| Hotline: 0983.970.780

Nghìn tỷ đổ xuống sông Bôi

Hòa Bình liên tục chỉ định thầu cho đại gia Hoàng Sơn và hậu quả

Thứ Ba 09/06/2020 , 09:01 (GMT+7)

Lấy lý do cấp bách, tỉnh Hòa Bình xin cơ chế chỉ định thầu cho doanh nghiệp thực hiện các dự án nghìn tỷ trên sông Bôi, nhưng sự thật không phải như vậy.

Doanh nghiệp Hoàng Sơn được chỉ định thầu các dự án trên sông Bôi với nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: PTH. 

Doanh nghiệp Hoàng Sơn được chỉ định thầu các dự án trên sông Bôi với nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: PTH. 

Kêu cấp bách để chỉ định thầu nhưng lại thực hiện dự án kiểu rùa bò

Theo tài liệu Báo NNVN có được, Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng – Xây dựng thương mại Hoàng Sơn có địa chỉ tại tổ 1, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Trong nhiều năm liền, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Hòa Bình, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình lựa chọn là nhà thầu thực hiện hàng loạt dự án trọng điểm trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi...

Với “chiêu thức” dự án cấp bách, dự án trong khu vực ATK (an toàn khu) các cơ quan chức năng ở Hòa Bình đã chỉ định thầu cho doanh nghiệp Hoàng Sơn thực hiện nhiều dự án lớn với tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, thực tế ở các dự án này cho thấy không hề “cấp bách” như cái cách mà chính quyền và doanh nghiệp vẽ ra. Đặc biệt là các dự án trên sông Bôi...

Từ năm 2009, lấy lý do dòng sông Bôi đang sạt lở, cần phải nạo vét, gia cố, chỉnh trị gấp trước mùa mưa lũ, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt Dự án nạo vét gia cố chỉnh trị sông Bôi và thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy với tổng mức đầu tư ban đầu gần 950 tỷ đồng.

Với lý do cấp bách, “cần hoàn thành vào năm 2010” tỉnh Hòa Bình đã xin cơ chế cho phép chỉ định thầu đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng – Xây dựng thương mại Hoàng Sơn.

Từ việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu, chỉ định thầu, chủ đầu tư là Sở NN-PTNT Hòa Bình đã bỏ qua nhiều quy định của pháp luật để lựa chọn Hoàng Sơn thực hiện dự án. Hậu quả, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc kiểm tra dự án này đã phát hiện hàng loạt sai phạm.

Tháng 5/2017, kết luận thanh tra về công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2004 đến 2014, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Dự án nạo vét gia cố chỉnh trị sông Bôi và thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy khởi công xây dựng từ năm 2009 với tiến độ thực hiện 1 năm nhưng kéo dài đến tận nhiều năm sau.

Cũng trong quá trình thực hiện dự án trên, việc phê duyệt hợp phần các công trình trên tuyến từ năm 2010 với giá trị 308,26 tỷ đồng của chủ đầu tư đối với nhà thầu đã không có hồ sơ khảo sát, thiết kế và dự toán…

Phải đến thời điểm thanh tra năm 2015, hơn 5 năm sau khi dự án triển khai thì chủ đầu tư và nhà thầu mới hoàn chỉnh hồ sơ khảo sát, thiết kế dự toán để trình phê duyệt điều chỉnh.

Chưa kể, việc phê duyệt dự án UBND tỉnh Hòa Bình cũng không xin ý kiến Bộ NN-PTNT về quy hoạch thoát lũ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến phải điều chỉnh cắt giảm quy mô nạo vét sông và kè sạt lở do địa chất, thủy văn khu vực dự án đầu tư không cần thiết đầu tư khối lượng nạo vét và kè sông với khối lượng lớn...

Nói cách khác, đối với dự án này, chủ đầu tư và doanh nghiệp đã không thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật.

Điều đó dẫn đến việc chi phí trong lập và phê duyệt tổng mức đầu tư không đúng, thiếu chính xác làm tăng giá trị tổng mức đầu tư như việc tính thuế giá trị gia tăng cho các chi phí dự phòng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí rà phá bom mìn... được phê duyệt không đúng quy định số tiền hơn 20,55 tỷ đồng.

Hàng loạt sai phạm hàng chục tỷ đồng đã bị phát hiện nhưng tỉnh Hòa Bình tiếp tục chỉ định thầu cho Hoàng Sơn. Ảnh: PTH.

Hàng loạt sai phạm hàng chục tỷ đồng đã bị phát hiện nhưng tỉnh Hòa Bình tiếp tục chỉ định thầu cho Hoàng Sơn. Ảnh: PTH.

Nực cười ở chỗ, lấy lý do “cấp bách” để xin chỉ định thầu và dự kiến hoàn thành trong năm 2010, nhưng đến năm 2018 UBND tỉnh Hòa Bình mới ban hành Quyết định số 1156/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án nạo vét, gia cố chỉnh trị dòng sông Bôi để thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy và Lạc Thủy.

Căn cứ quyết định này, tổng mức đầu tư dự án duyệt điều chỉnh 798,622 tỷ đồng. Sau điều chỉnh, cơ cấu tổng mức đầu tư bao gồm 571,770 tỷ đồng cho hợp phần kè chống sạt lở và nạo vét lòng sông, 226,851 tỷ đồng cho hợp phần các công trình trên tuyến kè. Các nội dung khác giữ nguyên theo các Quyết định đã được UBND tỉnh ban hành trước đó.

