| Hotline: 0983.970.780

Hồ chứa Bình Định sẵn sàng đón đợt mưa to đến rất to từ ngày 10/10

Thứ Sáu 09/10/2020 , 18:29 (GMT+7)

Ngày 9/10, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã về kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trong mùa bão lũ tại Bình Định.

Sáng 9/10, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai dẫn đầu; cùng ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Trần Văn Phúc - Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định và các đơn vị liên quan đã đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại hồ chứa nước Núi Một. Sau đó đoàn tiếp tục đi kiểm tra kè chắn sóng đang xây dựng tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) và kè chắn sóng tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn).

Đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại hồ Núi Một. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại hồ Núi Một. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, báo cáo với đoàn công tác: Trước mùa bão lũ năm nay, Bình Định đã chủ động triển khai phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và vùng hạ du, nhất là đối với 15 hồ chứa xung yếu. Rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt, chia cắt và vùng sạt lở đất để sẵn sàng ứng phó. Kiểm tra việc vận hành các hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình theo quy trình vận hành.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định (người mặc áo đỏ đứng giữa), báo cáo công công tác phòng chống thiên tai tại hồ Núi Một. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định (người mặc áo đỏ đứng giữa), báo cáo công công tác phòng chống thiên tai tại hồ Núi Một. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đáng quan ngại là vụ mùa năm 2020 Bình Định gieo sạ 7.534ha lúa; trong đó lúa sạ là 3.412ha, lúa gieo khô 4.122ha. Đến nay nông dân đã thu hoạch được 1.834ha, còn lại 5.700ha đang trỗ, làm đòng có nguy cơ hư hại trong đợt mưa lũ sắp tới. Địa phương còn lúa đứng trên đồng nhiều nhất là huyện Phù Mỹ với 2.788ha, tiếp đến là TX Hoài Nhơn với 1.340ha, huyện Phù Cát 1.171ha.

“Chúng tôi đang vận động nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, ông Hồ Đắc Chương nói.

Ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết ngành chức năng tỉnh đã rà soát, kiểm tra việc vận hành các hồ chứa nước lớn và đập dâng trên sông. “Hiện các hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn, Trà Xom 1 và hồ chứa thủy lợi Núi Một, Thuận Ninh, những hồ vận hành theo quy trình liên hồ chứa, mực nước đều thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ. Các hồ chứa đang được tích nước. Riêng hồ Định Bình mưa lớn trong mấy ngày qua đã làm mực nước trong hồ đạt cao trình 78m, trong những ngày tới hồ này sẽ phải hạ mực nước hồ xuống còn cao trình 75m để chuẩn bị đón đợt mưa to đến rất to từ ngày 10/10”, ông Phúc cho hay.

Đoàn công tác kiểm tra vận hành của máy phát điện dự phòng tại hồ Núi Một. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đoàn công tác kiểm tra vận hành của máy phát điện dự phòng tại hồ Núi Một. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đối với lực lượng tại chỗ, ngoài lực lượng chính quy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã bổ sung, kiện toàn hơn 400 đại đội dự bị động viên, trung đội dân quân cơ động và đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các thôn, khu phố... Bình Định cũng đã thành lập mới 159 đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, mỗi đội từ 50 đến 70 người sẵn sàng nhận lệnh khi có yêu cầu.

Đoàn công tác kiểm tra kè chắn sóng tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đoàn công tác kiểm tra kè chắn sóng tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Về lương thực, đến nay Bình Định đã dự trữ hơn 7.300 tấn gạo, hàng ngàn thùng lương khô, mỳ tôm cùng hàng chục ngàn cơ số thuốc khử khuẩn, sát trùng Cloramin B dạng bột và viên để khử khuẩn nguồn nước. Đến nay, toàn tỉnh Bình Định còn gần 3.000 hộ dân với gần 11.000 người ở vùng trũng, thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt trong mùa mưa lũ, tập trung ở TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ.

Sau khi đi kiểm tra các công trình xung yếu và nghe báo cáo của ngành chức năng Bình Định, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành để ứng phó với thiên tai của Bình Định trong thời gian qua. Đặc biệt là việc triển khai các phương án có chiều sâu, bám sát với tình hình thực tế. Ông Tiến cũng biểu dương Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bình Định đã có sự gắn kết chặt chẽ về thông tin hàng ngày với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Đoàn công tác kiểm tra kè chắn sóng tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đoàn công tác kiểm tra kè chắn sóng tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Chúng tôi đề nghị Bình Định phải triển khai cảnh báo ở khu vực tàu đắm, không để xảy ra tình trạng tàu cá va vào rồi chìm như vừa mới xảy ra. Chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động thu hoạch lúa vụ mùa, hoa màu, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch, hoặc có phương án bảo đảm an toàn đối với diện tích chưa đến kỳ thu hoạch. Kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, vùng trũng thấp và sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn”, ông Nguyễn Văn Tiến đề nghị.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Xóm chài Xuân Lam tìm đường đến khu tái định cư

Sống giữa vùng đất thấp trũng, quanh năm vật lộn với thiên tai là nỗi lo chung của người dân Xuân Lam, riêng 8 hộ xóm chài cơ cực hơn cả.