Theo ghi nhận của Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, lượng nước từ nhiều chi lưu đổ về hồ chứa Tam Hiệp ở thượng nguồn sông Dương Tử tối 17/7 đã đạt 55.000m3 trên giây, cao hơn đỉnh lũ lần đầu tiên hình thành vào hôm 2/7 tới 3.000m3/s.
Hoàn cầu Thời báo cho biết, do mưa lớn kéo dài nên lượng nước từ các nơi đổ về dòng chính của dòng sông dài nhất châu Á và đến đập Tam Hiệp đã tăng đáng kể.
Ngay trong buổi sang ngày 17/7, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục lên dây cót cảnh báo, duy trì trạng thái ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ trên toàn khu vực ở cấp độ cao thứ hai. Trong đó, đặc biệt lưu ý khâu tuần tra, giám sát các hồ chứa, đê bao ở thượng nguồn và trung lưu của lưu vực sông Dương Tử nhằm điều tiết lũ và ngăn chặn thảm họa ở mức độ cao nhất.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, Bộ trưởng Tài nguyên nước E Jingping cho biết, hồ chứa Tam Hiệp đang đối mặt với một đợt thử thách mới với áp lực dòng chảy mạnh và liên tục. Ông E Jingping cũng cảnh báo, sự an toàn của hồ chứa và khả năng chịu lực của hệ thống đê điều cần phải được tính đến để xả lũ một cách khoa học và hợp lý.
“Bắt đầu từ ngày 16 tháng 7, dòng chảy chính ở vùng trung và hạ lưu của sông Dương Tử đã vượt quá mực nước đáng báo động trong 12 ngày liên tiếp. Nhiều phân đoạn khác trải dài ở nhiều địa phương cũng đang đứng trước áp lực ngày một tăng”, báo cáo của Bộ Tài nguyên nước cho biết.
Chính quyền huyện Thái Hồ, địa phương nằm giữa ranh giới 2 tỉnh Giang Tô và Chiết Giang có hồ chứa cùng tên rộng 2.250 km² và sâu bình quân 1,94 m, cũng đặt báo động đỏ cấp cao nhất. Thái Hồ là một trong bốn hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Trung Quốc nằm ở phía nam khu vực đồng bằng sông Dương Tử, chỉ xếp sau hồ Bà Dương.