| Hotline: 0983.970.780

Hồ Quang Cua, cuộc đời & cây lúa

Chủ Nhật 06/12/2015 , 06:10 (GMT+7)

Trong số các bộ giống lúa nổi bật của Việt Nam phải kể đến bộ giống lúa ST của ông Hồ Quang Cua. 

Đặc biệt là ST 20 đã chinh phục thực khách ngay bữa cơm đầu tiên khi về Sóc Trăng tham dự Festival lúa gạo lần thứ 2.

Đến nay, bên cạnh ST5, từng  đạt giải thưởng Bông lúa vàng năm 2012 của Bộ NN-PTNT, gạo ST20 được tiêu thụ ở khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu với giá cao. Thậm chí giá bán tại thị trường nội địa tương đương 1.000 USD/tấn.

Nhóm nghiên cứu ST của ông Cua đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tổ chức JICA (Nhật Bản) mời tham gia mạng lưới chọn tạo giống toàn cầu. IAEA cũng tặng giải thưởng Thành tựu sáng tạo năm 2014 cho nhóm nghiên cứu này và “kiệt tác” ST20.

Cuộc tìm kiếm không ngừng

Một chặng đường hơn 20 năm, Anh hùng Lao động  (AHLĐ) Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Sóc Trăng và nhóm nghiên cứu đã miệt mài chọn tạo ra giống lúa mới, giá trị cao.

Không chỉ dõi theo các hoạt động lặng lẽ ấy mà những người làm báo nông nghiệp chúng tôi đã từng lội đồng cùng KS Cua để tận mắt chứng kiến những phát hiện tinh tế, những  kỹ thuật  chọn tạo cần mẫn và chính xác để có ST1 cho tới ST20 và hơn thế nữa.

Ông Cua có một bộ đồ nghề gồm nồi cơm điện, gạo ngon và cả rượu, sẵn sàng  nấu cơm mời khách ở những hội chợ. Hình ảnh hiếm thấy ấy được giải thích một cách đơn giản: “Kéo người dùng vào bàn ăn thì mới có dịp nói chuyện ngoài đồng”.

Công việc ấy thực sự giúp ông Cua cọ xát với cái “gu” tiêu dùng, hiểu thị trường và biết cách làm gạo ngon tới gạo thực dưỡng, không chỉ gạo trắng mà có cả gạo đỏ, gạo tím, gạo tím than (huyền mễ).

Lúc đương nhiệm, những thành tựu cứ nhẹ nhàng hiện lên. Nhiều người cho rằng khi rời nhiệm sở nghỉ hưu, ánh sáng sẽ tắt. Bởi hào quang đó do cái ghế phó Sở mà có.

Ngược lại, hưu trí hơn 3 năm, ông Cua lại hiếm khi thảnh thơi. Nhiều đoàn khách từ ngoài Bắc vào, từ Mỹ, châu Âu vẫn lui tới khu “điền trang bỏ túi” của ông.

Ông vẫn bận rộn với thói quen tự hái rau, làm bếp để đãi khách, vừa xới cơm vừa nói chuyện cuộc đời và hạt gạo vùng châu thổ. Dường như lúa gạo ST gắn với ông trong từng suy nghĩ, từng phút, từng giây với niềm đam mê không gì lớn hơn nữa.

Sau những bữa tiệc nhà vườn, ông làm gì? Ông Cua lại ra đồng hay vào khu chọn giống tiếp tục cái công việc mà hơn ai hết ông hiểu rõ giá trị lớn lao đang thu mình trong từng hạt lúa giống.

Bây giờ Sóc Trăng đã chuẩn bị vào vụ thu đông. Cánh đồng lúa ngon, lúa thơm đã “phình" lên 50.000 ha. Ông Cua nói, vụ lúa ĐX tới sẽ có thêm 5 giống lúa ST mới được sản xuất trên 300 ha, tên của mỗi giống sẽ đánh theo mã số theo từng “lệnh” đặt hàng.

Ông đã tạo ra thói quen trồng lúa với chuẩn lúa giống chứ không tự lấy lúa thịt làm giống. Ở huyện Mỹ Xuyên, nông dân tham gia công việc tổ chức sản xuất theo kiểu nâng giá trị tăng thêm bằng trồng lúa trong ao tôm.

Có thể nói mô hình “nông nghiệp thông minh” lúa - tôm trên 10.000 ha đã trở thành “công thức” gia tăng thu nhập và tạo ra loại gạo an toàn do hạn chế sử dụng nông dược tới mức thấp nhất hoặc không dùng nông dược.

