Vụ chiêm xuân 2020, Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) và nông dân các huyện Thọ Xuân, Nông Cống triển khai mô hình liên kết trồng, bao tiêu sản phẩm các giống lúa TBR225 và Thái Xuyên 111. Thực tế cho thấy, mô hình liên kết này giúp nhà nông tăng hiệu quả kinh tế từ 20-30%.
Bà Phạm Thị Hoạt, thôn Quang Hoa trồng 5 sào giống lúa TBR225 trong vụ chiêm xuân này. Theo bà Hoạt, việc liên kết với ThaiBinh Seed đem lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Giống TBR225 không những cho năng suất cao mà giá thu mua của công ty cũng cao hơn những giống thông thường.
“Tôi trồng 5 sào (500m2/sào-PV), năng suất ước đạt 3,5 tạ/sào. Những giống lúa khác bán chỉ khoảng 6 nghìn đồng/kg thì công ty thu mua TBR225 có giá gần 9 nghìn đồng/kg.
Tính ra, mỗi sào nông dân có thêm lợi nhuận trên dưới 1 triệu đồng. Lúa thuần TBR225 dễ canh tác, đầu tư ít, ít sâu bệnh... Vì những ưu điểm trên, vài năm lại đây, diện tích TBR225 ở Xuân Minh không ngừng tăng lên. Ở đây có những gia đình chọn và “chung thủy" với TBR225 từ nhiều năm nay”- bà Hoạt cho biết.
Theo thống kê, vụ chiêm xuân 2020, HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xã Xuân Minh làm đầu mối ký hợp đồng liên kết với ThaiBinh Seed triển khai sản xuất lúa thương phẩm với quy mô trên 100 héc-ta, giống lúa TBR225.
Đến thời điểm này, lúa đã bắt đầu thu hoạch với năng suất dự kiến 70 tạ/héc-ta. Toàn bộ sản phẩm lúa thương phẩm của mô hình đã được phía ThaiBinh Seed cam kết thu mua với giá cao hơn 1,3 lần giá lúa thương phẩm tại địa phương.
Ông Võ Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Minh cho hay, trong số 226 héc-ta lúa của địa phương hiện có trên 100 héc-ta trồng lúa TBR225. Đây là giống lúa có nhiều ưu điểm, lại được cơ giới hóa đồng bộ, kiểm soát kỹ thuật canh tác theo yêu cầu nên năng suất, chất lượng lúa rất cao.
“Chiêm xuân 2018, 2019, TBR 225 đều cho năng suất 76 tạ/ha. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, không phải là năm bội thu năng suất nhưng với TBR225 vẫn cho năng suất khoảng 70 tạ/héc-ta.
Do được tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên ít phải sử dụng thuộc bảo vệ thực vật hơn, giảm được nhiều chi phí trong các khâu sản xuất, năng suất lúa trong mô hình liên kết cao hơn so với canh tác truyền thống.
Về hiệu quả kinh tế, theo hạch toán, lúa trong mô hình có lợi nhuận cao hơn canh tác truyền thống từ 750 đến 800 nghìn đồng mỗi sào, tương đương 15 đến 16 triệu đồng/ha”.
Cũng trong vụ chiêm xuân 2020, ThaiBinh Seed liên kết với nông dân xã Xuân Lập (Thọ Xuân) trồng 120 héc-ta lúa TBR225. Đến thời điểm này, lúa bắt đầu cho thu hoạch, năng suất ước đạt trên 70 tạ/héc-ta.
Tại xã Trường Sơn và Tượng Văn (Nông Cống), một mô hình liên kết khác với tổng diện tích 100 héc-ta lúa Thái Xuyên 111 cũng chuẩn bị cho thu hoạch. Đây là mô hình sản xuất đã được chứng nhận đạt chứng chỉ VietGap với thương hiệu gạo sạch Hương quê. Năng suất lúa tại đây ước đạt trên 70 tạ/héc-ta, sản phẩm cũng được hai doanh nghiệp tại địa phương cam kết bao tiêu với giá cao hơn 20-25% giá thị trường.
Bà Trần Thị Huế, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nông Cống cho biết, Thái Xuyên 111 cho năng suất, chất lượng cao nên rất được nông dân địa phương ưa chuộng.
Dự kiến, trong vụ chiêm xuân 2021, Nông Cống sẽ tiếp tục mở rộng mô hình thêm tại 2 xã Minh Nghĩa và Tế Lợi với diện tích khoảng 100 héc-ta.
Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, từ nhiều năm nay, ThaiBinh Seed trở thành đơn vị sản xuất, cung ứng giống quen thuộc tại Thanh Hóa.
Ngoài việc cung ứng nhiều giống năng suất, chất lượng cao thì ThaiBinh Seed còn chung tay cùng nông dân đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích. Việc Tập đoàn ThaiBinh Seed cam kết thu mua sản phẩm cho nhà nông với giá cao hơn thị trường giúp bà con yên tâm đầu tư sản xuất.
Vụ chiêm xuân 2020, ThaiBinh Seed cung ứng cho bà con nông dân Thanh Hóa trên 800 tấn giờ. Trong đó, giống TBR225 khoảng 300 tấn, Thái Xuyên 111 khoảng 500 tấn.