| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

Hồ Định Bình niềm tự hào của người Bình Định

Chủ Nhật 13/11/2022 , 08:37 (GMT+7)

Hồ Định Bình tuyệt đẹp nằm ở đầu nguồn sông Kôn, huyện Vĩnh Thạnh, là cứu cánh của ngành nông nghiệp phía nam tỉnh, cũng là niềm tự hào của người Bình Định.

Hồi sinh nhiều vùng đất chết

Sông Kôn bắt nguồn từ vùng núi phía bắc huyện An Lão, nơi Bình Định tiếp giáp với 2 tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum. Từ độ cao 600-700m, sông Kôn đổ về xuôi với dòng chảy quanh co, len lỏi giữa dãy Trường Sơn, khi đi qua huyện Vĩnh Thạnh thì trở nên mạnh mẽ rồi tiếp tục đổ về đầm Thị Nại đi ra biển. Sông Kôn là con sông dài nhất tỉnh Bình Định với chiều dài 171km, diện tích lưu vực khoảng 2.594 km2.

Theo ông Trần Châu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, người cả đời tâm huyết với ngành thủy lợi, xác định thủy lợi là nguồn sống của nông dân, nên ngoài những hồ chứa nhỏ, Bình Định dựa vào dòng chảy mạnh mẽ của sông Kôn và địa thế thuận lợi về núi non của huyện Vĩnh Thạnh, từ đó lập quy hoạch xây dựng hồ chứa nước Định Bình trình Bộ NN-PTNT.

Hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) là công trình thủy lợi được thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn. Ảnh: Tuấn Anh.

Hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) là công trình thủy lợi được thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhận thấy năng lực của hồ Định Bình không chỉ giải quyết được nước tưới cho hàng chục ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp của các địa phương phía nam tỉnh Bình Định, mà còn giải quyết được nước cho sản xuất công nghiệp, phục vụ nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt của hàng vạn người dân. Hồ Định Bình còn chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn, giảm nhẹ lũ chính vụ đồng thời hạn chế nạn hạn hán. Trước lợi ích đa mục tiêu như trên, Bộ NN-PTNT đưa dự án hồ chứa nước Định Bình vào quy hoạch những công trình thủy lợi chiến lược của quốc gia.

Bài liên quan

“Nếu không có hồ Định Bình thì Bình Định không thể mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp chủ động nước tưới lên 34.000 ha như bây giờ. Với dung tích chứa trên 226 triệu m3 nước, thông qua hệ thống kênh tưới đập dâng Văn Phong, nước của hồ Định Bình hiện đã cung cấp ra đến huyện Phù Cát và các địa phương phía nam huyện Phù Mỹ.

Nhiều vùng “đất chết” ở các xã Bình Tân, Bình Thuận của huyện Tây Sơn và xã Cát Lâm, Cát Hiệp của huyện Phù Cát đã hồi sinh mạnh mẽ”, ông Trần Châu khẳng định.

Đập ngăn sông Định Bình là đập bê tông trọng lực, thuộc cấp II, có chiều cao 52,30m, chiều rộng đỉnh đập 9m, chiều dài 611,25m. Ảnh: Tuấn Anh.

Đập ngăn sông Định Bình là đập bê tông trọng lực, thuộc cấp II, có chiều cao 52,30m, chiều rộng đỉnh đập 9m, chiều dài 611,25m. Ảnh: Tuấn Anh.

Hồ chứa nước Định Bình được xây dựng tại xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.089 tỷ đồng; trong đó, kinh phí xây lắp 825,582 tỷ đồng, kinh phí đền bù tái định cư hơn 263,8 tỷ đồng, do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Hồ Định Bình chính thức khởi công vào ngày 17/5/2002, đến tháng 2/2004 thi công đập chính.