Cũng theo Quyết định nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng quy định quản lý đầu tư xây dựng hiện hành của Nhà nước, khẩn trương hoàn thành dự án đảm bảo tiến độ đề ra...

Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng tỉnh Hòa Bình và nhà thầu chỉ lấy lý do cấp bách để lách quy định nhằm chỉ định thầu cho doanh nghiệp còn tiến độ dự án lại thực hiện theo kiểu mặc kệ, có tiền thì làm, bao giờ xong cũng được?

Trong khi dự án thứ nhất tốn nhiều tiền của, bộc lộ hàng loạt vi phạm, hiệu quả chưa rõ ràng thì cuối năm 2018, Hòa Bình tiếp tục lựa chọn doanh nghiệp Hoàng Sơn thực hiện Dự án Xử lý cấp bách chống hạn, kè chống sạt lở, nạo vét khơi thông dòng chảy sông Bôi (Dự án thành phần 1) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình làm chủ đầu tư với tổng số vốn 350 tỷ đồng.

Cũng với lý do cấp bách, lý do ATK, các cơ quan chức năng ở tỉnh Hòa Bình đã chỉ định thầu cho doanh nghiệp Hoàng Sơn thực hiện các gói thầu số 10 và 16 với mức giá trúng thầu là 184,092 tỷ đồng. Ở gói thầu số 22 với giá gần 97 tỷ đồng, Hoàng Sơn cũng là doanh nghiệp được chủ đầu tư lựa chọn thực hiện.

Thời gian thực hiện các gói thầu này theo hợp đồng là 360 ngày, có nghĩa là trong năm 2019 chủ đầu tư và nhà thầu phải hoàn thành theo đúng tính chất “cấp bách” của dự án.

Tuy nhiên, thực tế khác hoàn toàn. Dường như “bệnh cũ” tiếp tục tái phát với những dự án ngốn hàng đống tiền của trên sông Bôi.

Đã quá hạn phải hoàn thành vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng

Để có cái nhìn khách quan về những dự án mà đại gia Hoàng Sơn được tỉnh Hòa Bình chỉ định thầu, nhóm PV NNVN đã đến nhiều xã trên địa bàn các huyện Kim Bôi, Lạc Thủy để tìm hiểu về các dự án mà chủ đầu tư và nhà thầu cho là cấp bách để xin cơ chế chỉ định thầu.

Với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, Dự án Xử lý cấp bách chống hạn, kè chống sạt lở, nạo vét khơi thông dòng chảy sông Bôi có 3 gói thầu do doanh nghiệp Hoàng Sơn thi công với nhiều hạng mục được phân bổ rải rác khắp 14 xã và 2 thị trấn thuộc các huyện Kim Bôi và Lạc Thủy. Khối lượng công trình dự án gồm 3 hợp phần chính: Hợp phần chống sạt lở và nạo vét khơi thông dòng chảy, hợp phần chống hạn, hợp phần cầu đường và cứu hộ cứu nạn…

Trưởng thôn Bạch Bá Long. Ảnh: PTH.

Trưởng thôn Bạch Bá Long. Ảnh: PTH.

Đã hơn một năm so với kế hoạch hoàn thành hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, nhưng tại xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi, ông Bùi Xuân Hoàn, Chủ tịch UBND xã thừa nhận, theo kế hoạch thì dự án kè cấp bách ở Mỵ Hòa phải hoàn thành vào tháng 6/2019 nhằm mục đích bảo vệ đất đai, hoa màu cho các hộ dân trước tình trạng sạt lở.

Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng mặc dù các hộ dân trên địa bàn xã đã chủ động hiến đất cho nhà thầu thực hiện.

Dẫn chúng tôi ra khu vực thực hiện dự án, Trưởng thôn Mỹ Đông Cành, ông Bạch Bá Long nói, chỉ thấy họ về đổ các tấm bê tông rồi chất đầy sân nhà văn hóa và không thấy làm gì nữa. Các đợt tiếp xúc cử tri, dân đề nghị chủ đầu tư thúc đẩy nhà thầu đẩy nhanh tiến độ kè nhưng đến thời điểm này vẫn chưa làm được.

Còn tại xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, theo ông Bùi Văn Tường, Chủ tịch UBND xã, trên địa bàn xã có hai hạng mục thuộc dự án là xây dựng đường cứu nạn và kè Đồi Bổi.

Quá trình thực hiện dự án, mặc dù là đơn vị được hưởng lợi nhưng xã gần như không nắm được thông tin gì, cũng có thấy họ làm nhưng đến thời điểm này, dù đã quá hạn so với kế hoạch lâu rồi nhưng chưa thấy chủ đầu tư bàn giao các hạng mục về cho xã quản lý.

“Nói là xã có vai trò giám sát cộng đồng đối với dự án, tuy nhiên do không có hồ sơ tài liệu gì nên xã cũng không biết gì để mà giám sát”, ông Tường chia sẻ.

Tương tự là các công trình hồ Cùm Vẹn, cầu Gạo Bạc... đều lâm vào tình cảnh chưa thể hoàn thành. Từ mục tiêu ban đầu là dự án cấp bách, chính quyền Hòa Bình phải liên tục gia hạn thời gian hoàn thiện và chưa ai có thể chắc chắn đến khi nào thì những siêu dự án ngốn hàng đống tiền của ngân sách ở sông Bôi có thể hoàn thiện.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.