Liên quan đến việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, chia sẻ tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM chiều 8/6, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, thực hiện quyết định của UBND TP.HCM đến hết ngày 31/3 chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn TP.HCM, bắt đầu kể từ ngày 1/4 chuyển về giết mổ tại các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn.
Như vậy, từ ngày 1/4, 8 cơ sở, khu vực giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn thành phố đã ngưng hoạt động, bao gồm cơ sở giết mổ Trung tâm Bình Tân (quận Bình Tân); cơ sở giết mổ Phước Kiển (huyện Nhà Bè); cơ sở giết mổ Tân Phú Trung, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Xuyên Á (huyện Củ Chi) và khu vực giết mổ thủ công của Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn).
Riêng cơ sở giết mổ Trung Tuyến (huyện Cần Giờ) tiếp tục hoạt động, với số lượng giết mổ heo bình quân 20 - 30 con/ngày để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân huyện Cần Giờ theo Quyết định số 231/QĐ-UBND.
Ông Hiệp cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 5 nhà máy giết mổ gia súc đang hoạt động theo dây chuyền giết mổ công nghiệp tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận Bình Thạnh và 1 cơ sở giết mổ tại huyện Cần Giờ, với tổng công suất giết mổ bình quân từ ngày 1/4 đến ngày 8/6 là khoảng 5.200 - 6.000 con/ngày, chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt heo trên thị trường thành phố.
Cụ thể tại huyện Củ Chi có 3 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp gồm Nhà máy giết mổ gia súc Lộc An của Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An đạt công suất giết mổ bình quân 900 - 1.000 con/ngày; tăng khoảng 20% so trước ngày 1/4. Trong khi đó, công suất thiết kế tại nhà máy này là 2.000 con/ngày.
Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Sagri) hiện có công suất giết mổ bình quân 50 - 80 con/ngày; tăng khoảng 45% so trước ngày 1/4. Trong khi đó, công suất thiết kế là 2.000 con/ngày.
Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ hiện đạt công suất giết mổ bình quân 1.900 - 2.300 con/ngày; tăng khoảng 8% so trước ngày 1/4. Công suất thiết kế tại nhà máy này là 3.200 con/ngày.
Tại huyện Hóc Môn, Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng của Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn hiện đạt công suất giết mổ bình quân 1.900 - 2.100 con/ngày; giảm khoảng 6% so với số lượng giết mổ của nhà xưởng số 2 và khu vực giết mổ thủ công của nhà máy đã thực hiện trước ngày 1/4. Công suất thiết kế là 2.000 con/ngày/nhà xưởng.
Tại quận Bình Thạnh, Nhà máy giết mổ gia súc của Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) đạt công suất giết mổ bình quân 400 - 500 con/ngày; tương đương với số lượng giết mổ trước đây của công ty này. Công suất thiết kế là 1.000 con/ngày.
Về tổng thể nguồn cung thịt heo cho thị trường thành phố, ông Đinh Minh Hiệp cho biết, so với thời điểm trước ngày 1/4 có sự biến động không đáng kể, tương đối ổn định, với sản lượng bình quân khoảng 9.500 - 10.000 con heo/ngày.
Trong đó, nguồn heo giết mổ trên địa bàn thành phố giảm khoảng 700 - 1.200 con/ngày (giảm khoảng 10-15%). Lý do là một số chủ gia súc dịch chuyển về Long An, Bình Dương để giết mổ, rồi cung cấp ngược lại cho TP.HCM hoặc chuyển đổi sang hình thức kinh doanh thịt, không mua heo sống về để giết mổ.
Đồng thời, trong thời gian này, lượng thịt heo từ các tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ tăng khoảng 500 - 1.300 con (tăng khoảng 15 - 20%).
Ông Hiệp cho biết thêm, ngày 3/6 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức "Hội nghị kiểm soát giết mổ động vật, triển khai Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ", bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, những địa phương đang tổ chức tốt hoạt động giết mổ động vật tập trung và quy mô công nghiệp, dễ dàng kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc khi cần là TP.HCM, Hà Tĩnh, Long An, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu...
"Đây là nỗ lực hơn 10 năm qua của TP.HCM trong quá trình chuyển đổi từ các cơ sở giết mổ thủ công sang các nhà máy giết mổ công nghiệp. TP.HCM là đơn vị duy nhất trên cả nước chuyển đổi hẳn sang giết mổ công nghiệp", Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp nhận định.
Nhìn chung bước đầu, công tác kiểm soát giết mổ tại các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đảm bảo chặt chẽ các điều kiện kiểm soát về vệ sinh thú y...
"Số lượng giết mổ tại các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp ổn định. Tuy nhiên, các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn chưa đạt theo công suất thiết kế, nếu tìm được thêm đối tác giết mổ gia súc công nghiệp thì các nhà máy nâng công suất theo thiết kế và sẽ đảm bảo nguồn cung thịt heo nóng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thành phố", Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM nhìn nhận.
Cũng theo ông Hiệp, trong thời gian chuyển đổi vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM (Sở NN-PTNT TP.HCM) cũng đã tăng cường kiểm tra, rà soát tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trên địa bàn, đặc biệt tại quận 12, Gò Vấp, Bình Chánh tuy nhiên không phát hiện trường hợp nào.