Thị xã Ngã Năm có 18.000 ha đất trồng lúa nhưng chiếm tới 50% diện tích dòng lúa ST. Nông dân tính chỉ cần năng suất lúa 6,6 tấn/ha trong vụ HT và đạt 7,2 tấn/ha trong vụ ĐX (cao hơn 200 kg/ha so năng suất lúa thông thường) đã thấy lợi.

Cái sướng nhất khi trồng lúa ST là bà con không còn lo khâu tiêu thụ vì có nhiều thương lái đặt hàng, giá mua lúa cao hơn lúa thường từ 1.200 - 1.500 đ/kg.

Giấc mơ gạo thơm, gạo dược liệu

Gạo đỏ ST xuất khẩu với giá 85 cent/kg, ST20 trên 600 USD/tấn, gạo tím than ST giàu dinh dưỡng có giá 1 USD/kg. Thị trường nội địa, giá bán lẻ gạo ST20 là 20.000 đ/kg.

Tái cấu trúc nông nghiệp, theo ông Cua, nên nâng cao giá trị để thu được lợi nhuận cao hơn, chuyển từ cuộc chạy đua tăng sản lượng sang hướng chú ý chất lượng ngon lành.

Muốn tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, nông dân cần được cung cấp giống có đặc tính tốt, sản xuất đúng quy trình kỹ thuật từ khâu gieo cho tới thu hoạch, bảo quản, chế biến để chất lượng hạt gạo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Mỗi giống lúa phải trải qua 4 năm với 8 vụ kiểm nghiệm định hình, chọn tạo công phu. Khi nghiên cứu từ gạo trắng sang gạo đỏ, gạo tím, gạo tím than… nhóm nghiên cứu của ông Cua luôn đối diện với thử thách.

Nắm trong tay 10 giống gốc có tính khác biệt, nhưng đã có bao nhiêu giống phải loại bỏ, ông cũng không nhớ nổi. Có những giống rất ngon cơm nhưng dễ nhiễm bệnh, chi phí cao, không có lợi cho người trồng hay phải xài thuốc nhiều ảnh hưởng môi trường… đã bị loại. Những loại giống được ưu tiên chọn lựa như hạt nhỏ, ngắn, cơm thơm mùi dứa và thoang thoảng hương cốm…

Đến cuối năm 2014, chưa tính đến số lượng gạo xuất tiểu ngạch, Việt Nam xuất khẩu trên 1,3 triệu tấn gạo thơm. Có dạo người ta nói rằng: “Đừng có bước chân vào sân chơi Thái Lan đang làm chủ”. Quan điểm đó cần xem lại. Bằng chứng là gạo thơm Việt Nam vẫn rộng đường ra.

Một người về hưu như ông Cua vẫn từng ngày theo dõi tín hiệu thị trường và nhu cầu tiêu dùng gạo ngon chưa bao giờ được thỏa mãn. Gạo màu giàu dinh dưỡng và khai thác dược tính - phòng ngừa bệnh tật được dùng như thực phẩm chức năng cao cấp vẫn là một xu hướng chuyển động có lợi cho nông dân và doanh nghiệp chế biến, vẫn là dư địa rộng mở cho ý tưởng mở mang thị trường.

Ông Cua nói, có những  người nghèo bị mắc chứng bệnh tiểu đường, làm sao tạo ra giống lúa và phẩm chất hạt gạo giảm lượng đường trong bột? Nhóm nghiên cứu như gặp “duyên kỳ ngộ” tìm ra được giống làm ra gạo đỏ - chứa nhiều chất sắt, cơm thơm lâu, mềm - nguyên liệu tuyệt hảo để làm thực phẩm chức năng.

“Tương tự, giống lúa cho ra gạo tím giàu hàm lượng anthocyanin giúp chống oxy hóa - nguyên nhân gây ra lão hóa, ung thư, tiểu đường… và tiếp theo những sản phẩm từ gạo ST đã làm ra cốm, bột dinh dưỡng… để người tiêu dùng có nhiều chọn lựa”, ông Cua cho biết.

Chúng tôi sẽ theo đuổi những bước nhảy ngoạn mục hơn nữa của ông…

Việt Nam được IAEA đánh giá cao như một ví dụ điển hình trong việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và bảo đảm an ninh lương thực và là quốc gia đứng hàng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống. 

Mỗi năm ở Việt Nam các giống lúa đột biến được gieo trồng trên 3,5 triệu ha và đã làm tăng thu nhập cho người nông dân hàng trăm triệu USD.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.