| Hotline: 0983.970.780

Hồ hởi đưa gia súc, gia cầm vào nhà máy giết mổ tập trung

Thứ Ba 20/06/2023 , 10:57 (GMT+7)

Hàng trăm hộ giết mổ động vật nhỏ lẻ ở thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước (Bình Định) hồ hởi đưa gia súc, gia cầm đến nhà máy giết mổ tập trung…

Bảo đảm sản phẩm sạch

Nhà máy giết mổ động vật tập trung của Công ty TNHH Sản xuất và chế biến thực phẩm Quy Nhơn vừa chính thức vận hành dây chuyền giết mổ tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định).

Nhà máy phục vụ giết mổ gia súc, gia cầm cho hàng trăm hộ giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn thị xã An Nhơn và 5 xã phía Bắc huyện Tuy Phước.

Ghi nhận những ngày đầu hoạt động của Nhà máy giết mổ động vật tập trung Nhơn An, đã có 100 hộ giết mổ nhỏ lẻ ở thị xã An Nhơn và 5 xã phía Bắc huyện Tuy Phước đăng ký giết mổ tại nhà máy với hơn 300 con heo/ngày.

Nhà máy đã vận hành 3 dây chuyền giết mổ heo và 2 dây chuyền giết mổ gia cầm để phục vụ các hộ giết mổ có sản phẩm cung ứng sớm cho các chợ.

Ông Trần Quốc Hải, chủ hộ giết mổ động vật ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn) đăng ký mổ 20 con heo/ngày ghi nhận: Quy trình giết mổ nhanh, đảm bảo, sản phẩm được kiểm soát trước khi đưa ra tiêu thụ nên đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày đầu tiên Nhà máy giết mổ động vật tập trung Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) đi vào hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

Ngày đầu tiên Nhà máy giết mổ động vật tập trung Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) đi vào hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ hộ giết mổ ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), chia sẻ: “Trước đây, mỗi ngày gia đình tôi mổ tại nhà 2-3 con heo chủ yếu bán cho các bạn hàng đi chợ chiều. Thế nhưng khi Nhà nước có chủ trương di dời lò giết mổ nhỏ lẻ vào nhà máy giết mổ tập trung, gia đình tôi chuyển lịch mổ vào thời điểm 4-5 giờ sáng để phục vụ nhu cầu của bạn hàng, vừa đảm bảo được công việc vừa thực hiện theo chủ trương của Nhà nước”.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, để chuẩn bị cho công việc di dời những hộ giết mổ nhỏ lẻ vào nhà máy giết mổ tập trung suôn sẻ, từ ngày 13/6, đoàn công tác của ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương liên tục tổ chức kiểm tra từng hộ giết mổ, hướng dẫn, yêu cầu các hộ tuân thủ việc đưa động vật vào nhà máy giết mổ tập trung.

Kết quả kiểm tra, tại các chợ trên địa bàn thị xã An Nhơn của ngành chức năng thị xã và Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho thấy, sản phẩm thịt được bày bán đều có dấu kiểm soát giết mổ.

“Giai đoạn đầu, phường thành lập đoàn công tác liên tục kiểm tra để vừa nhắc nhở, vừa hướng dẫn cho người dân từng bước chấp hành chủ trương xóa lò mổ nhỏ lẻ để bảo đảm an toàn thực phẩm cho sản phẩm gia súc, gia cầm”, bà Lâm Thị Ánh Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa, một trong những địa phương có nhiều hộ giết mổ nhỏ lẻ tại thị xã An Nhơn cho hay.

Hộ giết mổ nhỏ lẻ mua phương tiện để vận chuyển gia súc đến nhà giết mổ tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Hộ giết mổ nhỏ lẻ mua phương tiện để vận chuyển gia súc đến nhà giết mổ tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Đưa hoạt động giết mổ đi vào quy củ

Theo ông Bùi Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Định (thị xã An Nhơn), địa phương này có 14 hộ đưa heo vào giết mổ tại nhà máy với số lượng 74 con, trong đó có những hộ đăng ký với số lượng lớn từ 10-20 con.

Đối với các hộ giết mổ nhỏ lẻ không đăng ký, ngành chức năng phường liên tục kiểm tra tránh trường hợp lén lút giết mổ tại nhà.

“Trước đây, thị xã An Nhơn có 115 hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư, khi nhà máy giết mổ động vật tập trung Nhơn An hoạt động, có 95 hộ đăng ký đưa động vật vào nhà máy giết mổ.

Thời gian đầu hoạt động cho thấy còn một số vướng mắc, nhưng chúng tôi sẽ cùng các hộ giết mổ tiếp tục bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ. Sự tuân thủ của các hộ giết mổ trên địa bàn trong giai đoạn đầu là tín hiệu tích cực, từng bước sẽ đi vào quy củ”, ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, chia sẻ.

“Chấp hành đưa gia súc vào nhà máy giết mổ tập trung, tôi đăng ký mổ mỗi ngày 2 con heo. Qua những ngày đầu hoạt động, tôi nhận thấy heo mổ tại nhà máy đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, có 1 vướng mắc là tôi đăng ký mổ 2 con heo/ngày, nhà máy bố trí 1 ô chuồng chỉ đủ để 2 con heo đứng.

Thế nhưng, khi người chăn nuôi kêu bán heo, bán cả chuồng 10 con, buộc tôi phải mua hết 10 con chứ không thể mua 1-2 con, tôi không biết nhốt 8 con kia ở đâu để mổ dần. Trong khi lò mổ ở nhà đã phá hết nên không còn chỗ nhốt tại nhà.

Về vấn đề này tôi đề nghị nhà máy xem xét lại để tháo gỡ khó khăn cho hộ giết mổ”, anh Mười Mỹ, hộ giết mổ gia súc ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn) đề xuất.

Hộ giết mổ nhỏ lẻ ở 5 xã phía Bắc huyện Tuy Phước (Bình Định) họp tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung Nhơn An trước khi đưa nhà máy đi vào hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

Hộ giết mổ nhỏ lẻ ở 5 xã phía Bắc huyện Tuy Phước (Bình Định) họp tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung Nhơn An trước khi đưa nhà máy đi vào hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đánh giá, nhờ ngành chức năng thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước làm tốt công tác vận động nên tỷ lệ các hộ giết mổ nhỏ lẻ đưa vào khu giết mổ tập trung đạt tỷ lệ cao.

Để đáp ứng yêu cầu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định tăng cường 10 cán bộ thú y lên nhà máy thực hiện công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, đảm bảo gia súc được kiểm tra trước, trong và sau khi giết mổ.

“Đoàn công tác liên ngành của tỉnh do Sở NN-PTNT chủ trì sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình giết mổ từ khu dân cư cho đến các chợ, đảm bảo sản phẩm thịt được bày bán đều qua giết mổ tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Những hộ giết mổ chây ì, không chấp hành đưa gia súc vào nhà máy giết mổ tập trung sẽ bị cưỡng chế và xử phạt theo đúng quy định”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.