Từ đầu tháng 10 đến 19/11, số lượng bệnh nhân xét nghiệm dương tính với Whitmore nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế tăng gấp nhiều lần so với cả năm.
Theo đó, số lượt bệnh nhân mắc bệnh Whitmore nhập viện tại Bệnh viện tăng đột biến với gần 30 ca trong chỉ hơn một tháng rưỡi.
Các bệnh nhân nhập viện đến từ các tỉnh Nam Định, Thừa Thiên- Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị,... có 50% số bệnh nhân đến từ tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Trong số đó, có nhiều bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng..., điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.
Theo bà Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, để các Sở Y tế và các bệnh viện trong khu vực kịp thời nắm bắt và chủ động trong việc điều trị bệnh nhân Whitmore, bệnh viện Trung ương Huế đã thông báo danh sách bệnh nhân về các địa phương.
"Việc này sẽ hỗ trợ Sở Y tế các địa phương quản lý và theo dõi, tạo điều kiện cho bệnh nhân tái khám điều trị đủ liệu trình. Đặc biệt lưu ý khi bệnh nhân xuất viện phải tư vấn kỹ việc điều trị duy trì tại nhà đúng quy định và kịp thời chuyển tuyến trên khi bệnh tiến triển nặng" bà Hương cho hay.
Đồng thời, Bệnh viện Trung ương Huế cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các Sở Y tế và các bệnh viện nếu có nhu cầu. Việc hỗ trợ này có thể thực hiện trực tiếp hoặc qua hệ thống Tư vấn Khám chữa bệnh từ xa (Health Center).
Bệnh Whitmore do trực khuẩn gram âm Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Bệnh Whitmore chưa có vaccine dự phòng, nhưng người dân hoàn toàn có thể tránh và được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm.