| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ giống vật nuôi giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo

Thứ Ba 09/04/2024 , 06:30 (GMT+7)

GIA LAI Nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số dần thoát nghèo nhờ được Hội Nông dân hỗ trợ con giống, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn để làm ăn.

Trao niềm vui đến với nông dân

Từ năm 2022 đến nay, với mục tiêu phát triển kinh tế hộ, đặc biệt là các hộ nghèo người dân tộc thiểu số, Hội Nông dân các cấp huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai các mô hình sinh kế cho hội viên nghèo, khó khăn như: Tặng 34 con lợn giống với tổng trị giá trên 54 triệu đồng cho 17 hội viên ở các xã Ia Khươl, Hòa Phú, Ia Mơ Nông, Ia Nhin, Đăk Tơ Ver và thị trấn Ia Ly; tặng 62 con dê giống với tổng trị giá trên 186 triệu đồng cho 17 hội viên tại các xã Hà Tây, Ia Khươl, Nghĩa Hòa; tặng 1 con bò trị giá 15 triệu đồng cho hội viên xã Phú Hòa; tặng 1.000 cây mắc ca và 2 tấn phân cho 20 hội viên xã Hà Tây; triển khai mô hình trồng ổi Đài Loan (65 cây ổi) trị giá 3 triệu đồng tại thị trấn Phú Hòa và hỗ trợ 8 hộ nuôi cá bằng lồng tại làng Kênh, Tum, Yut (xã Ia Phí)…

Từ 4 con dê giống được hỗ trợ, bầy dê của chị Rơ Châm Nguên hiện nay đã lên đến 15 con. Ảnh: Đăng Lâm.

Từ 4 con dê giống được hỗ trợ, bầy dê của chị Rơ Châm Nguên hiện nay đã lên đến 15 con. Ảnh: Đăng Lâm.

Cũng trong thời gian trên, các cấp Hội Nông dân từ xã đến huyện còn phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ giải ngân cho bà con nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Theo đó, đã có trên 307 tỷ đồng đến được tay 4.629 hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất.

Tại xã Ia Nhin, thời gian qua, nhiều hội viên nông dân rất vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ về cây, con giống và tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Ông Hoàng Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Nhin cho biết, Hội đã hỗ trợ 6 cặp heo giống cho 6 hội viên nghèo phát triển kinh tế và hỗ trợ 3.000 cây cà phê, 500 cây mắc ca, 1.000 cây bời lời cho hội viên. Ngoài ra, Hội còn triển khai chuỗi liên kết sản xuất cà phê 4C với hơn 500 hội viên tham gia, thành lập nông hội sầu riêng của xã...

“Các mô hình hỗ trợ sinh kế là động lực để các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, Hội chỉ còn 13 hộ hội viên nghèo, cận nghèo. Năm 2024, Hội sẽ phấn đấu giảm 4 - 5 hộ hội viên nghèo”, ông Thắng cho biết thêm.

Ông Võ Xuân Bảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh cho biết, thời gian đến, Hội Nông dân huyện tiếp tục nhân rộng các phong trào thi đua lao động sản xuất, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo; đẩy mạnh phát triển quỹ hỗ trợ nông dân các cấp; phối hợp với các ngân hàng giải quyết cho nông dân vay vốn, sử dụng vốn vay có hiệu quả; tiếp tục ký kết với các doanh nghiệp cung cấp vật tư, phân bón theo phương thức trả chậm cho hội viên nông dân đầu tư mở rộng sản xuất.

Song song đó, phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp dạy nghề và hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân; mở các lớp tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin về thị trường cho hội viên nông dân...

Thoát nghèo từ những chú dê con

Niềm vui đến với gia đình chị Rơ Châm Nguên (làng Tơ Vơn 2, xã Ia Khươl) từ năm 2022 khi được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 4 con dê giống để phát triển kinh tế. Sau đó, bản thân chị còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc dê do Hội Nông dân xã tổ chức. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn dê của gia đình chị phát triển ổn định.

Chị Nguên cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Do thiếu đất sản xuất, hàng ngày, vợ chồng tôi phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Năm 2022, gia đình được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 4 con dê giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, đàn dê của gia đình tăng lên 15 con. Vừa rồi, tôi bán 3 con để mua sắm các vật dụng cần thiết. Số dê còn lại tôi sẽ tiếp tục duy trì để nhân đàn và cố gắng vươn lên thoát nghèo”.

Bà Rơ Châm Mep bên chuồng dê 9 con. Ảnh: Đăng Lâm.

Bà Rơ Châm Mep bên chuồng dê 9 con. Ảnh: Đăng Lâm.

Cũng ở làng Tơ Vơn 2, gia đình bà Rơ Châm Mep cũng được hỗ trợ 2 cặp dê giống. “Năm nay tôi gần 70 tuổi rồi, sức khỏe giảm sút nên không làm nương rẫy được. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện nên đến nay gia đình đã có được 9 con dê. Tôi xin cảm ơn sự hỗ trợ của Hội Nông dân”, bà Mep bộc bạch.

Ông Phạm Quý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Khươl cho biết, từ năm 2022 đến nay, từ nguồn hỗ trợ của cấp trên, Hội đã triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đến nay, Hội đã hỗ trợ 14 cặp heo giống cho 7 hộ, 20 con dê cho 5 hội viên và tổ chức tập huấn về công tác khuyến nông cho 300 hội viên.

Ngoài ra, Hội còn làm cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội với 6 tổ vay vốn cho 232 hội viên vay với tổng dư nợ hơn 9,2 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế và nhân rộng các mô hình sản xuất. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn ủy thác 450 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, Hội Nông dân xã đã giải ngân cho 10 hội viên vay để triển khai dự án trồng, chăm sóc sầu riêng.

Ông Võ Xuân Bảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh cho biết, thông qua các phong trào và việc làm thiết thực, Hội Nông dân các cấp đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp hội viên phát triển kinh tế.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.