tác công tư để xây dựng HTXNN mới có thể thành một xu thế, tuy nhiên Nhà nước phải có vai trò quyết định về cả đầu tư và chính sách.

Các nước ở châu Á đã hoàn thành tái cơ cấu nông nghiệp và có nền nông nghiệp thịnh vượng như Nhật, Hàn Quốc đều dựa vào tổ chức HTXNN hiện đại. Ở Thái Lan, HTX được đưa thẳng vào tên gọi của Bộ là Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã.

- Về tích tụ ruộng đất, ai cũng biết tích tụ ruộng đất ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô sản xuất của nông hộ, tuy nhiên việc tích tụ không phải dễ do luật pháp đặt ra hoặc do khách quan về điều kiện tự nhiên, điều kiện dân số hoặc văn hóa, tập quán.

Ở châu Á, tích tụ đại điền đã không xảy ra như ở các châu lục khác. Ở nước ta áp lực lao động nông nghiệp lên đất đai quá lớn (tỷ lệ trên 45%, trong khi nhiều nước ở châu Á còn khoảng 30% hoặc thấp hơn, ở Malaysia 12%, Hàn Quốc và Nhật chỉ còn khoảng 3%), vì vậy, sự giảm nhanh tỷ lệ lao động nông nghiệp cũng là giải pháp tăng tích tụ ruộng đất, đồng thời sự cải thiện khuôn khổ luật pháp đối với đất nông nghiệp sẽ dẫn đến tích tụ trung điền ở nước ta, nhưng sẽ khó dẫn đến tích tụ đại điền như kinh nghiệm của châu Á đã trải qua.

Cánh đồng lớn, HTXNN mới (tiến đến hiện đại) và tích tụ trung điền phải chăng là những cơ cấu mới trong tổ chức SXNN nước ta trong thời gian tới?

Chuyên mục "Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp" mong nhận được các bài viết, ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà quản lý... Bài viết gửi về địa chỉ email: baonnvn@hn.vnn.vn

BÙI BÁ BỔNG (Chuyên gia cao cấp FAO)

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm