Trong hai ngày 29/9 và 2/10, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) phối hợp với UBND huyện Quế Võ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Võ (Bắc Ninh) và Phòng NN-PTNT huyện Kim Thành (Hải Dương) đã tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình trình diễn giống lúa Bắc thơm 7 có gen kháng bạc lá (BT7-KBL) tại xã Chi Lăng (Quế Võ, Bắc Ninh) và giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá (TBR225-KBL) tại thôn Bắc Thắng, xã Liên Hoà (Kim Thành, Hải Dương).
Đối với giống lúa BT7-KBL, theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Võ, trong vụ mùa 2021, giống lúa có tỷ lệ nảy mầm cao (hơn 97%), thời gian sinh trưởng là 105 ngày, tương đương với giống Bắc thơm số 7 (BT7) gieo cấy cùng trà, chiều cao cây trung bình 107 cm. BT7-KBL trỗ thoát cổ bông, thời gian trỗ tập trung (5-6 ngày). Đây là yếu tố có thể giúp cây lúa tránh được diễn biến bất thuận của điều kiện thời tiết vào giai đoạn trỗ bông.
Về khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh, giống lúa BT7-KBL nhiễm sâu bệnh rất nhẹ, nhiễm nhẹ bệnh khô vằn.
Trong điều kiện thời tiết vụ mùa 2021, xuất hiện mưa dông rải rác vào cuối vụ đã tạo điều kiện cho bệnh bạc lá phát sinh gây hại cục bộ trên một số giống lúa. Trong đó, cục bộ có một số diện tích trồng lúa BT7 bị nhiễm nặng 20-25%, cục bộ 50-60% số lá. Tuy nhiên, giống lúa BT7-KBL tại điểm thực hiện mô hình không bị nhiễm bệnh bạc lá ở cùng điều kiện canh tác.
Bên cạnh đó, qua theo dõi cũng cho thấy giống lúa BT7-KBL sinh trưởng phát triển tốt. Số bông hữu hiệu/khóm, số hạt chắc/bông cao hơn giống đối chứng. Đây là những yêu tố quyết định tiềm năng, năng suất cao hơn giống BT7 thông thường. Năng suất thực thu dự kiến giống BT7-KBL đạt hơn 61 tạ/ha (220 kg/sào), cao hơn giống đối chứng BT7 năng suất đạt hơn 54 tạ/ha (hơn 196 kg/sào).
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng (Quế Võ, Bắc Ninh) tham gia trồng lúa trong mô hình chia sẻ: Ban đầu khi mới tiếp cận với giống lúa mới này, hầu hết các hộ đều khá băn khoăn và lo lắng.
Tuy nhiên, trước khi bước vào thời vụ sản xuất, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Võ và ThaiBinh Seed đã tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình. Từ đó, giúp các hộ nắm bắt được đặc điểm của giống, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, nên sau đó ai cũng hào hứng tham gia.
Qua quá trình gieo trồng nhận thấy, giống lúa BT7-KBL tỷ lệ nảy mầm hạt giống rất đồng đều, mầm mẫm, mạ lên khỏe, đều. Kỹ thuật chăm sóc cũng gần giống như giống BT7 thường nhưng hiệu quả kháng bạc lá tốt hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, giống lúa BT7-KBL chỉ cần phun phòng trừ sâu bệnh hai đợt là đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trong khi giống BT7 trước đây phải phun phòng thêm một lứa sâu nữa. Nhờ đó, giúp nông dân tiết kiệm chi phí giống, thuốc BVTV… Dự kiến vụ mùa năm nay, năng suất của lúa BT7-KBL sẽ cao hơn BT7 thông thường từ 30 - 40 kg/sào.
Ông Phạm Văn Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bắc Ninh đề nghị ThaiBinh Seed sớm hoàn tất thủ tục công nhận giống BT7-KBL để sớm đưa vào cơ cấu sản xuất và danh mục giống hỗ trợ sản xuất cho các địa phương tại tỉnh Bắc Ninh.
Đối với giống lúa TBR225-KBL, trong vụ mùa 2021, thể hiện rất rõ đặc tính kháng bạc lá, thời gian sinh trưởng là 103 ngày cho thu hoạch. Đây là giống lúa có khả năng thích ứng rộng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của các địa phương. Năng suất ước đạt 68 - 70 tạ/ha, gieo trồng được cả hai vụ trong năm. Gạo trắng trong, tỷ lệ gạo nguyên cao, chất lượng gạo ngon được các đại lý thu mua rất ưa chuộng.
Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Kim Thành, giám đốc 20 HTX trên địa bàn huyện, cùng 30 đại lý cấp 1, cấp 2 trên địa bàn tỉnh Hải Dương đều chung đánh giá, khẳng định giống lúa TBR225-KBL là giống lúa mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng diện tích canh tác.
Đại diện ThaiBinh Seed cho biết: Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn giống lúa BT7 và TBR225 có gen kháng bạc lá ở các vụ tiếp theo, trên nhiều chân đất khác nhau với quy mô diện tích lớn hơn nhằm đánh giá chính xác hơn về khả năng sinh trưởng, phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất và chất lượng của giống.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi, đánh giá chất lượng gạo của giống TBR225-KBL, để có đánh giá chính xác hơn về hiệu quả của giống.