| Hotline: 0983.970.780

Hoa, cây cảnh Văn Giang thu 1.000 tỷ đồng

Thứ Sáu 10/01/2020 , 08:28 (GMT+7)

Từng là địa phương chủ yếu trồng đay, ngô và đỗ, lạc, sau hơn 30 năm đổi mới, huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã trở thành một trong những vựa sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh lớn nhất nước.

Thu nhập khủng

Theo Phòng NN-PTNT Văn Giang, đến hết năm 2019, diện tích gieo trồng hoa, cây cảnh (HCC) trong toàn huyện đạt trên 1.100ha, giá trị thu nhập đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng gần 100ha và 150 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

10-09-19_4
Lan hồ điệp sản xuất theo công nghệ cao.

Bình quân thu nhập/1ha canh tác đạt hơn 800 triệu đồng/năm, trong đó có nhiều mô hình trồng hoa cảnh quí hiếm như hồng cổ Sa Pa, cho giá trị thu nhập 2-3 tỷ đồng/ha/năm, đặc biệt có hộ sản xuất hoa áp dụng qui trình công nghệ cao, thu nhập đạt tới 10 - 15 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra còn chưa tính nguồn lợi hàng 100 tỷ đồng từ các hộ chuyên doanh hoa chất lượng cao nhập nội, hộ làm dịch vụ cung ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất: giống, phân bón, giá thể trồng hoa và ang, chậu các loại.

Chị Vũ Thị Phượng ở thôn Bến, xã Phụng Công khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, sau hơn 10 năm đam mê trồng hoa lan hồ điệp, chị đã có được gia sản khá đồ sộ, bao gồm 1 căn nhà trong khu đô thị Ecopark trị giá chục tỷ đồng, gần 1.000m2 hệ thống nhà màng, nhà lưới đồng bộ với các trang thiết bị ươm trồng hoa hiện đại, cho thu nhập ổn định trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm, còn tích tụ được nhiều diện tích canh tác trên địa bàn đang mở rộng qui mô sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Công ở xã Xuân Quan khiêm tốn cho rằng: “Thu nhập lom dom như chúng em, năm nào cũng có được 30 - 40 triệu đồng/1 sào (800 triệu - 1 tỷ đồng/ha) từ gieo trồng các loại hoa dân dụng và các cây lá màu. Riêng các hộ trồng hồng cổ thụ Sa Pa thì không thể so bì, bởi 1 cây hoa hồng cổ trồng chậu, chiếm diện tích chưa đầy 2m2 (cả tán) cũng đã bán được 10 - 30 triệu đồng, tuỳ chất lượng.

10-09-19_2
Bưởi cảnh sản xuất ở thị trấn Văn Giang

Sẽ là thiếu sót khi nói về HCC Văn Giang mà không đề cập tới các cây cảnh có múi (cam, quất, bưởi), với thu nhập tối thiểu 800 - 1.000 triệu đồng/ha và diện tích gieo trồng thường xuyên 300ha, nhóm cây cảnh này đã góp khoảng 300 tỷ đồng vào nguồn thu 1.000 tỷ từ HCC các loại của huyện. Nhờ vậy, từ gần 40 năm nay, cây cảnh có múi đã giúp làm giàu bền vững cho nhiều nông dân các xã Liên Nghĩa, Mễ Sở, Thắng Lợi, Tân Tiến, Long Hưng.
 

Không chỉ trực tiếp làm ra số lượng lớn các loại HCC, một số nhà nông ở Phụng Công và Xuân Quan, còn mua thêm hàng triệu sản phẩm HCC từ khắp nơi trong nước, để đáp ứng cho người tiêu dùng trong khu vực, vì hầu hết loại sản phẩm này đều không có lợi thế sản xuất tại địa phương.

Nguyên nhân thành công và những bài học quý

Từ những kết quả thu được đã nêu có thể nói, sau hơn 30 năm đổi mới, từ một địa phương chủ yếu gieo trồng đay, ngô và đỗ lạc, huyện Văn Giang đã trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh HCC lớn nhất nước.