Đập ngăn sông của công trình đầu mối hồ chứa nước Định Bình có chiều dài 571m, cao trình đỉnh đập 95,55m, được thi công bằng công nghệ bê tông trọng lực đầm lăn với tổng khối lượng bê tông các loại là 432.500m3, trong đó bê tông đầm lăn là gần 200.000m2. Ngày đổ mẻ bê tông đầm lăn đầu tiên là ngày 19/8/2005, 2 năm rưỡi sau, đến ngày 25/12/2007 mới hoàn thành việc thi công bê tông đầm lăn đập chính hồ Định Bình.

Nhà máy Thủy điện Định Bình có công suất 6MW nằm bên trái hồ chứa nước Định Bình. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhà máy Thủy điện Định Bình có công suất 6MW nằm bên trái hồ chứa nước Định Bình. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo ông Đoàn Văn Luyện, khi ấy là Phó Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 6 phụ trách kỹ thuật (đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT), ưu điểm của bê tông đầm lăn là thi công nhanh nên giảm được thời gian xây dựng. Đặc biệt là giảm đáng kể lượng xi măng trong 1m3 bê tông, từ đó giảm được nhiệt phát sinh trong khối đổ bê tông vốn là nguyên nhân chính gây nứt bê tông. Bê tông đầm lăn có thể thi công liên tục nếu thiết kế khoảnh đổ và tổ chức thi công hợp lý. Bê tông đầm lăn sử dụng ván khuôn ít hơn, mức độ cơ giới hóa cao trong quá trình thi công đã làm giảm giá thành so với bê tông thường từ 15-20%.

“Sau 7 năm thi công, đến giữa năm 2009, Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh Bình Định long trọng tổ chức lễ khánh thành hồ chứa nước Định Bình. Hôm ấy như là ngày hội lớn của cả lãnh đạo tỉnh và người người dân Bình Định. Bởi, hồ Định Bình không những đã mở ra tương lai tươi sáng cho ngành nông nghiệp các địa phương phía nam tỉnh, mà còn tiếp sức cho nhiều ngành sản xuất khác, đặc biệt là người dân vùng hạ du không còn lo lũ lớn vì đã có hồ Định Bình cắt lũ”, ông Trần Châu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhớ lại.

“Mướt mồ hôi” tiếp nhận công nghệ mới

Hồ chứa nước Định Bình là công trình được thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn. Việc áp dụng công nghệ thi công bê tông tiên tiến nhất vào thời bấy giờ, nên yêu cầu chủ đầu tư đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý đầu tư, giám sát và quản lý chất lượng công trình; thực hiện nghiêm túc các quy định quản lý chất lượng công trình từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công, nghiệm thu.

Đập không tràn bên phải hồ chứa nước Định Bình. Ảnh: Tuấn Anh.

Đập không tràn bên phải hồ chứa nước Định Bình. Ảnh: Tuấn Anh.

Mới quá sinh khó. Do chưa có kinh nghiệm, tiêu chuẩn kỹ thuật ứng dụng trong thi công cũng chưa có, nên đơn vị chủ đầu tư phải nhờ đến chuyên gia nước ngoài.

Giai đoạn đầu thi công công trình hồ chứa nước Định Bình, đơn vị chủ đầu tư phải mới các chuyên gia trong ngành thủy lợi của Trung Quốc sang đến Bình Định tập huấn, hướng dẫn cho đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công kỹ thuật thi công bê tông đầm lăn. Các chuyên gia thủy lợi Trung Quốc mở lớp giảng dạy trong thời gian hơn 2 tháng, các đơn vị liên quan cử người tham gia học. Các học viên tham gia lớp tập huấn công nghệ bê tông đầm lăn học rất nghiêm túc để tiếp nhận kỹ thuật.

Cũng theo ông Luyện, ngoài ra, đơn vị chủ đầu tư còn mời chuyên gia Trung Quốc làm tư vấn giám sát công trình suốt 2 tháng đầu tiên, trong thời gian này chuyên gia Trung Quốc hướng dẫn, giúp đỡ rất nhiều trong thi công hồ chứa nước Định Bình. Trong quá trình chuyên gia Trung Quốc hướng dẫn, những người có trách nhiệm phía Việt Nam chú tâm học hỏi và sau đó tự theo dõi thi công.

Hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) đang vận hành. Ảnh: Tuấn Anh.

Hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) đang vận hành. Ảnh: Tuấn Anh.

“Giai đoạn đầu thi công bê tông đầm lăn hồ thủy lợi Định Bình, do phải trải qua quy trình thí nghiệm nên bị trễ tiến độ thi công thời gian khá dài. Bởi, bê tông đầm lăn phải được thí nghiệm trong phòng ít nhất 180 ngày, ra thí nghiệm ngoài hiện trường cũng chừng ấy thời gian nữa, nếu đạt mới đưa vào thi công đại trà, nên tiến độ thi công công trình bị trì hoãn cả năm trời”, ông Đoàn Văn Luyện, khi ấy là Phó Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 6 phụ trách kỹ thuật thi công hồ Định Bình, cho hay.

Khi khởi công xây dựng hồ chứa nước Định Bình, ông Trần Châu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định còn đang giữ chức Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, nhớ lại: Trong quá trình xây dựng, ngay từ tháng 5/2007, công trình hồ chứa nước Định Bình đã phát huy tác dụng, bước đầu chống được lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn và hạn chế lũ chính vụ cho vùng hạ du; đảm bảo cấp nước ổn định cho khu tưới Tân An-Đập Đá, bổ sung cho kênh tiếp nước sông Kôn và sông Hà Thanh, góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Những công trình phụ trợ của hồ chứa nước Định Bình. Ảnh: Tuấn Anh.

Những công trình phụ trợ của hồ chứa nước Định Bình. Ảnh: Tuấn Anh.

Tại buổi lễ khánh thành hồ chứa nước Định Bình vào ngày 22/6/2009, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Ngọc Thuật khi ấy ghi nhận, mặc dù trong quá trình thi công có gặp một số vướng mắc, nhưng cuối cùng đập ngăn nước hồ Định Bình có quy mô lớn được xây dựng bằng công nghệ bê tông đầm lăn đã hoàn thành và phát huy ưu thế cao. Công ty Cổ phần Xây dựng 47 (đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT) là đơn vị có đóng góp cao về sáng tạo khắc phục vướng mắc trong thi công bê tông đầm lăn hồ chứa nước Định Bình.

Công trình đầu mối hồ chứa nước Định Bình gồm công trình chính là đập bê tông ngăn sông và các công trình phụ trợ phục vụ thi công công trình chính. Đập ngăn sông Định Bình là đập bê tông trọng lực, thuộc cấp II, có chiều cao 52,30m, chiều rộng đỉnh đập 9m, chiều dài 611,25m được bố trí các hạng mục từ phải sang trái gồm: Tường chống thấm vai phải, tường ô vai phải, đập bê tông trọng lực, tường ô vai trái, tường chống thấm vai trái.

Đập bê tông trọng lực của hồ chứa nước Định Bình có chiều dài 474 m chia làm 14 khoang, bố trí các hạng mục gồm: Đập không tràn bên phải, đập tràn xả mặt, đập tràn xả đáy, đập không tràn bên trái. Các cửa xả đáy và tràn xả mặt có hình thức cửa van cung, kết cấu bằng thép, điều khiển bằng xy lanh thủy lực. Thiết bị quan trắc được đặt trong nền và thân đập để đo nhiệt độ, ứng suất, biến dạng, áp lực thấm; đặt ở thượng hạ lưu đập để đo cao trình mực nước; đặt các mốc để kiểm tra độ lún, chuyển vị ngang. Số liệu đo của các thiết bị quan trắc được xử lý bằng hệ thống phần mềm đặt trong nhà quản lý điều hành.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cảnh báo mưa lớn tại khu vực Trung Bộ, kéo dài nhiều ngày

Từ ngày 3/11, khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn, lượng mưa phổ biến 40-100mm cục bộ có nơi trên 200mm.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất