| Hotline: 0983.970.780

Hiệp hội Nuôi biển đề xuất nuôi sam tại Hải Phòng

Thứ Tư 24/06/2020 , 19:47 (GMT+7)

Sam ngoài giá trị thương phẩm, máu sam còn có giá trị rất lớn, 1 lít máu sam có giá trị khoảng 600 USD, mỗi con sam có thể lấy được 20 lần máu...

Ngày 14/6, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT Hải Phòng liên quan đến hợp tác phát triển nuôi biển, trong đó có nuôi sam.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia thảo luận các nội dung liên quan đến định hướng nuôi biển của Hải Phòng đến năm 2030, hiện trạng và những khó khăn trong sắp xếp các trại nuôi hải sản tại Cát Bà, phát triển nuôi công nghiệp ở đảo Bạch Long Vĩ; hợp tác phát triển nuôi biển công nghiệp ở Hải Phòng; đề xuất mô hình nuôi biển công nghiệp kết hợp với du lịch cho vịnh Lan Hạ.

Một số doanh nghiệp đưa ra các mô hình phát triển nuôi biển gắn với du lịch và hướng xử lí vấn đề môi trường như: phương án tàu mẹ, tàu tiếp vận và trang trại lồng nuôi trên biển khơi, việc sản xuất và cung ứng lồng bằng vật liệu HDPE nuôi cá biển công nghiệp, việc đầu tư nuôi các hải sản quý hiếm ở khu vực Cát Bà để chiết xuất các tinh chất sinh học.

Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đề xuất nuôi sam tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đề xuất nuôi sam tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Trong đó, đáng lưu ý là ý tưởng nuôi sam của 1 doanh nghiệp. Đại diện doanh nghiệp này cho hay: Sam ngoài giá trị thương phẩm, máu sam còn có giá trị rất lớn, 1 lít máu sam có giá trị khoảng 600 USD, mỗi con sam có thể lấy được 20 lần máu. Tuy nhiên, khó khăn là ở con giống, nếu nghiên cứu tạo được giống thì nuôi sam rất có lợi nhuận về mặt kinh tế, thời gian thu hồi vốn nhanh.

Đại diện Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, hiện nay xu hướng trên thế giới là chuyển các trang trại nuôi biển quy mô nhỏ, do hộ gia đình, công nghệ truyền thống thành trang trại nuôi biển bền vững do doanh nghiệp quản lí với công nghệ hiện đại và quy mô thích hợp. Di chuyển các hộ nuôi hở từ vùng nước ven bờ với hệ sinh thái nhạy cảm dễ chồng lấn với các hoạt động kinh tế khác ra vùng xa bờ và tiến hành dần ra nuôi trên đại dương…

Còn nuôi biển ở Việt Nam có khá nhiều thách thức như: có rất ít doanh nghiệp nuôi biển, hầu hết các trại nuôi biển đều là quy mô nhỏ, hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, ven bờ; thiếu kế hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, thiếu chính sách khuyến khích và ưu tiên nhằm thu hút đầu tư; công cụ quản lí nhà nước yếu và không có cơ chế đồng quản lí hiệu quả; hệ thống cảnh báo và kiểm soát an ninh kém.

Đây là thách thức lớn cho việc nuôi xa bờ; rủi ro do ô nhiễm môi trường cao, suy giảm nguồn lợi biển ngày càng nghiêm trọng, quản lý môi trường biển lỏng lẻo; liên kết giữa trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, giống chế biến, tiêu thụ, phân phối… còn rất yếu; hoạt động phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm còn yếu, phụ thuộc chủ yếu vào người trung gian nhỏ lẻ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phát biểu. Ảnh: Đinh Mười.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phát biểu. Ảnh: Đinh Mười.

Đại diện Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đề xuất phối hợp với hợp tác với UBND TP Hải Phòng  về việc xây dựng đề án phát triển nuôi biển tại Hải Phòng đến năm 2030, quy hoạch vùng biển 6 hải lí theo tiếp cận quản lí không gian, đề xuất các chính sách thúc đẩy phát triển nuôi biển địa phương, xây dựng các mô hình nuôi biển bền vững, quy mô thích hợp, xúc tiến thu hút đầu tư nuôi biển từ các nguồn vốn khác nhau, xây dựng chuỗi liên kết nuôi biển cho một số mặt hàng chủ lực; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng lao động nuôi biển; tăng cường chế biến, xây dựng thương hiệu phát triển thị trường.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết: Có nhiều nơi có thể phát triển nuôi biển, không chỉ riêng Hải Phòng nhưng hiệp hội muốn dành môt số loại nuôi độc đáo cho Hải Phòng, cụ thể như sam biển… Hiệp hội sẽ là đầu mối phối hợp với chuyên gia nước ngoài trong việc hỗ trợ Hải Phòng phát triển các nội dung dự kiến hợp tác; kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân tham gia triển khai các nội dung hợp tác; đầu mối liên kết, phối hợp các cơ sở trong việc hỗ trợ xây dựng các mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản biển, đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật; đối ứng một phần kinh phí hỗ trợ chuyên gia để triển khai các nội dung hợp tác…

“Mong muốn cùng nhau tìm giải pháp, vừa tạo ra lợi ích kinh tế, vừa tạo ra công an việc làm cho dân, vừa đảm bảo môi trường sinh thái. Trong vịnh Lan Hạ, chỗ nào có thể làm được thì làm 1 mô hình thôi, gọi 1 doanh nghiệp vào thử nghiệm, trên mô hình đó sẽ nhân rộng ra một cách bài bản. Trong vùng biển gần bờ, gần đảo thì làm bài toán giải quyết được nhiều chuyện, vừa tăng thu nhập vừa tạo công ăn việc làm, nhưng nuôi biển phải đàng hoàng, không xả rác, xả thải ra biển. So với mô hình nuôi khác, mô hình nuôi sam ngắn ngày hơn, ra tiền nhanh hơn” –  PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Các đại biểu của Hải Phòngrất tâm đắc với những đề xuất của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Các đại biểu của Hải Phòngrất tâm đắc với những đề xuất của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Về phía Hải Phòng, ông Nguyễn Thanh Xuân – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Đề xuất của Hiệp hội chúng tôi ủng hộ, hai bên sẽ phối kết hợp nhưng sẽ phải thực hiện theo các bước theo quy định. Chúng tôi sẽ báo cáo Sở NN-PTNT để đề xuất với UBND TP Hải Phòng...

Các đơn vị liên quan của TP Hải Phòng cũng kiến nghị, hiệp hội phối hợp với các cơ sở nghiên cứu, viện, trường… khảo sát, đánh giá hiện trạng, môi trường, chất lượng nước tại khu vực biển Long Châu, Cát Bà, xung quanh đảo Bạch Long Vĩ… để Hải Phòng phát triển nuôi biển tại các vùng biển xa, triển khai các dự án. Đồng thời kêu gọi, giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở tới nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển tại Hải Phòng.

Hợp tác tìm kiếm và hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các mô hình nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện hiện đại (nuôi cá biển bằng lồng nổi HDPE…), hỗ trợ, chuyển giao công nghệ sản xuất giống một số đối tượng thủy sản nuôi biển, công nghệ chế tạo thiết bị phụ trợ phục vụ nuôi biển. Đồng thời có cơ chế đủ mạnh để hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển nuôi biển, quan tâm và ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển, giống thủy sản nuôi biển trên địa bàn Hải Phòng.

Hải Phòng là địa phương có nhiều lợi thế để nuôi biển với 45.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt là 13.000 ha chiếm 30%, tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản nước lợ mặn là 32.000 ha chiếm 70% (trong đó diện tích eo vụng vịnh là 17.000 ha).

Đối với nghề cá, đã từ lâu Hải Phòng là nơi hội tụ không những của nghề cá Vịnh Bắc Bộ mà còn là nơi tập kết hàng thủy sản thương phẩm cũng như con giống, vật tư để cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc...

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.