Ông Nguyễn Chí Hiểu - Giám đốc HTX DVNN Xuân Quan bộc bạch: Đạt được những thành tựu ấn tượng nói trên là do, các nhà nông Văn Giang rất năng động, sáng tạo, biết khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương - nằm kề bên sông Hồng, gần các trung tâm khoa học lớn, có nhiều đường giao thông huyết mạch chạy qua, và là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời còn được sự vào cuộc kịp thời của các cấp ngành địa phương, sớm xây dựng qui hoạch phát triển HCC và quản lý phát triển HCC đúng qui hoạch, tổ chức được nhiều hội chợ xúc tiến thương mại tại các cơ sở trồng HCC trọng diểm của huyện, xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm HCC nổi bật, đề nghị và được UBND tỉnh công nhận 2 làng nghề truyền thống sản xuất HCC.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, thành công lớn nhất trong sản xuất HCC ở Văn Giang là không có sản phẩm dư thừa kêu gọi giải cứu. Vì hầu hết HCC địa phương đều được trồng trong ang, chậu, chum, vại vừa thuận tiện cho người tiêu dùng, vừa có thể chăm sóc để tái sử dụng lâu dài, kể cả những cây bị tồn dư hoặc một số chủng loại HCC đã qua sử dụng.

10-09-19_5
HCC mang lại thu nhập cao cho người dân Văn Giang.

Hai là, đa dạng hoá sản phẩm. Bên cạnh sản xuất các loại HCC cho người tiêu dùng chơi trong nhà như lan ý, hương đào, nguyệt quế, thường xuân, trầu bà, tuyết tùng, vạn liên thanh, lưỡi hổ. Các nhà nông Văn Giang còn sản xuất các cây cảnh đặt chơi tại tiền sảnh như cam, quất, quýt, bưởi, trạng nguyên, hải đường, đồng tiền, thiết mộc lan, kim tiền thảo.

Và rất nhiều loại cây cho trồng viền, trồng thảm khuôn viên, bờ rào, có chuỗi ngọc, bỏng nẻ, dạ yến thảo, cẩm tú mai. Cùng với các cây trồng làm bóng mát các các công trình công cộng: bằng lăng, giáng hương, bàng Đài Loan, long não, phượng vĩ, sấu, sao đen, xà cừ. Ngoài ra còn sản xuất một số dòng hoa cao cấp như lan rừng, lan hồ điệp, địa lan.

Ba là, mở rộng giao lưu học hỏi: Ngoài học tập tiến bộ kỹ thuật từ các trung tâm khoa học lớn như Viện Nghiên cứu Rau quả, các nhà nông Văn Giang còn tới tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các vùng trồng HCC nổi tiếng trong nước như Mê Linh, Tứ Liên (Hà Nội), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp), và một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Trung Quốc). Nhờ vậy các loại HCC Văn Giang rất đa đạng về chủng loại, phong phú về màu sắc, tinh tế kiểu dáng, luôn đạt giá trị gia tăng cao.

Bốn là, thành vựa HCC nhờ liên kết sản xuất: Từ các câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất HCC ban đầu, đến nay địa bàn huyện đã hình thành được 4 công ty TNHH, 1 HTX HCC. Số hộ còn lại đều liên kết sản xuất theo nhóm liền ruộng canh tác hoặc gần nhà cùng ngõ xóm.

10-09-19_6
Đu đủ cảnh của xã Liên Nghĩa.

Thông qua mối liên kết, các hộ đã giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, quản lý nhà vườn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Cũng nhờ sự liên kết này, nhiều nông dân trong huyện đã làm chủ được kỹ thuật ghép quả cho có múi, ghép rễ, ghép đoạn cành cành trên cây lâu năm, cá biệt có hộ còn nhân giống được HCC bằng công nghệ nuôi cấy mô.
 

Định hướng phát triển trong thời gian tới

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển HCC, UBND huyện Văn Giang đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn: Tiếp tục rà soát điều chỉnh bổ sung qui hoạch vùng sản xuất HCC. Tăng cường hợp tác với Viện Nghiên cứu Rau quả và các cơ quan khoa học khác. Xây dựng một số mô hình sản xuất giống hoa và hoa thương phẩm có giá trị kinh tế cao. Tập trung hoàn thành chợ đầu mối và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Xúc tiến xây dựng thương hiệu. Từng bước đưa sản phẩm HCC của địa phương hội nhập thị trường quốc tế. Đồng thời nâng cao lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành. Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong sản xuất HCC.

“Năm 2020, huyện sẽ gieo trồng khoảng 1.350ha HCC các loại. Cung ứng ra thị trường khoảng 50.000.000 sản phẩm, bao gồm: 30.000.000 chậu hoa hồng, tuỳ loại, 10.000.000 cành lily, lan; 7.000.000 giỏ hoa treo; 2.000.000 cây cam, quất và bưởi cảnh; 1.000.000 các cây cảnh khác”, ông Nguyễn Quốc Chương - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Văn Giang cho hay.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.