| Hotline: 0983.970.780

Hồ tiêu, cây trồng số một Quảng Trị

Thứ Tư 26/01/2011 , 11:39 (GMT+7)

So với nhiều loại cây truyền thống, cây hồ tiêu ở Quảng Trị đã giúp nhiều nông dân ở địa phương này làm giàu nhanh chóng trong thời gian qua.

So với nhiều loại cây truyền thống, cây hồ tiêu ở Quảng Trị đã giúp nhiều nông dân ở địa phương này làm giàu nhanh chóng trong thời gian qua. Với giá hiện tại, một ký hồ tiêu khô đến 100 ngàn đồng, người trồng hồ tiêu ai cũng mừng ra mặt.

Xác định vùng trọng điểm

Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, khẳng định: “Hồ tiêu là cây truyền thống và cũng vừa là cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh Quảng Trị. Nông dân tỉnh này nhiều người đã làm giàu được với cây hồ tiêu nhờ trồng và buôn bán hồ tiêu khô”. Từ ngày xưa, nhà bác học Lê Quý Đôn từng nhắc đến trong Phủ Biên tạp lục, nhiều thương gia nước ngoài thường đến Quảng Trị mua hồ tiêu mang về nước, điều này đã làm cho người trồng tiêu giàu có lên. Hồ tiêu ở đây có chất lượng nổi tiếng cả vùng.

Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 2.500 ha hồ tiêu, tập trung ở 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hoá. Năng suất bình quân đạt hơn 1,5 tấn/ha. Sản phẩm hồ tiêu chủ yếu xuất khẩu. Với giá hiện nay 100 ngàn đồng/kg hồ tiêu khô, người trồng hồ tiêu có lãi rất cao so với một số cây trồng truyền thống khác trên cùng diện tích đất canh tác. Các nhà kinh tế nông nghiệp phân tích, lợi thế của Quảng Trị có điều kiện phát triển nông sản quy mô lớn, đặc biệt là hồ tiêu. Thổ nhưỡng Quảng Trị chia thành 12 nhóm đất chính. Trong đó đất đỏ bazan chiếm khoảng 20.000 ha. Loại đất này rất màu mỡ, được phân bổ tập trung ở địa hình bằng phẳng và gần khu dân cư. Những nông sản có ý nghĩa về kinh tế của Quảng Trị đều nằm trên đất đỏ bazan như hồ tiêu, cà phê, cao su.

Theo kết quả điều tra đánh giá phân hạng tài nguyên đất tỉnh Quảng Trị của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, tổng diện tích đất thích nghi phát triển cây hồ tiêu có hơn 46 ngàn ha. Trong đó, mức độ thích nghi nhất có hơn 18 ngàn ha thuộc các vùng đất đỏ bazan ở miền Tây huyện Gio Linh; thị trấn Khe Sanh thuộc huyện Hướng Hóa; huyện Cam Lộ và huyện Vĩnh Linh. Kết quả đánh giá đất đai và từ thực tế của thị trường chỉ ra các xã Gio An, Gio Sơn và Hải Thái của huyện Gio Linh; các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Nam huyện Vĩnh Linh và các xã Cam Thành, Cam Nghĩa, Cam Chính huyện Cam Lộ có mức độ thích nghi đối với hồ tiêu là cao nhất và cây hồ tiêu cho hạt có chất lượng tốt nhất. Những vùng đất kể trên là trọng điểm phát triển kinh tế trồng trọt của tỉnh Quảng Trị, đáng chú ý nhất là cây hồ tiêu. Chính cây hồ tiêu đã góp phần làm thay đổi cuộc sống từ khó khăn trở nên đủ ăn và giàu có cho bao phận người trên vùng đất đỏ bazan Quảng Trị.

Xây dựng “chỉ dẫn địa lý ”cho sản phẩm hồ tiêu

Hiệu quả của việc trồng hồ tiêu và giá trị kinh tế của nó đã mang lại những tiềm năng phát triển to lớn cho cây đặc sản truyền thống này. Để không ngừng nâng tầm cho đặc sản hồ tiêu, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành xây dựng “chỉ dẫn địa lý” cho sản phẩm hồ tiêu. Ông Nguyễn Hữu Tâm - Phó phòng Trồng trọt Sở NN-PTNT Quảng Trị, nói: “Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị ngoài việc chứng minh cho chất lượng sản phẩm hồ tiêu của một vùng, còn có ý nghĩa lớn trong việc khẳng định chất lượng của một trong những mặt hàng nông sản hàng đầu của Việt Nam trên thị trường trong nước và trên thế giới. Việt Nam tiến tới gia nhập Hiệp hội hồ tiêu thế giới. Vậy việc làm này là động lực khuyến khích người dân ý thức hơn nữa trong sản xuất và quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng tiêu, góp phần xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu và hình thành các vùng cây đặc sản truyền thống có quy mô”.

Với cách nhìn chiến lược như vậy, tỉnh Quảng Trị đã định hướng đến năm 2015, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn phát triển đạt hơn 3.000 ha, tập trung trên 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hoá. Tuy nhiên, cũng giống nhiều loại cây khác, cây hồ tiêu cũng không thoát khỏi một số bệnh gây hại, đặc biệt là bệnh thối gốc, rễ do nấm phytopthra gây ra. Vì vậy, ngành Nông nghiệp Quảng Trị đã có phương án xử lý những khó khăn này để diện tích hồ tiêu được phát triển tốt hơn. Theo đó, trước mắt là tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật trồng, phòng trừ sâu bệnh trên cây hồ tiêu, xây dựng nhiều mô hình vườn hồ tiêu an toàn sâu bệnh với việc thực hiện theo đúng quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại chính, từ đó nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Tìm thị trường, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho nông dân trồng tiêu.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị có chính sách hỗ trợ, giúp những hộ có vườn tiêu bị bệnh tháo gỡ khó khăn trong sản xuất. Cụ thể, đối với các hộ có vay vốn ngân hàng trồng tiêu, đề nghị UBND tỉnh cho khoanh nợ hoặc giản nợ, để nông dân có điều kiện tập trung chăm sóc vườn. Hỗ trợ một phần kinh phí, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại hồ tiêu cho nông dân...

Xem thêm
Người nuôi lợn trang trại, gia trại được gỡ nút thắt

QUẢNG BÌNH Tâm lý ngại dịch bệnh, thua lỗ, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn được tháo gỡ khi mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ có đệm lót phát huy hiệu quả.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất